Vĩnh biệt một người lính đá bóng
Các Website khác - 26/12/2005
Vĩnh biệt một người lính đá bóng

Ông - pho sử sống - người chép sử của nền bóng đá Việt Nam - đã lặng lẽ đi vào cõi vĩnh hằng lúc 6 giờ 10 phút ngày 25.12 tại Viện Quân y 108. 73 tuổi đời, nhưng có đến hơn nửa thập kỷ tên ông gắn với trái bóng và thành danh cũng từ trái bóng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, anh lính trẻ Ngô Xuân Quýnh rời tay súng, "tập tành" làm quen với trái bóng để rồi cùng với những Tí bồ, "Túc cầu Tiểu vương" Nguyễn Văn Thông, bố con cầu thủ Trương Tấn Bửu - Trương Tấn Nghĩa, Phạm Tất Thắng, Nguyễn Văn Bưởi... lập nên một binh chủng mới của quân đội - đó là đội bóng áo đỏ Thể Công.

Trái tim ông đau khi đội bóng "máu thịt" của mình trồi sụt theo cơn lốc thị trường. Đau đến mức chỉ một đêm thôi, ông thức trắng để viết "Hịch bóng đá". Và nhờ những vần thơ "như một liều thần dược" đã vực đội bóng áo đỏ truyền thống lội ngược dòng lấy lại chỗ đứng trong lòng người hâm mộ vào những năm giữa thập kỷ 1980. Điều ông tâm huyết "yêu bóng đá hết mình thì phải biết làm bóng đá, người cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ chăm chăm dạy cầu thủ sút, chuyền bóng mà phải dạy cả anh em làm người. Người cán bộ có gương mẫu, công tâm và tài năng thì mới kéo anh em làm theo mình được". Tâm huyết là vậy nên ông đã không thể dằn lòng khi hay tin ở ngay trên sân cỏ Bacolod đã xảy ra chuyện tiền bạc của các cầu thủ với lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện với tôi qua điện thoại khi tiếng còi trọng tài vang lên dứt cuộc trận chung kết - giọng ông đồ xứ Nghệ thật gay gắt: "Nếu lãnh đạo LĐBĐ đã làm hết trách nhiệm mà các cầu thủ vẫn đặt chuyện tiền bạc trên lợi ích quốc gia thì phải xử nghiêm khắc khi các cầu thủ quay lưng lại với tổ quốc. Nhưng nếu lãnh đạo LĐBĐ mà không giải quyết đến nơi đến chốn làm ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu các cầu thủ thì đó quả là một trong những nguyên nhân đau xót". Ông nói với tôi nhiều lắm, toàn chuyện "đau" trong làng bóng. Và khi những tiêu cực của bóng đá đang được phanh phui thì tôi nghiệm lại những lời tâm sự của ông trong bài "Người thầy thuốc bên lề... Thể Công" mà tôi thực hiện cách đây một năm rưỡi trời, sao mà đúng vậy.

Rời trái bóng và vị trí của người "làm bóng đá", 6 năm qua, ông miệt mài chép lại sử của nền bóng đá Việt Nam. Những cầu thủ gạo cội, am hiểu bóng đá Việt Nam không còn nhiều. Vì vậy, ông miệt mài, tất bật ngồi nhớ lại và viết.

Đêm Giáng sinh, cơn suy đường hô hấp cấp đã khiến ông phải rời trang viết. Còn đó - ước nguyện cuối đời của pho sử sống của bóng đá Việt Nam vẫn còn dang dở.

Vĩnh biệt ông - người lính đá bóng. Phương Yên