Phát hiện virus HIV ở người vừa bị nhiễm 5 ngày
Các Website khác - 29/08/2008

 

Viện Huyết học - Truyền máu đang áp dụng kỹ thuật phân tử để phát hiện những mẫu máu có chứa virus HIV trong cơ thể người sau 5 ngày bị nhiễm. Kỹ thuật này được ứng dụng phổ biến sẽ đem lại hiệu quả và độ chính xác cao trong lọc máu, đáp ứng yêu cầu cho và nhận máu rất lớn hiện nay. Về kỹ thuật phát hiện sớm HIV này, Giáo sư-Viện trưởng Đỗ Trung Phấn cho biết:

- Kỹ thuật phân tử có thể giúp tìm trực tiếp bộ gene của virus HIV là RNA-HIV trong huyết tương của người vừa bị nhiễm 10 ngày hoặc tìm liên hợp DNA-RNA-HIV gắn trực tiếp trong tế bào của người mới bị nhiễm 5 ngày. Quá trình này được thực hiện nhờ sự khuếch trương gấp 100 lần tốc độ sao chép của gene virus HIV.

- So với việc phát hiện virus HIV bằng phương pháp miễn dịch thông thường, kỹ thuật phân tử có những ưu điểm gì, thưa Giáo sư?

- Phương pháp miễn dịch, phổ biến nhằm sàng lọc máu hiện nay chỉ có thể phát hiện được sau 20 ngày - 3 tháng bị nhiễm tuỳ theo khả năng đáp ứng miễn dịch của từng người. Kỹ thuật phân tử có thể rút ngắn giai đoạn cửa sổ, giúp phát hiện máu "sạch" sớm. Điều này rất có ý nghĩa đối với các ngân hàng máu (như chúng tôi). Một số nước Châu Âu đã ứng dụng kỹ thuật phân tử này và tỷ lệ "lọt lưới" là 1/50.000 - 1/100.000 mẫu. Thống kê của Nhật Bản cũng cho thấy, tỷ lệ này chỉ là 1/500.000 đến 1/1.000.000 mẫu.

Ngoài ra, nếu được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam, kỹ thuật phân tử cũng có thể giúp những người tự nghi mình bị nhiễm HIV phát hiện bệnh trong thời gian sớm nhất. Thông thường, trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HIV sẽ bị nuôi cách ly, sau 6 tháng mới xét nghiệm để khẳng định có bị lây truyền từ mẹ hay không. Trong thời gian đó, không thể loại trừ trường hợp lây nhau trong số trẻ này khi các cháu bị sây sát.

Với kỹ thuật phân tử, cũng có thể chẩn đoán sớm những trường hợp trẻ sơ sinh không bị lây HIV qua con đường này.

- Thưa giáo sư, khi nào kỹ thuật phân tử có thể ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam?

- Qua nguồn viện trợ của một tổ chức nước ngoài, chúng tôi đã có một máy phản ứng chuỗi gene (PCR) để tiến hành kỹ thuật. Nhưng giá thành sàng lọc máu bằng kỹ thuật phân tử vẫn còn ở mức khá cao, khoảng 300.000 đồng/mẫu, đắt hơn hắn phương pháp miễn dịch (30.000 đồng/mẫu. Do vậy, chúng tôi dự định trộn khoảng 20 mẫu máu và phân tích 1 lần, nếu phát hiện bất thường mới tiến hành phân tích từng mẫu.

Tuy nhiên, việc trộn các mẫu máu này đang phải tiến hành bằng thủ công nên khâu này thường mất nhiều thời gian. Do đó, song song với việc thử nghiệm kỹ thuật phân tử, chúng tôi đang tiếp tục đào tạo nhân viên kỹ thuật, tìm nguồn kinh phí cho mua kít thử và máy ly tâm đảm nhận tốt việc trộn máu.

Hy vọng đến cuối năm nay, sẽ sử dụng kỹ thuật phân tử rộng rãi để sàng lọc máu, phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh. Mặt khác, Viện có thể ứng dụng chẩn đoán sớm người bị viêm gan C, sàng lọc trẻ có nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ, người nghi nhiễm căn bệnh này với giá thành hợp lý.

(Theo Vietnamnet http://www.hienmau.net.vn/)

Bạn đọc có thể tham gia trao đổi, thảo luận về thông tin này bằng cách click chuột : Tại đây