“Sóng thần” nhấn chìm bóng đá VN
Các Website khác - 01/01/2006
Xì-căng-đan bán độ của Quốc Vượng và 6 tuyển thủ khác khiến cuộc Xì-căng-đan bán độ của Quốc Vượng và 6 tuyển thủ khác khiến cuộc - Ảnh: Q. AN

Bóng đá VN vừa phải chịu một cơn “sóng thần”, một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Lại phải làm lại từ đầu, đồng nghĩa với sự tụt hậu cùng những hệ quả khôn lường

Cuối năm thường người ta thích nói chuyện vui vẻ để thảnh thơi chơi Tết tây, ăn Tết ta. Vậy mà với bóng đá Việt Nam (BĐVN) khó có thể tìm thấy niềm vui, trừ niềm vui đội tuyển bóng đá nữ lần thứ 3 liên tiếp đoạt HCV ở SEA Games.

Tan tác

Năm 2005 thực sự là năm đại hạn với BĐVN, khởi đầu là vụ Letard khiến VFF phải móc hầu bao trả “tiền ngu” hơn 3 tỉ đồng, kết thúc cay đắng tủi hổ với vụ một số cầu thủ U23 bán độ ở SEA Games 23. Thời điểm cuối năm 2005, BĐVN cực kỳ đau xót khi xì-căng-đan trọng tài xảy ra khiến lần đầu tiên có trọng tài, HLV vào nhà giam, rồi đến U23 VN bán độ. Đó chính là cơn “sóng thần” hất tung, phá nát ngôi nhà của VFF. Mà cũng lạ, so sánh một cách tương đối với cơn sóng thần tàn phá Nam Á và Đông Nam Á vào cuối năm 2004, “sóng thần” tàn phá BĐVN cũng xảy ra vào cuối năm, mà xì-căng-đan trọng tài như là trận động đất 7 - 8 độ Richter, vụ U23 VN bán độ sau đó chính là hệ quả, là “sóng thần” chính hiệu!

Khủng hoảng

BĐVN rơi vào cơn khủng hoảng lịch sử, báo chí trong nước và hàng chục hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đều đánh giá như vậy. Cơn khủng hoảng đó càng thêm cực kỳ nghiêm trọng khi áp lực dư luận lên tiếng phẫn nộ chưa từng có. Người người, nhà nhà, ai cũng có thể trút cơn giận lên VFF. Chưa bao giờ VFF hứng chịu búa rìu dư luận đến như vậy. “Con bài” Lê Thế Thọ phải ra đi, Thường trực VFF chông chênh, lúng túng như gà mắc tóc, mỗi người phát biểu một phách, lạc nhịp, càng hỗn loạn. Ủy ban TDTT ứng xử cũng khá tồi, làm cho dư luận càng bất bình thêm. Cách ứng xử thiếu bản lĩnh đó khiến Ủy ban TDTT mất uy hẳn. Lẽ ra trong hoàn cảnh sóng to gió lớn ấy VFF phải bình tĩnh, chấp nhận sự thật để lèo lái con thuyền bóng đá, nhưng năng lực họ chỉ đến vậy. Ngay cả một lời xin lỗi chính thức người hâm mộ, VFF cũng không có, Ủy ban TDTT cũng không, thì cơn phẫn nộ của người hâm mộ kéo dài là điều dễ hiểu.

Cuộc khủng hoảng đó quá lớn, đẩy mùa giải 2006 lâm vào thế bí. Hàng loạt các nhà tài trợ ra đi, các giải bóng đá rất có thể phải “chơi chay” vì thiếu tiền. Nhưng nguy cơ lớn nhất là các chuyên án vẫn tiếp tục điều tra, mà trên thực tế cơ quan điều tra càng ngày càng phát hiện thêm nhiều chuyện động trời. Hãy thử tưởng tượng, khi các giải vẫn diễn ra, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục và lai rai mỗi tháng bắt vài “con cá” đang có mặt tại các giải, thì chất lượng, tinh thần của mùa giải 2006 sẽ ra sao? Và đó là lý do để chúng tôi có thể kết luận rằng, cơn khủng hoảng lịch sử của BĐVN sẽ kéo dài trong năm 2006.

Hậu quả tất yếu

Chẳng sai khi nói rằng chính VFF đã tạo ra cơn khủng hoảng lịch sử cho chính mình, khi họ chống tiêu cực nửa vời. Liên tục trong nhiều khóa của VFF, công tác này đều được đưa lên hàng đầu để rồi phải... đầu hàng. Tiêu cực kéo dài từ mùa này sang mùa khác, từ các giải trong nước đến các giải khu vực, quốc tế đều bị chi phối. Những con cá mập trong giới cầm độ ngày càng mập, đạo đức cầu thủ ngày càng xuống, các quan thầy trong ngành vẫn thích ngồi. Trong khi đó, nội bộ của VFF liên tục trong nhiều khóa liền mâu thuẫn, đấu đá, mất đoàn kết triền miên. Các cuộc cải tổ VFF đều thất bại, Đại hội khóa V (tháng 6-2005) cũng thất bại nốt.

Gần 10 năm về trước, ông Trần Bảy, Tổng Thư ký VFF khóa II, từng tuyên bố: “BĐVN phải làm lại từ đầu”. Thời điểm hiện tại, phải xài lại câu nói ấy để mà chiêm nghiệm bóng đá nước nhà và thấy BĐVN giậm chân tại chỗ một cách quá tiêu cực. Giờ đây BĐVN phải làm lại từ đầu. Tương lai BĐVN lại bắt đầu... từ hôm nay. Đau thật!

Lưu Vĩnh Hy