PrEP giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên tới hơn 90%
Báo Tiếng Chuông - 17/06/2017
Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là dịch vụ giúp cho những người nguy cơ cao lây nhiễm HIV có thể dự phòng lây nhiễm bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày như một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp. Nếu được dùng đều đặn, PrEP sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm HIV ở những người có nguy cơ cao lên tới 92%.

Để hiểu rõ hơn về chương trình này, phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông có buổi trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

 

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ảnh: Thùy Chi

 

Chương trình PrEP vừa bắt đầu được thí điểm tại TPHCM, xin ông cho biết, tại sao cần triển khai thí điểm chương trình này

TS. Nguyễn Hoàng Long: Do đặc điểm dịch tễ HIV ở Việt Nam đang có những thay đổi. Trong khi tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma tuý và phụ nữ mại dâm giảm mạnh thì tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và nhóm chuyển giới nữ (TGW) vẫn duy trì ở mức cao và đang gia tăng ở các khu vực đô thị, cùng với đó là tỉ lệ các hành vi tình dục không an toàn khá cao trong nhóm này.

Trong bối cảnh hiện chưa có vaccine để phòng ngừa, phương pháp phòng ngừa bằng thuốc ARV được coi là giải pháp bổ sung dự phòng lây nhiễm HIV.

PrEP là một phương án dự phòng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo và nhiều quốc gia đã thực hiện từ nhiều năm nay. Phương pháp này tuy không thay thế được vaccine điều trị HIV hay những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV khác nhưng nó cũng là một cách đơn giản có khả năng làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM qua các thử nghiệm lâm sàng và qua các can thiệp thực tế trên thế giới. Vì vậy, WHO khuyến cáo PrEP nên được cung cấp bổ sung cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao trong gói dự phòng HIV kết hợp.

Nhận thức rõ hiệu quả trong dự phòng HIV của PrEP và lợi ích dài hạn của sử dụng ARV để dự phòng cho người chưa nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) có kế hoạch phối hợp với các đối tác triển khai thí điểm cung cấp PrEP cho MSM và TGW trong gói dự phòng HIV kết hợp bao gồm: Tư vấn, xét nghiệm HIV định kỳ, theo dõi lâm sàng, và khuyến khích sử dụng bao cao su và chất bôi trơn.

Thí điểm này sẽ đưa ra các bằng chứng và cung cấp thông tin về tính khả thi của việc triển khai PrEP tại Việt Nam. Từ đó giúp Bộ Y tế đưa ra những khuyến cáo và hướng dẫn quốc gia đối với can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm cho các nhóm nguy cơ cao nhằm tiến tới kiểm soát và kết thúc dịch HIV tại Việt Nam.

Xin ông cho biết, làm thế nào để tiếp cận điều trị và điều trị theo cách nào để có thể đạt hiệu quả cao?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Có nhiều mô hình cung cấp dịch vụ PrEP khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay mới chỉ thí điểm PrEP tại TPHCM, khách hàng có nhu cầu sử dụng PrEP có thể tiếp cận dịch vụ tại Phòng khám tư nhân (Thành Danh và Galant) hoặc Phòng khám ngoại trú tại Trung tâm Y tế quận 1,8,11 và Quận Thủ Đức hoặc thông qua các Tổ chức cộng đồng (CBOs) đang cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV. CBOs tư vấn, sàng lọc nguy cơ khách hàng, chuyển gửi và hỗ trợ theo dõi tuân thủ điều trị cho khách hàng sau khi tham gia PrEP.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo dùng PrEP có chứa tenofovir-TDF (hoặc viên kết hợp tenofovir/TDF 300mg + emtricitabine/FTC 200mg) bằng đường uống với liều dùng hằng ngày (1viên/ngày).

Sau khi uống liên tục 7 ngày thì thuốc có hiệu lực tối đa dự phòng lây nhiễm qua quan hệ tình dục đường hậu môn, và sau khi uống liên tục 21 ngày thì thuốc mới có hiệu lực tối đa dự phòng lây nhiễm qua quan hệ tình dục đường âm đạo hoặc đường máu.

Việc tuân thủ uống thuốc hằng ngày là rất quan trọng để bảo đảm hiệu quả dự phòng HIV tối đa, giảm nguy cơ lây nhiễm lên tới hơn 90%. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy nếu dùng thuốc đủ 7 ngày thì cũng có hiệu lực bảo vệ đối với dự phòng lây nhiễm qua quan hệ tình dục đường âm đạo.

Nếu chương trình thí điểm thành công, ngành y tế sẽ làm gì nhân rộng chương trình PrEP, thưa ông?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Thí điểm PrEP ở Việt Nam đang được triển khai tại TPHCM nhằm mục tiêu đánh giá tính chấp nhận, tính khả thi và tính bền vững của dịch vụ PrEP trong nhóm MSM, TGW và cặp bạn tình dị nhiễm. Mô hình cung cấp dịch vụ kết hợp giữa phòng khám tư nhân, phòng khám ngoại trú và CBOs. Nghiên cứu tác nghiệp được thiết kế đi kèm nhằm theo dõi và đánh giá kết quả ở khoảng 1.200 khách hàng tham gia PrEP.   

Thí điểm này sẽ cung cấp thông tin cho Bộ Y tế trong việc định hướng chính sách và chương trình, như cập nhật trong Hướng dẫn quốc gia về điều trị ARV; cách thức mở rộng dịch vụ PrEP trong thời gian tới…

Nếu chương trình thí điểm PrEP thành công tại TPHCM, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ xây dựng hướng dẫn về can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm cho các nhóm nguy cơ cao và bổ sung phần nội dung này trong hướng dẫn Quốc gia về chăm sóc điều trị HIV/AIDS.

Phổ biến hướng dẫn tới các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, cơ sở điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc để có thể sẵn sàng cung cấp dịch vụ PrEP cho các khách hàng có nhu cầu. 

Do PrEP là can thiệp dự phòng, không thể đưa vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế, nên cần huy động nguồn lực hợp pháp khác để tập trung triển khai ở các tỉnh, thành phố có tình hình dịch HIV cao, có nhiều người là  MSM, TGW.

Ông muốn chia sẻ, nhắn nhủ gì tới những “khách hàng” đang quan tâm tới chương trình PrEP?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Việc quan trọng nhất để tránh lây nhiễm HIV cần thực hiện các biện pháp an toàn trong tiêm chích và quan hệ tình dục.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, PrEP không phải là thần dược, nó chỉ là một biện pháp tình thế rất quan trọng và có hiệu lực khi chưa phát minh được vaccine chống HIV và bổ sung vào như là một can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV. Nếu bạn còn trẻ, bạn có nguy cơ lây nhiễm HIV mà chưa biết đến PrEP, hãy tìm hiểu và sử dụng về PrEP để bảo vệ bản thân khỏi lây nhiễm HIV.

Xin trân trọng cảm ơn ông!