'Kiến càng' Phạm Văn Mách sẽ mãi gắn bó với thể hình
Các Website khác - 31/12/2005

Cùng với võ sĩ taekwondo Nguyễn Văn Hùng, lực sĩ thể hình Phạm Văn Mách đã được lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 23 đề nghị Nhà nước tặng thưởng huân chương Lao động hạng nhất. Phạm Văn Mách cũng nằm trong số 10 VĐV tiêu biểu của Việt Nam năm nay.

"Kiến càng" Phạm Văn Mách.

"Kiến càng" Phạm Văn Mách là một trong số rất ít VĐV thể thao Việt Nam hoàn tất đủ bộ sưu tập thế giới, khu vực. Ban đầu đến với thể hình chỉ với mục đích thư giãn sau giờ lao động mệt nhọc là chính, nhưng lâu dần, lực sĩ có chiều cao khiêm tốn (1m51) này bắt đầu phát sinh tình cảm với những quả tạ vô tri. Anh dồn mọi tâm trí, công sức của mình vào những giờ tập. Mách hy vọng mình sẽ trở thành lực sĩ thể hình chuyên nghiệp để đổi đời.

Chức vô địch quốc gia đầu tiên năm 18 tuổi trở thành bước ngoặt lớn nhất trong đời VĐV người An Giang. Luôn gây ấn tượng cho ban giám khảo bằng nền nhạc sôi động, Phạm Văn Mách cho biết: "Chiều cao và cân nặng khiêm tốn là nguyên nhân chính khiến tôi chọn môn thể thao đó. Cũng không ngờ tôi lại gắn bó với nó hơn 10 năm như thế. Thể hình đã cho tôi rất nhiều thứ: huy chương, bạn bè, kinh tế ổn định,... và cả người bạn gái hiện thời. Tôi rất hài lòng vì sự lựa chọn của mình, và quyết cống hiến cuộc đời mình cho nó. Nếu không còn thi đấu, tôi muốn làm HLV chuyên nghiệp để truyền tất cả kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ".

Năm nay 29 tuổi, Phạm Văn Mách đã trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất của thể thao Việt Nam. Bộ sưu tập huy chương của anh khiến cả đàn anh Lý Đức cũng phải mong muốn: vô địch thế giới 2001 hạng dưới 60 kg, vô địch châu Á 2004, 2 lần liên tiếp đoạt HC vàng SEA Games 22, 23. Chiếc HC vàng SEA Games 23 ở hạng cân 55kg vừa qua cũng giúp Mách nằm trong top 10 VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam năm 2005. Giàu thành tích, nhưng Phạm Văn Mách vẫn giữ được sự khiêm tốn. Mách luôn ghi nhớ công ơn của mọi người: "Tôi đã phải phấn đấu, hy sinh rất nhiều mới đạt được thành quả như ngày hôm nay. Nhưng Phạm Văn Mách vẫn sẽ là anh chàng nhà quê nếu không có HLV Huỳnh Anh, và các đàn anh đi trước như: Lý Đức, Giáp Trí Dũng, Cao Quốc Phú,... Tôi thành công vì xung quanh tôi có những tấm gương sáng để học tập. Tôi đã học sự nghiêm túc trong nghề nghiệp của HLV Huỳnh Anh, học sự chuyên cần của Lý Đức,..."

Không ai sống quanh Phạm Văn Mách có thể chê trách chàng Hercules "mini" này. Lý Đức nhận xét: "Phạm Văn Mách là một VĐV chuyên nghiệp đúng nghĩa. Anh luôn thực hiện nghiêm túc tất cả các giáo án tập luyện mà HLV đưa ra một cách tự giác". HLV trưởng đội tuyển thể hình Việt Nam, ông Huỳnh Anh cũng khá hài lòng về cậu học trò của mình. Ông nói: "Thể hình là môn thể thao khắc nghiệt vì nó đòi hỏi VĐV phải hi sinh nhiều thứ. Nhưng cá nhân tôi chưa bao giờ nghe một lời than vãn nào từ Mách. Tự giác tập luyện, sinh hoạt điều độ, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đồng đội là một trong nhiều ưu điểm của cậu ấy".

Phạm Văn Mách tại SEA Games 23.

Hiện nay, ngoài giờ tập trong đội tuyển quốc gia, chàng lực sĩ gốc Long Xuyên này phải điều hành một phòng tập tư nhân. Bằng số vốn tích lũy được sau hơn 10 năm đến với thể hình, Phạm Văn Mách đã có được một phòng tập cho riêng mình trong khuôn viên sân vận động Thống Nhất (TP HCM). Khá đông bạn trẻ Thành phố đã chọn nơi đây để đánh vật với các quả tạ. Họ đến để tập luyện thể thao, và được gặp gỡ thần tượng nhỏ bé của mình. Phạm Văn Mách sẵn sàng truyền kinh nghiệm, và các bí quyết giúp học viên có được cơ thể giàu sức sống như anh. Sau giờ tập luyện, "kiến càng" Phạm Văn Mách lại lướt xe máy dạo phố cùng cô bạn gái. Phạm Văn Mách đã kết thúc một năm thi đấu thành công.

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, bộ môn thể hình TP HCM đã không giữ được chân Phạm Văn Mách. Tháng 8/2005, VĐV này đã quyết định chuyển về bảo vệ màu cờ, sắc áo quê nhà An Giang.

Thúy Quỳnh