TP- Với danh xưng “vua sân cỏ”, về mặt lý thuyết, trọng tài là người có quyền quyết định lớn nhất trên sân nhưng với bóng đá Việt Nam, điều này không hẳn lúc nào cũng đúng!
Nguyên nhân là Trọng tài còn phải chịu sự chi phối của giám sát trọng tài (GSTT), mà sự cố xảy ra trên sân Chi Lăng chiều 11/5 trong trận SHB.ĐN - ĐT.LA là một dẫn chứng tiêu biểu. Vậy GSTT là ai?
Về mặt lý thuyết, GSTT phải là những người đã từng cầm còi, cầm cờ, hoặc chí ít phải có chuyên môn sâu về bóng đá.
Giám sát và quan chức hai đội Đà Nẵng, ĐTLA đang vây quanh trọng tài Xuân Hòa |
Trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, GSTT là người có trách nhiệm quản lý, tổ chức tập luyện hằng ngày cho trọng tài; tham gia công tác chuẩn bị cho lực lượng điều hành trận đấu bao gồm chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp cầm còi, xác định tính vô tư, trung thực, khách quan, theo dõi diễn biến trận đấu, những xử lý của trọng tài để có nhận xét, đánh giá; ngoài ra còn theo dõi kiểm tra, phát hiện những diễn biến đặc biệt về trọng tài.
Vì có trọng trách lớn như vậy nên nếu để hoàn thành tốt nhiệm vụ, GSTT buộc phải năng lực chuyên môn ít nhất là bằng hoặc cao hơn trọng tài. Tuy nhiên, quy định này ngày càng bị biến tướng và giờ đây GSTT không bắt buộc phải có chuyên môn xuất sắc mà chỉ cần... được lòng BTC giải là đủ.
Thế mới có chuyện một GSTT hiện giữ vị trí rất cao hiện nay lại chẳng được cấp dưới của mình nể vì bởi ông chỉ có trình độ hạng xoàng khi còn cầm còi. Tuy nhiên, nhờ có những quan hệ hậu trường và cả “tài năng” ngoài chuyên môn nên nhân vật này vẫn có chỗ đứng rất tốt.
Trong khi đó, một người nổi tiếng trung thực và ngay thẳng như trọng tài Dương Mạnh Hùng khi muốn nộp hồ sơ theo học nghề giám sát lại bị từ chối thẳng thừng vì lý do “không đủ điều kiện” nhưng khi ông Hùng căn vặn xem điều kiện mà mình còn thiếu là gì thì lại không được trả lời thấu đáo.
Có lẽ người ta e ngại cá tính thẳng ruột ngựa cùng thói quen hay “tố” các đồng nghiệp “ăn bẩn” của trọng tài Dương Mạnh Hùng khi còn cầm còi sẽ làm khó cho BTC giải.
Người ta có lý do để thận trọng như vậy, vì cách đây đúng 10 năm, khi làm giám sát trận Sông Bé - Khánh Hoà ở giải VĐQG, GĐKT HA.GL Nguyễn Văn Vinh đã thẳng thừng phê những dòng như búa bổ: “Hai đội thi đấu thiếu tích cực và có dấu hiệu bất thường. Chuyên môn thể hiện không đúng với năng lực của mình... Đề nghị BTC giải xem xét và có biện pháp xử lý...”.
Bút phê của giám sát Nguyễn Văn Vinh đã khiến BTC giải buộc phải ra tay xử lý vì họ bị đặt vào thế chẳng đặng đừng nhưng sau đó ông Vinh đã bị trách móc và từ đó ông cũng chia tay luôn nghề giám sát.
Từ trường hợp của ông Vinh nên giờ đây kim chỉ nam trong cách làm việc của giám sát là báo cáo sự thật đã được biến tướng thành vo tròn sự thật để BTC vừa lòng mà mùa sau còn mời đi làm giám sát.
Quyền lợi hậu hĩnh
Với thu nhập trung bình 1 triệu đồng/ trận làm nhiệm vụ ở giải VĐQG (600.000 đồng/trận ở giải hạng Nhất) cộng với tiền tàu xe ăn ở, chưa kể việc được các địa phương có đội bóng thi đấu tiếp đón cực kỳ trọng thị, bởi ai cũng hiểu rằng được lòng GSTT tức là được lòng trọng tài, nên nếu được bố trí đều đặn làm giám sát đủ 4 trận/tháng ở giải VĐQG, hoặc có thể nhiều hơn nếu “đá” thêm giải hạng Nhất, thì các giám sát đã bỏ túi một khoản thu nhập kha khá so với mặt bằng sinh hoạt chung.
