Gặp Quyến, Vượng, ông Vinh ở T16
Các Website khác - 27/01/2006
Gặp Quyến, Vượng, ông Vinh ở T16

Quang Vinh (Truyền hình Vì ANTQ)
Khi được phép của Tổng cục Cảnh sát vào gặp số huấn luyện viên, trọng tài và nhất là cầu thủ đội U.23 tại trại tạm giam, trong tôi - tình cảm lẫn lộn và luôn không nhất quán...

Ông Nguyễn Thành Vinh tại
trại tạm giam T16 (chụp
quan băng ghi hình).
Tôi bắt tay ông Nguyễn Thành Vinh, nắm tay có chặt đấy, nhưng mắt ông lại hướng về phía điều tra viên. Tôi lắc tay ông như muốn nói: Ông cứ quay lại đây với tôi, đừng ngại gì cả, không ai ngăn cản đâu!

Tội nghiệp quá - "ngân hàng" của bóng đá quốc gia. Con người cương trực là thế, bản lãnh là thế và cũng khiêm nhường là thế mà hôm nay không thể nhìn thẳng vào mắt người cùng trò chuyện... Lúc đầu ông dè dặt khi tôi đặt vấn đề về chuyện đạo đức của cầu thủ, rồi như thấy tôi hỏi thật lòng, ông đã tâm sự trôi chảy, thậm chí về sau còn tỏ thái độ khá gay gắt khi lên án một số cầu thủ và lãnh đạo đặt vấn đề chạy trọng tài để cho đội được thắng vì hình như cả Hội đồng Trọng tài đang cố tình "chơi" đội Ngân hàng Đông AÁ - mà ông làm huấn luyện. Ông thấy uất lắm, uất vì mấy ông "vua sân cỏ" cứ tìm cách hành hạ đội bóng. Ông uất vì đã nhiều lần nói với lãnh đạo liên đoàn, cả nói thẳng với trọng tài nhưng mà chẳng thấy động tĩnh gì - giờ phải mang tiền thưởng của mình ra mà biếu họ. Bây giờ ông mới than là làm bóng đá sao khó thế. Khó vì không phải cứ bằng tài năng và sự tận tụy là được. Thế rồi ông buộc phải làm cái việc không muốn là mang tới biếu họ để như cầu xin: "Thôi, tôi thua các ông rồi, tôi xin các ông tha cho để tôi được yên ổn". Đấy, cái "nỗi nhục" của ông nó vậy. Thế mà giờ ông phải ngồi trại giam. Nói đến câu này, ông chùng xuống và hình như trong khoé mắt của ông có nước.

Tôi hỏi về đứa học trò cưng của ông và cho ông biết nó tham gia bán độ tại Philippines. Nó bán và sắp xếp cho Việt Nam thua, miễn là có tiền! Mặt ông Vinh thảng thốt nhưng tái đi. Ông biết là tôi không nói dối, nhưng ông cứ than: Sao lại thế được, sao lại như thế! Quyến đã tạo nên ấn tượng sâu nhất trong ông về một đứa học trò nghèo, ngoan ngoãn và tài năng. Một lần không biết nghe ai, nó cùng mấy đứa tẩy chay thầy Thịnh là người huấn luyện viên đầu tiên dẫn dắt chúng nó vào nghề, ông Vinh giận lắm, ông cho gọi nó đến, trách rồi phân tích cho nó rằng, một đứa học trò có hiếu thì không bao giờ được phép nói xấu thầy. Sau đó, Quyến nhận ra, nó đã xin lỗi thầy Thịnh và cái lúc lên đến đỉnh vinh quang, nó được một lúc 3 đoàn mời đi đóng phim quảng cáo; nó xin ông, ông cho đi, ông còn bảo vệ nó trước ban lãnh đạo câu lạc bộ, ông nói: Cầu thủ mình còn nghèo, giờ người ta mời và trả cho nó nhiều tiền, tại sao lại không tạo điều kiện cho nó. Thế rồi lần sau nó xách túi về, nó đã vào thẳng phòng ông để chào. Ông yên tâm rằng nó đã biết sống, biết nghĩ, vậy mà giờ này nó bị bắt cùng Quốc Vượng, hay là... Ông nói vậy rồi bỏ lửng. Tôi biết, ông chẳng muốn nói điều gì. Theo suy diễn chủ quan, nhưng tôi cũng đã hiểu điều ông chưa định nói.

Cán bộ quản giáo đưa ông Nguyễn Thành Vinh trở lại trại, vẻ hào sảng của ông đã không còn, ông bắt tay tạm biệt tôi mà hình như lưng ông hơi cúi xuống, tôi chẳng muốn nhìn ông trong tư thế ấy.

