Mỗi con số là một thách thức
Theo Báo cáo Thanh niên thế giới năm 2005 của Liên hiệp quốc được công bố ngày 4-10-2005, thế giới cần phải vượt qua những những thử thách rất lớn trong các vấn đề về thanh niên hiện nay.
Theo số liệu trong báo cáo, hiện có khoảng 515 triệu thanh thiếu niên từ 15 - 24 tuổi đang sống với mức chi tiêu dưới mức 2 đô-la Mỹ/ngày, trong khi số thanh niên chỉ sống ở mức dưới 1 đô-la Mỹ/ngày đã tăng lên đến 209 triệu, chiếm 18% tổng số thanh niên toàn cầu. Đa số những thanh niên này thuộc về các khu vực Nam Á, Đông Á, Thái Bình Dương và tiểu vùng Sahara thuộc châu Phi.
Theo báo cáo, “mặc dù thế hệ thanh thiếu niên ngày nay được hưởng một nền giáo dục tốt hơn bao giờ hết, nhưng vẫn còn 130 triệu thanh niên đang mù chữ và 113 triệu trẻ em không được đến trường”. Thêm vào đó, dù thế giới đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế và xã hội, nhưng “đội quân” thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên đã tăng lên đến con số kỷ lục là 88 triệu người.
Tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao nhất được ghi nhận ở khu vực Tây Á, Bắc Phi và tiểu vùng Sahara thuộc châu Phi. Hiện nay, giới trẻ đang phải chịu một áp lực ngày càng tăng trong việc cạnh tranh để tìm được việc làm trong một thị trường lao động được toàn cầu hóa như hiện nay.
Về vấn đề sức khỏe, báo cáo cho biết rằng thanh niên ngày nay dậy thì sớm hơn nhưng lại lập gia đình muộn hơn. Điều đó đã dẫn đến tình trạng sinh hoạt tình dục trước hôn nhân ngày càng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Theo báo cáo, mặc dù ở một số nước, tình trạng nữ thanh niên quan hệ tình dục và có thai sớm đã giảm, nhưng trên phạm vi toàn cầu thì vấn đề này vẫn đang là mối quan tâm sâu sắc của các chuyên gia y tế, giáo dục và xã hội.
Trong khi đó, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong giới trẻ hiện nay chính là HIV/AIDS. Theo số liệu thống kê của Liên hiệp quốc, thế giới hiện có 10 triệu thanh niên, đa số ở châu Phi và châu Á, đang nhiễm HIV. Liên hiệp quốc cảnh báo rằng sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản và đời sống tình dục của thanh niên - đối tượng dễ bị nhiễm HIV nhất.
Mặt khác, sức khỏe thanh niên ngày nay cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi “tình trạng sử dụng các chất ma túy tổng hợp ngày càng tăng đến mức chóng mặt trên thế giới”. Theo báo cáo, tại các nước đang phát triển, “việc thanh niên sử dụng các chất kích thích bị cấm đã gia tăng đến những mức độ thường có ở các nước phát triển”. Đó là một thực trạng đáng báo động trong giới trẻ ngày nay.
Đồng thời, báo cáo cũng nhận định rằng thanh thiếu niên đang chịu những tác động không nhỏ của tiến trình đô thị hóa và toàn cầu hóa. Đồng thời, lứa tuổi này ngày càng chịu ảnh hưởng bởi những phương tiện truyền thông đại chúng hơn là bởi cộng đồng và gia đình. Vì thế, việc định hướng phát triển đúng đắn cho thanh thiếu niên là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức ở mọi nước trên thế giới.
Tuy nhiên, theo báo cáo, giữa “bức tranh” khá ảm đạm về tình hình thanh niên ngày nay, vẫn còn có một số dấu hiệu tích cực. “Số trẻ em học xong chương trình tiểu học đã tiếp tục gia tăng trong 10 năm qua và số thanh niên đang học trung học trong độ tuổi chuẩn đã tăng lên đến 80%. Đồng thời, tỉ lệ sinh viên đại học cũng tăng, với con số ước tính là 100 triệu thanh niên đang có mặt trên các giảng đường đại học trên khắp thế giới”.
Cần đẩy mạnh đầu tư
Theo Liên hiệp quốc, những dữ liệu và xu hướng được nêu ra trong báo cáo này đã hình thành một thông điệp quan trọng để gửi đến tất cả các nước. Nội dung thông điệp là: cần phải tăng cường và mở rộng đầu tư vào việc chăm sóc và giáo dục thanh niên để có thể thực hiện thành công “Chương trình thế giới hành động vì thanh niên” (được đề ra năm 1995) và “Chương trình mục tiêu thiên niên kỷ”.
Song, theo giám đốc bộ phận Chính sách xã hội và Phát triển của Liên hiệp quốc, ông Johan Scholvinck, “trọng tâm đầu tư nên được đặt vào đối tượng là 1,8 tỉ trẻ em dưới 15 tuổi, bởi vì chúng sẽ trở thành những thanh niên trong độ tuổi 15-24 vào năm 2015, năm mà chúng ta phải hoàn thành những mục tiêu thiên niên kỷ đã đề ra”.
Ông Johan nhấn mạnh: “Đầu tư vào thanh niên là điều kiện đặc biệt quan trọng để có một nền kinh tế phát triển. Họ là những người quyết định tương của thế giới. Chúng ta không thể có sự phát triển thành công và bền vững nếu chúng ta không có một lực lượng lao động trong đó có những thanh niên tài giỏi và năng động”.
Phát biểu với báo chí tại buổi công bố báo cáo nói trên, ông Johan nói: “Năm 2015 là năm mà chúng ta phải đạt được những mục tiêu thiên niên kỷ đã đề ra, vì thế điều đáng lo hiện nay là số lượng thanh niên sống trong nghèo khổ còn quá lớn”. Theo ông Johan, những hành động cấp thiết cần được thực hiện ngay bây giờ không chỉ có lợi cho thanh niên ngày nay mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với thế hệ con cháu của họ trong tương lai”.
Báo cáo này được công bố trong bối cảnh Đại hội đồng Liên quốc quốc sẽ tổ chức một hội nghị về các vấn đề thanh niên vào ngày 06.10.2005, với sự tham dự của các đại biểu trẻ từ 24 nước và khoảng 300 tổ chức thanh niên trên khắp thế giới.
Theo Người viễn xứ, UN, NewsDay, Xinhuanet
▪ Điều tra ở Mỹ: Không mấy người hỏi bạn tình về HIV và STD (13/10/2005)
▪ HIV tàn phá não bộ mạnh mẽ (11/10/2005)
▪ Đà Nẵng: Hơn 6.000 lượt người được giáo dục phòng lây nhiễm HIV (11/10/2005)
▪ Phụ nữ nhiễm HIV bị cấm không được cấy ghép gan (10/10/2005)
▪ Giới trẻ dùng nhiều thời gian cho việc... ngủ (10/10/2005)
▪ Đại sứ thiện chí UNICEF kêu gọi đẩy mạnh phòng chống HIV/AIDS (05/10/2005)
▪ New Zealand: Luật mới cho người nhiễm HIV (06/10/2005)
▪ Chính sách HIV/AIDS được công bố ở các dịch vụ công cộng (05/10/2005)
▪ Thái Lan: Hãy cảnh giác với sự trở lại của AIDS (05/10/2005)
▪ Chương trình thử nghiệm chữa HIV bằng thuốc Trung Quốc cổ truyền (04/10/2005)