Chẳng thế mà khi trả lời thẩm vấn tại phiên toà xét xử vụ án “Đưa, nhận và môi giới hối lộ” của các trọng tài, cựu trọng tài FIFA Lê Văn Tú đã khai nhận rằng việc BTC sân, tổ giám sát, trọng tài nhận quà bồi dưỡng của BTC sân và đội bóng là chuyện thường ngày ở huyện.
Ông Tú cũng khai rằng trong suốt sự nghiệp cầm còi của mình (cho tới khi bị gián đoạn vì rơi vào vòng lao lý), ông Tú chưa thấy ai lại từ chối quà bồi dưỡng của BTC sân và đội bóng, nhưng lúc đó chủ toạ phiên toà đã không truy tiếp ông Tú rằng cụ thể những ai là thành viên của BTC đã nhận quà bồi dưỡng.
Né tránh
Quyền lợi hậu hĩnh như vậy nhưng áp lực trong công việc của các giám sát lại nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với trọng tài. Nếu như các trọng tài luôn phải chịu áp lực cực lớn và họ có rất ít thời gian cho mỗi quyết định của mình trên sân, thì nhiệm vụ của các giám sát chỉ là một bản báo cáo sau 90 phút thi đấu, và nếu muốn họ có thể tảng lờ những sự cố nổi cộm xảy ra trong hoặc sau trận đấu để BTC giải có cớ chối phắt khi bị chất vấn.
Đã rất nhiều lần BTC né tránh những câu hỏi gay gắt của dư luận bằng bản trường ca “không thấy giám sát báo cáo”, bất chấp việc sự cố đó đã có nhân chứng vật chứng rõ ràng.
Chẳng hạn như ở V-League 2006, khi trung vệ Mạnh Dũng (lúc ấy còn khoác áo Đà Nẵng) có hành vi khiêu khích và chọc giận khán giả Pleiku thì lại được BTC giải bỏ qua vì lý do “giám sát trận đấu ấy không theo dõi vụ việc trực tiếp và không ghi trong biên bản trận đấu nên BTC không thể phạt”.
Trong khi thủ phạm gây ra náo loạn là Mạnh Dũng được bình yên vô sự, thì nạn nhân là BTC sân Pleiku lại bị phạt 10 triệu đồng.
Cần nhớ rằng toàn bộ sự cố nói trên đều diễn ra trước mắt giám sát và chính ông này còn đề nghị BTC sân bố trí công an lên xe cùng Mạnh Dũng trở về khách sạn để bảo đảm an toàn. Vậy mà khi được hỏi cả giám sát lẫn BTC giải đều trả lời với điệp khúc ba không (không nghe, không biết, không thấy).
Giữa BTC giải và giám sát là một quan hệ khăng khít bền chặt và không phải tự nhiên mà người ta hay nói “giám sát là cánh tay nối dài của BTC giải”. Thế nên, không có gì khó hiểu khi xử lý vụ việc trên sân Chi Lăng ngày 11/5 vừa qua, BTC giải đã chấp nhận xé luật bảo vệ trọng tài của FIFA mà họ hay giương ra để đẩy trọng tài Nguyễn Xuân Hoà “lĩnh đạn”, còn tổ giám sát thì được bảo kê đến nơi đến chốn và chỉ nhận án rất nhẹ nhàng. |
Nhật Huy
▪ Real Madrid muốn chinh phục Ronaldo (17/05/2008)
▪ Cristiano Ronaldo: Săn bàn ngoại hạng, sát gái thượng thừa (17/05/2008)
▪ Ronaldo bất ngờ “treo” khả năng ở lại MU (16/05/2008)
▪ MU chính thức “trói” Rio Ferdinand tới 2013 (16/05/2008)
▪ Ronaldo chính thức nhận giải Vua phá lưới Premiership (16/05/2008)
▪ Grant lại gây sự với Ferguson (15/05/2008)
▪ Zenit lần đầu tiên vô địch cúp UEFA (15/05/2008)
▪ MU sẵn sàng chi 30 triệu cho bộ đôi Alves - Fabiano (14/05/2008)
▪ Giấc mơ Champions League của Chelsea bị đe dọa (14/05/2008)
▪ Roma mất “cầu thủ thứ 12” trong trận quyết đấu (14/05/2008)