Rijkaard nay đã lớn Trương Anh Ngọc 6 năm trước, nhìn Rijkaard bất lực và buồn rầu trên đường pitch của sân Rotterdam trong trận ĐT Hà Lan của ông thua một Italia chỉ còn chơi với 10 người nhưng là 10 trái tim dũng cảm trong loạt luân lưu ở trận bán kết EURO 2000, thấy mà thương. Giờ đây, cái ấn tượng đầy chán nản ấy đã nhanh chóng chìm vào quên lãng khi Barcelona vào chung kết Champions League...
Thứ chiến thuật đổ bêtông catenaccio hữu hiệu ấy đã được Barcelona và Wenger sử dụng một cách hoàn hảo ở bán kết, biến vòng đấu ấy thành vòng bán kết tẻ nhạt thứ 2 trong lịch sử Cúp C1/Champions League, vì chỉ có vẻn vẹn 2 bàn thắng được ghi trong 4 trận đấu. Khi một đội bóng có sức công phá mãnh liệt nhất Châu Âu đánh bại đội bóng có hàng công mạnh thứ 2 của châu lục bằng một phong cách chơi bóng kỳ lạ, mà cầu thủ hay nhất thế giới 2005, người không hề biết kèm người cũng phải tham gia phòng ngự, thì rõ ràng đó là một thứ bóng đá vô cùng xa lạ với sự lãng mạn của bóng đá Tây Ban Nha. Nhưng sự kỳ quặc ấy đem lại chiến thắng. Đó mới là điều quan trọng. Sự thay đổi của tư duy bóng đá, từ phụ thuộc quá nhiều vào lối chơi và cảm hứng tự do của Ronaldinho, tài săn bàn của Eto¿o như một tiền đạo cắm ở mùa giải trước, đến một thứ bóng đá tập thể dựa trên sự chắc chắn của hàng thủ và che chắn từ hàng tiền vệ, xem ra có vẻ buồn tẻ, nhưng đem lại chiến thắng trong vòng một năm qua, là cả một bước tiến dài trong sự nghiệp non nớt của Rijkaard. Chelsea là thước đo rõ nét nhất của sự chuyển biến tư duy: mùa trước, họ đã chơi cực đẹp nhưng lại thua một Chelsea quá thực dụng. Mùa này, Chelsea ngỡ ngàng nhìn thấy một đội bóng còn thực dụng hơn họ nhiều và thất bại của thứ bóng đá phổi bò mùa trước của Barca đã không lặp lại. Trong vòng 6 trận đấu kể từ vòng 1/8, cỗ máy ghi bàn ở vòng bảng (16 bàn/6 trận; 2,66 bàn/trận) bỗng trở thành một phòng tuyến thép. Họ chỉ thủng lưới 1 bàn trong 3 trận sân khách, chỉ ghi vẻn vẹn 4 bàn trong 3 trận sân nhà còn lại và thực ra đã chiếc vé để lọt vào vòng sâu hơn ngay trên sân khách dựa vào độ cứng rắn của hàng phòng ngự (thắng 2-1 trên sân Chelsea, 1-0 trên sân Milan, 0-0 trên sân Benfica). Điều đáng chú ý nhất là cả 3 trận sân khách đều được đá ở lượt đi và không nghi ngờ gì nữa, chiến thuật của Barcelona quá đơn giản: phòng ngự với 8 người và chỉ cắm Ronaldinho, Eto¿o và Giuly (hoặc Larsson) ở phía trên. Một triết lý Italia cũ kỹ: mình ghi bàn xong là họ chịu chết. Johan Cruyff, một người thầy của Rijkaard, có thể dè bỉu và cho đó là thứ bóng đá cực đoan và xuống cấp của những người máy. Nhưng ông không thể phủ nhận một sự thật: dù ở hiệp 2 của trận gặp Milan, nhiệm vụ duy nhất của Eto¿o là..."săn" Cafu ở cánh phải để cầu thủ này không thể lên cao, ở lượt đi, đội bóng tấn công đẹp nhất Châu Âu ấy chỉ tung được đúng 3 cú sút về khung thành của Milan nhưng Barca của Rijkaard vẫn không hề thiếu những pha đi bóng đầy chất mơ mộng, những động tác kỹ thuật không lẫn vào đâu được của Ronaldinho, những cú hãm bóng đầy ma lực của Deco. Chưa bao giờ người ta chứng kiến một Barca đa dạng, linh hoạt, có quá nhiều bộ mặt như hiện tại, sản phẩm của một Rijkaard linh hoạt, kinh nghiệm và chín chắn. Cruyff có thể ghen tỵ với người học trò, vẫn hậm hực tuyên bố Barca thời hoàng kim của ông mới là thứ bóng đá mơ ước, bóng đá theo đúng thương hiệu Barca, nhưng cho đến bây giờ, vẫn chưa một CĐV Barca nào quên cái cảm giác đau đớn khi Barca Cruyff thua Milan 0-4 trong trận chung kết năm 1994. Barca Rijkaard chỉ đơn giản là giảm thiểu tối đa những nỗi đau đớn ấy, bằng những chiến thắng hoành tráng cỡ một nửa những thắng lợi vĩ đại của Cruyff khi xưa. Điều quan trọng nhất là thắng lợi cuối cùng, và Rijkaard sẽ chưa chui ra khỏi vỏ ốc catenaccio chừng nào chưa đoạt Cúp vô địch Champions League mùa này. Nếu năm 2000, có một ai đó vô cùng lãng mạn nhưng đã phải trải qua những nỗi bất hạnh, sự căng thẳng, bất lực và tuyệt vọng khi Hà Lan thất bại, thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi 6 năm sau, con người lãng mạn ấy đã biết cách đem những nỗi bất hạnh, sự căng thẳng, bất lực và tuyệt vọng mà ông từng trải qua đến những người khác. Vì Rijkaard nay đã lớn. |
▪ Buông súng! (30/04/2006)
▪ Kỷ lục quốc gia tại Giải điền kinh quốc tế Hà Nội (29/04/2006)
▪ Tottenham Hotspur - Bolton: Đòi nợ được không? (30/04/2006)
▪ Treo thưởng (29/04/2006)
▪ Khổ nhục kế (29/04/2006)
▪ Bán kết UEFA Cup: Middlesbrough lại lội ngược dòng "điên rồ" (29/04/2006)
▪ Nguyên nhân thành công của Nam Định: Đoàn kết và kiêu hãnh (29/04/2006)
▪ Nghề bạc hay người bạc? (28/04/2006)
▪ Eurowindow - V.League 2006: Bình Định quyết vượt chỉ tiêu (28/04/2006)
▪ Đội tuyển Anh muốn HLV Scolari (28/04/2006)