***
Phạm Văn Quyến (ảnh bên) bước ra khỏi cánh cổng sắt mà khuôn mặt tươi tỉnh như không phải chuyện của mình. Chỉ khi thấy ống kính máy quay đang hướng về mình, anh ta mới cúi đầu xuống. Quyến đi đôi dép lê bằng da, mặc cái áo pull và quần jean, trông Quyến cao hơn trong sân và nhìn xung quanh, tôi cũng thấy Quyến không hề thấp. Có thể mấy cán bộ quản giáo không cao hơn Quyến, nên tôi thấy vậy chăng? Khi đặt vấn đề để trò chuyện trước ống kính, Quyến cũng không bất ngờ - mặt vẫn tươi như đang chạy trên sân. Tôi không hỏi Quyến về những điều đã nói với Cơ quan điều tra, mà chỉ hỏi vì sao đến mấy ngày, Quyến mới chịu nhận là mình tham gia bán độ. Có phải điều tra viên "quay" dữ quá không? Quyến không công nhận, anh ta nói vì thương mẹ và nghĩ đến mẹ nhiều mà quyết định nói ra. Thế rồi hình như câu nói "mẹ" đối với Quyến thê lương quá mà Quyến giãi bày một tràng với tôi rằng mẹ anh ta khổ quá, suốt đời sống vì nó, luôn lo lắng cho nó khi xa nhà đi thi đấu, giờ cũng chưa gọi là sướng - vậy mà anh ta lại làm cho bà khổ, lúc này bà chắc đang khóc khi nghĩ đến nó... Và thế là Quyến chảy nước mắt. Ai không tin mặc họ, nhưng tôi hoàn toàn tin nó đã nói thật, Quyến khóc thật và nó thương bà Niềm thật. Nhưng vì sao Quyến lại làm thế?

Trước khi gặp Phạm Văn Quyến, các điều tra viên nói với tôi rằng Quyến đá bóng trên sân "quái" thế nào thì thái độ khai báo với cơ quan công an cũng "quái" như thế, quả đúng vậy - trước sau Quyến chỉ nói rằng nó còn trẻ, chưa lường hết hậu quả, chỉ nghĩ đơn giản là đội Việt Nam vừa thắng, Quyến lại có thêm tí tiền (ý nói chỉ hoà 2 hiệp chính với Myanmar, sau hiệp phụ sẽ thắng). Tôi không chịu, tôi hỏi anh ta: Em thừa biết trong bóng đá là thế nào rồi, đội mạnh nhất vẫn có thể sẩy chân thua đội yếu nhất cơ mà. Nếu bọn em sẩy chân thì hơn 80 triệu người dân Việt Nam sẽ thất vọng thế nào?

Quyến quay đi không trả lời.

***
Sáng hôm ấy, khi làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội về công việc khác, tôi thấy các anh cứ thẫn thờ, trong khi tôi giục phải nhanh để chờ còn xem trận bán kết Việt Nam - Malaysia.

"Thua rồi ông ạ, chiều nay Việt Nam thua!". Cái câu nói đó nếu ở ngoài, tôi chỉ coi là câu phỏng đoán tầm phào và sai toét, nhưng lần này chính tại Cơ quan điều tra đang chống tiêu cực trong bóng đá thì tôi ý thức được đó không phải chuyện đùa.

Suốt mấy tiếng đồng hồ sau đó, tôi như nín thở để dõi theo từng biện pháp xử lý của các anh - lúc này tôi mới thấm thía câu nói: "Nhiều khi danh dự của một dân tộc có thể nằm trong tay một vài người". Cho đến khi tiếng còi của trọng tài bắt đầu trận đấu, qua điện thoại với Thiếu tướng cục trưởng - tôi mới thở phào vì các anh đã làm tất cả mọi biện pháp để ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra. Và sau đó đã không thua, ung dung bước vào trận chung kết.

***
Tôi không có cảm tình với người có cặp mắt nhỏ lại hay liếc trộm, Quốc Vượng có cặp mắt như thế, tuy rằng tôi vẫn mê cách đá bóng rắn và đầy bản lĩnh của Vượng. Nhìn ống kính máy quay rất cảnh giác, Vượng hỏi: "Liệu có đưa lên vô tuyến?". Tôi gật đầu xác nhận và điều đó đồng nghĩa với sự câm lặng của Vượng, phải đến 30 phút Vượng mới chịu dè dặt và tính toán trong từng câu nói với phóng viên. Kết thúc buổi trò chuyện, khi đưa trở lại trại, Vượng còn quay lại phản ứng như đe doạ người quay phim đang vác máy chạy theo.

***
Hai lần vào trại tạm giam, gặp 5 người là trọng tài Lương Trung Việt, huấn luyện viên Vũ Tiến Thành, huấn luyện viên Nguyễn Thành Vinh, cầu thủ Phạm Văn Quyến, cầu thủ Quốc Vượng. Có người suy sụp như Trung Việt, có người tươi tỉnh nhưng đau xót lắm như Tiến Thành, có người phản ứng như Vượng và có thái độ như Thành Vinh, Văn Quyến như ở trên tôi đã nói. Hai chương trình phát sóng trên VTC1 là phát ngôn chính thức của chúng tôi trước những con người có công, nhưng nay đang phạm tội - thiết nghĩ cũng chẳng phải bàn nhiều về động cơ và hành vi của họ. Nhưng nếu như Thành Vinh, Tiến Thành, Trung Việt biết nghĩ đến danh dự nghề nghiệp, nếu như Văn Quyến, Quốc Vượng biết nghĩ đến đất nước mình đang sống... Tôi tin rằng, sau cái giá phải trả quá đắt này, Thành Vinh, Tiến Thành, Trung Việt sẽ chẳng bao giờ còn sai lầm như vậy nữa. Còn Văn Quyến, Quốc Vượng, tôi cũng tin rằng những ân hận của họ khi nói với chúng tôi là thật - khi đó họ không nói dối, nhưng tôi lại nghĩ rằng, ngày mai, nếu họ được trở về đá bóng, nếu có người rủ rê "không thua mà lại có tiền" thì liệu họ có đồng ý không nhỉ... Mong rằng không phải vậy.