Người võ sĩ đạo cuối cùng
Các Website khác - 25/12/2005
Người võ sĩ đạo cuối cùng

Anh Ngọc
Chôn vùi những ấn tượng tồi tệ mà Di Canio đã tạo ra là một điều không hề đơn giản, vì sự trượt dài của anh từ hình ảnh của một ngôi sao cao thượng và đầy chất fairplay đến một tên phátxít làm tất cả ngỡ ngàng. Câu chuyện buồn cuối cùng của năm 2005.

Hình ảnh đáng lên án của Di Canio
trong trận gặp Livorno và
Juventus (ảnh).
Gợi lại điều cấm kỵ
Gợi lại những gì liên quan đến chủ nghĩa phátxít ở Italia luôn là một điều cấm kỵ. Italia chính là đất nước khai sinh của thứ tư tưởng cực đoan, phân biệt chủng tộc và khát máu ấy khi Mussolini xuất hiện và nắm quyền từ năm 1922. Lịch sử thế giới đã bị bôi đen trong suốt hơn 2 thập kỷ bởi kiểu chào phátxít với cánh tay phải giơ cao như một sự điên cuồng của một hệ tư tưởng lệch lạc và sự thách thức nhân loại của tên trùm phátxít. Thế mà Di Canio đã làm cho những ấn tượng đen tối và ngột ngạt của thời kỳ ấy sống lại, không chỉ một lần, mà đã 3 lần trong năm nay. Người đội trưởng, linh hồn của Lazio đã trâng tráo giơ cánh tay phải về các CĐV Roma trong trận derby tháng 1.2005, anh lặp lại điều đó trên sân Livorno hôm 11.12.2005, và một lần nữa ở trận đấu với Juventus trên sân Olympico một tuần sau. Một thần tượng đã sụp đổ trong con mắt của nhiều người, và rất nhiều câu hỏi: Tại sao, Di Canio?

Trong một đất nước mà các SVĐ bị biến thành nơi chiêu mộ lực lượng cho các đảng phái và là nơi tìm kiếm các cử tri, ngay cả các đội bóng và các CĐV cũng bị chia rẽ bởi các hệ tư tưởng chính trị và tính cục bộ địa phương, một cầu thủ thể hiện quan điểm chính trị của anh ta trên sân không phải là chuyện lạ. C.Lucarelli - chân sút của Livorno, đội bóng cánh tả nổi tiếng - đã luôn giơ một nắm đấm về phía trước sau mỗi bàn thắng để biểu lộ sự ngưỡng mộ của anh với nhà cách mạng Che Guevarra. Cũng vì sự tôn thờ ấy mà cầu thủ tài năng này chịu thiệt: Anh mới chỉ được chiếu cố gọi vào đội tuyển Italia có một lần, dù mùa trước, anh là Vua phá lưới của Serie A với 24 bàn thắng. Nhưng Di Canio là một trường hợp đặc biệt.

Một biểu tượng xấu xa
Ranh giới bạn thù trong cái thế giới của Di Canio luôn luôn được xác định rõ và các CĐV thích điều ấy. Anh đã đánh nhau với các CĐV đối phương khi còn khoác áo Lazio 15 năm trước, đã đánh cả đồng đội khi chơi cho Napoli cách đây gần 10 năm, đã trở thành thần tượng của những người hâm mộ quá khích.

Nhưng khi đến nước Anh, con người ấy không tồn tại nữa. Người đã đẩy trọng tài Hancock ngã dúi dụi khi đá cho Sheffield Wednesday lại có thể dừng một đợt tấn công dẫn đến bàn thắng mười mươi trong trận đấu với Everton chỉ để cho các bác sĩ vào sân chăm sóc cho thủ môn đối phương đang bị thương, khi anh chơi cho West Ham. Kẻ nóng đầu ở khu Quarticciolo, Roma đã nhanh chóng trở thành một biểu tượng của thứ "bóng đá vị tha". Hành động ấy khiến chính bản thân những người Italia cũng ngạc nhiên, vì ngay cả những hành động cao thượng nhất trên sân cỏ Italia cũng bị cho là giả tạo. Họ tự hỏi: "Anh ta làm thế vì cái gì? Vì để nổi tiếng, vì môi trường bóng đá Anh là tốt đẹp, dễ cảm hoá con người, hay vì anh ta là một gã điên khi sắp kết thúc sự nghiệp ở tuổi 37?".

Giờ thì chúng ta đã có câu trả lời: Di Canio không hề thay đổi, vì từ lâu anh vẫn nhắc đến Mussolini với một sự sùng kính. Môi trường của bóng đá Italia cũng không thay đổi, đầy rẫy những vấn đề ngoài sân cỏ, mà mỗi chủ thể trong đó vừa là một nạn nhân, vừa là một thủ phạm, làm cho nó tồi tệ hơn. Lazio khủng hoảng. Đội bóng VĐ Italia năm 2000 cần một biểu tượng lớn để thoát ra khỏi những năm tháng khó khăn. Họ đã sống sót bằng tinh thần chiến đấu đến mức điên cuồng ấy của Di Canio.

Nhưng bản thân anh đã đi quá xa trong cuộc chiến bạn-thù ấy, không thoát khỏi vực xoáy của những điều tiêu cực trong một xã hội đầy rẫy bê bối, trở thành biểu tượng xấu xa của nền bóng đá Italia từ lâu đã có quá nhiều vấn đề về doping, bạo lực, phân biệt chủng tộc và khủng hoảng tài chính.

Bốn năm trước, khi anh dừng bóng để thủ môn đối phương được chăm sóc, FIFA đã ca ngợi anh như một biểu tượng của lòng cao thượng và khoan dung hiếm hoi còn sót lại của bóng đá thương mại. Bây giờ, họ và tất cả chúng ta nhìn anh như một sự suy đồi bệnh hoạn. FIFA có thể sẽ quyết định cấm anh thi đấu. Các CĐV chân chính không muốn anh ra sân và bản thân Lazio cũng tiến bộ hơn khi không có anh. Bốn năm là một quãng thời gian ngắn cho một đời người, nhưng lại là khoảng thời gian cho một sự thay đổi nhanh đến ghê người. Người võ sĩ đạo cuối cùng của bóng đá thế giới đã tự harakiri (mổ bụng tự sát) trong một năm đầy những chuyện không vui.