"VFF cần mạnh tay loại bỏ tiêu cực"
Các Website khác - 17/10/2005
Tổng Thư ký LĐBĐ Châu Á Peter Velappan:
"VFF cần mạnh tay loại bỏ tiêu cực"

Trái với lo ngại của chúng tôi khi bắt đầu cuộc phỏng vấn TTK LĐBĐ Châu Á Peter Velappan (ảnh) chiều qua (16.10), rằng, ông sẽ ngần ngại khi nói về một vấn đề "tế nhị" lại là chuyện "trong nhà" của bóng đá VN như vấn nạn tiêu cực, nhưng ông Velappan đã rất cởi mở, thẳng thắn và đưa ra những quan điểm rất cứng rắn, quyết liệt.

"Đấy là một hành động ngu ngốc" - ông Velappan trầm giọng nhấn mạnh chữ "stupid" khi được hỏi ý kiến về trường hợp trợ lý HLV ĐT U.23 Nguyễn Thành Vinh, cách đây không lâu đã thú nhận chỉ đạo vụ hối lộ trọng tài.

- Nếu có bất kỳ một quan chức nào dính đến tiêu cực, chúng ta phải ngay lập tức tạm biệt họ và không được tha thứ cho họ. Nếu VN muốn trở thành một thế lực về bóng đá trong tương lai theo chương trình Tầm nhìn Châu Á thì các bạn phải loại bỏ những trọng tài nhận hối lộ, các quan chức tham nhũng và cầu thủ nhận tiền.
Cảnh sát phải buộc tội và tống họ vào tù.

Chúng tôi rất vui khi thấy rằng, cơ quan công an đã trở thành một phần của chiến dịch làm trong sạch bóng đá. Những vấn nạn này đã gây nên những hình ảnh tiêu cực đối với nền bóng đá VN. Ngày mai, tôi sẽ có cuộc làm việc với Chủ tịch LĐBĐVN Nguyễn Trọng Hỷ và sẽ đề nghị làm mạnh tay với vấn đề này.

Chúng ta phải loại bỏ hoàn toàn những con người này khỏi môi trường bóng đá và các vấn đề sẽ phải được giải quyết triệt để trước tháng 12, thời điểm mùa giải mới sẽ bắt đầu.

Theo tôi biết, có thể một đội bóng sẽ phải bị xuống hạng và VFF đang chờ danh sách từ công an. Nhưng dù thế nào, vấn đề này cũng phải được giải quyết càng nhanh càng tốt. Nếu không sẽ chẳng có ai thèm đến sân, sẽ không có nhà tài trợ và chương trình "Tầm nhìn Châu AÁ" cũng sẽ không thể thực hiện được tại Việt Nam.

- Với một số lượng lớn trọng tài có dính líu đến scandal này, bóng đá VN đang ở trong tình trạng thiếu trọng tài trầm trọng. Theo ông, VFF nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Tôi được biết các bạn có khoảng 80 trọng tài ở cả 2 giải V-League và hạng nhất. Có thể một tháng trước khi V-League khởi tranh, chúng ta sẽ phải mời tất cả các trọng tài tham gia vào một buổi hội thảo nhỏ.

Các bạn có thể áp dụng hệ thống máy phát hiện nói dối với các trọng tài mà Singapore đã thực hiện thành công. Và tất cả các trọng tài sẽ phải cùng ký tên vào một văn bản có tên là "Quy tắc ứng xử". Khi họ đã ký vào văn bản này, họ phải trung thành với những gì họ đã cam kết. AFC cũng có thể giúp đỡ VN bằng cách gửi trọng tài của Malaysia, Thái Lan, hoặc Hồng Kông. Nhưng đây chỉ là biện pháp cuối cùng.

- Một trong những lý do để VFF biện minh cho việc các trọng tài liên tục bị "tiền" bắn thủng là thu nhập của họ quá thấp, theo ông lý do này có thuyết phục không và làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

- Luôn luôn có 2 mặt, có một đội bóng muốn hối lộ trọng tài, một đội khác lại muốn họ bắt công bằng. Trọng tài luôn có hai sự lựa chọn, đấy là bản lĩnh của họ. Chúng ta phải bảo đảm điều kiện tốt cho trọng tài.
Trước trận đấu, phải cung cấp cho họ nơi ăn chốn ở tốt để họ có thể chuẩn bị tốt cho trận đấu.

Đồng thời, cũng bàn đến việc tăng thu nhập cho trọng tài. Đây chính là tính chuyên nghiệp. Và chỗ đứng trong xã hội của họ phải được các cầu thủ và CĐV tôn trọng.

- Số lượng các CLB dính đến tiêu cực ngày càng nhiều và vượt ngoài tầm kiểm soát của VFF. Dường như họ bắt đầu "chùn tay", ông có lời khuyên nào để tiếp thêm dũng khí cho họ?

- Dù số đội dính tiêu cực là bao nhiêu chăng nữa, VFF cũng đều phải chia tay những đội này. Hiện nay, giả sử chỉ có khoảng 1% dân số VN chơi bóng đá và nếu VN thực hiện chương trình Tầm nhìn VN thì trong 5 năm tới, con số này sẽ là 8 triệu người và bạn có thể thành lập rất nhiều đội bóng. Vậy thì tại sao chúng ta lại vẫn phải giữ lại những CLB như thế?

Vào năm 1999, Malaysia có 127 cầu thủ dính líu đến bán độ, và lúc đó LĐBĐ Malaysia đã làm rất mạnh tay và cho đến nay thì bóng đá Malaysia đang đi lên rất mạnh mẽ.

- Thậm chí đã có câu hỏi đặt ra là "huỷ hay không huỷ V-League"?

- Không, không được huỷ. V-League vẫn phải được tiếp tục. Chúng ta phải tìm cách để giải quyết vấn đề, nếu không các CLB sẽ biến mất. Chắc chắn chúng ta sẽ tìm được. Nếu chúng ta không tổ chức V-League thì chỉ những người tham gia vào vụ hối lộ thành công thôi. Quan trọng hơn hết là, bóng đá vẫn phải tiếp tục, bóng đá mạnh hơn tất cả những vấn đề tiêu cực.

Ngọc Bích thực hiện