Hệ thống miễn dịch của loài cá sấu mạnh hơn rất nhiều so với hệ thống miễn dịch của con người khi chống lại những lây nhiễm đe dọa tới sức khỏe của chúng sau những trận kịch chiến thường để lại trên mình chúng các vết thương rộng và đứt các chi. Một nhà khoa học Mỹ là Mark Merchant đã lấy mẫu máu cá sấu làm thí nghiệm nói: "Cá sấu cắn xé các chi của nhau và mặc dù chúng sống trong môi trường có rất nhiều vi khuẩn, song chúng hồi phục rất nhanh và thường không bị nhiễm trùng". Theo phát biểu của nhà khoa học người Australia Adam Britton với hãng tin Anh Reuters, những nghiên cứu ban đầu về hệ miễn dịch của cá sấu năm 1998 đã cho thấy một số kháng thể có trong máu cá sấu đã giết chết vi khuẩn có sức đề kháng với penicillin như chủng Staphylôcccus aureaus . Nó cũng là một kẻ sát thủ cực mạnh với virus HIV hơn hẳn hệ miễn dịch của con người- Ông nói: "Nếu bạn lấy một ống xét nghiệm chứa virus HIV và cho một lượng huyết thanh cá sấu vào thì nó sẽ tạo ra hiệu ứng mạnh hơn là huyết thanh của con người" Kết luận này do ông Britton đưa ra sau những nghiên cứu bước đầu tại Công viên Crôcdylus mang tên Darwin, một công viên du lịch đồng thời là một trung tâm nghiên cứu của Australia. Theo nhà khoa học này, hệ miễn dịch của cá sấu hoạt động khác hẳn với hệ miễn dịch của con người bằng cách trực tiếp tấn công các vi khuẩn ngay lập tức sau khi lây nhiễm xảy ra. Ông mô tả cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch của cá sấu như sau: "Cá sấu có hệ miễn dịch tấn công ngay vào vi khuẩn, xé nhỏ chúng ra và làm vi khuẩn nổ tung". Trong 10 ngày thí nghiệm, Britton và Merchant đã thu thập cẩn thận máu của các loài cá sấu cả sống hoang dã và cả nuôi thả, cả loài nước mặn và loài nước ngọt để phục vụ nghiên cứu. Sau khi bắt cá sấu và buộc hàm răng khoẻ của nó lại thật chặt, các nhà khoa học trích máu từ một động mạch chủ phía sau đầu cá. "Đó là một thùy lõm ngay sau đầu cá và các nhà khoa học dễ dàng chọc kim vào gáy rồi lấy ra lượng máu vừa đủ”. Các nhà khoa học hy vọng thu thập đủ lượng máu cá sấu để phân tách các kháng thể mạnh và dần dần phát triển một loại kháng sinh dùng cho con người. Ông Merchant nói: "Chúng tôi có thể có kháng sinh dùng qua đường uống, về tiềm năng cũng có thể chế được kháng sinh dùng điều trị tức thời cho các vết thương hở, vết loét". Tuy nhiên các loại thuốc chiết xuất được từ hệ thống miễn dịch của cá sấu có thể cần phải tổng hợp mới có thể dùng cho con người và hiện theo các nhà khoa học, còn rất nhiều công việc phải tiếp tục nghiên cứu. Theo ông Britto, phải mất nhiều năm các nhà khoa học mới có thể có được một sản phẩm khả dĩ tung ra được thị trường. Song Hà (Theo Reuters)
|