Nhưng do nước ta chưa có khả năng sản xuất thuốc, thuốc phải mua với giá cao, do vậy chỉ đáp ứng cho khoảng 50 bệnh nhân AIDS mỗi năm (chiếm khoảng 1,68% bệnh nhân được phát hiện).
Thông tin trên đã được Vụ điều trị, Bộ Y tế đưa ra trong hội nghị về công tác điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội ngày 22/6 tại Hà Nội. PGS - Lương Ngọc Khuê, Vụ phó Vụ điều trị cho biết: “Những đối tượng đựoc sử dụng thuốc thấp hơn nhiều so với nhu cầu điều trị, chủ yếu là ưu tiên cho những cán bộ bị tan nạn rủi ro nghề nghiệp sau khi phơi nhiễm và một phần nhỏ bệnh nhân”. Bệnh nhân HIV/AIDS phần lớn đều rất nghèo, bệnh viện phải lo cả ăn uống cho người bệnh, không thu được viện phí cũng như bảo hiểm y tế. Mặc khác, thuốc cấp cho điều trị nhiễm trùng cơ hội HIV/AIDS cũng hạn chế, qua giám sát cho thấy, hầu hết người bệnh chỉ được dùng thuốc kháng sinh chống bội nhiễm như: doxycylin, erythromycin,… còn các thuốc chuyên khoa hầu như không có, đặc biệt là chuyên khoa da liễu, trừ một số thuốc bôi ngoài da do bệnh viện tự sản xuất.
Công tác dự phòng sau phơi nhiễm của cán bộ y tế cũng đã được triển khai ở tất tất cả các cơ sở y tế, cho đến cuối năm 2003 đã tiến hành điều trị dự phòng cho 854 trường hợp. Riêng trong năm 2003 có 131 trường hợp cán bộ bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp được điều trị. Khoa tiếp nhận điều trị chủ yếu là Khoa truyền nhiễm, chiếm 62,8% so với tổng số ca được điều trị. Các bệnh nhân được tiếp nhận điều trị cơ bản là các bệnh nhiễm trùng cơ hội và điều trị theo triệu chứng là chính. Số được điều trị đặc hiệu rất hạn chế, chỉ chiếm 3,6% trên tổng số bệnh nhân HIV/AIDS đựoc điều trị.
Tại các cơ sở điều tra, thiếu điều kiện cũng như kinh nghiệm lâm sàng trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, do vậy, ngoại trừ một số bệnh thường gặp, nhiều bệnh viện chưa có thể chẩn đoán được phần lớn các bệnh nhiễm trùng cơ hội, việc điều trị cũng chỉ là điều trị triệu chứng hoặc điều trị bao vây. “Thậm chí một số bệnh viện còn lúng túng với cả các trường hợp điều trị các bệnh thường gặp như viêm phổi, lao… trên người bệnh HIV/AIDS” – PGS - TS Khuê cho biết thêm.
Trong thời gian 1 năm qua, Vụ điều trị, Bộ Y tế đã phối hợp với các bệnh viện đầu ngành liên quan như: Viện y học lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện nhiệt đới TP HCM, Viện da liễu - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… tiến hành nghiên cứu và xây dựng dự thảo hướng dẫn dự phòng, chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội trên người nhiễm HIV/AIDS. Đây sẽ là những thông tin cần thiết nhất, hướng dẫn về chuyên môn chẩn đoán, điều trị và dự phòng đối với các bệnh nhiễm trùng cơ hội trên người nhiễm HIV/AIDS cho các thầy thuốc có nhiệm vụ chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trong cả nước T.Hoa |