Hiền, Hương, Nga (từ trái sang phải) muốn thay đổi hình ảnh của người có H trong mắt mọi người. |
Anh cán bộ y tế cho biết cô mới tròn 19 tuổi-độ xuân sắc đẹp nhất thời thiếu nữ và bị lây nhiễm HIV từ chồng, con của cô cũng chịu chung số phận của mẹ. Nhiều năm sau đó, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi đôi mắt ấy-ánh nhìn lặng lẽ lúc nào cũng như lẩn trốn người khác khiến tôi cảm giác rõ sự ý thức thân phận và cam chịu… Trong tôi luôn trăn trở một câu hỏi: Có lối thoát nào cho những người phụ nữ-nạn nhân của HIV/AIDS và con của họ? Hành trình đi tìm lời giải, tôi nhận được đáp án thuyết phục bằng chính những con người từng chịu thấu “nỗi đau khổ trần gian” nhưng họ đã vượt qua bất hạnh bằng ý chí, nghị lực và khát vọng sống mạnh mẽ. Họ là những thành viên-phụ nữ đến từ Nhóm Vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh I...
1.Linh hồn của nhóm
Điều kỳ diệu đã xảy ra với một con người không may bị lây nhiễm HIV nhưng dám vượt qua chính mình để đi từ bóng đêm về phía mặt trời, cô nói với tôi: “Dù chỉ còn sống một ngày cũng phải là 24 giờ yêu thương và ý nghĩa…” Đó là Phạm Thị Hiền-Trưởng nhóm Vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh I, một trong 5 thành viên điều phối mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng các tỉnh phía Bắc, người mang trong mình căn bệnh thế kỷ hơn 10 năm vẫn đang sống khoẻ mạnh, hơn thế còn rất tự tin, năng động và hoàn toàn chưa cần đến thuốc kháng vi rút. Thật khó có thể dùng lời lẽ để diễn tả hết nghị lực và lòng can đảm của cô gái trẻ này. Sinh năm 1980, mồ côi mẹ từ năm lên 4, là chị gái của 3 đứa em, tuổi thơ của Hiền là những năm tháng mưu sinh khó nhọc. 12 tuổi, Hiền trải qua đủ nghề kiếm sống: đóng than, phụ vữa, buôn bán rau.., tất cả chỉ để có 10 nghìn đồng tiền lãi cuối ngày giúp bố và mẹ kế nuôi gia đình.
Năm 1999, Hiền lấy chồng mà không hề biết rằng chồng mình đã dùng ma tuý cách đó vài năm. Cô sinh con trai đầu lòng, đặt tên bé là Nguyễn Tường
Năm 2005, Hiền mạnh dạn thành lập một nhóm tự lực của những người có H tại Bắc Ninh, ban đầu chỉ có 6 thành viên nay đã phát triển hơn 80 người, độ tuổi từ 22 đến 50, đa số là phụ nữ bị lây nhiễm HIV từ chồng, các thành viên tuyệt đối không sử dụng ma tuý và hành nghề mại dâm. Hiền tâm sự: “Trời phú cho em khả năng chịu đựng. Vài năm trước, người dân phường Ninh Xá gọi nhà em là “mả AIDS”, một gia đình bé tẻo teo mà có tới 6 người nhiễm và gần như tuyệt giao, mẹ chồng em đang mở hàng ăn đông khách bỗng trở thành thất nghiệp. Nhưng nay thì khác rồi, mọi người rất thân thiện với em, thậm chí còn trìu mến gọi “bác sỹ Hiền chữa AIDS”... Tôi cho rằng, ở góc nhìn nào đó, cô đang là một vị...bác sỹ giỏi, được phát huy bằng nghị lực mạnh mẽ, khát vọng giành giật cuộc sống cho những người đồng cảnh, sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao với nhóm. Mỗi thành viên được kết nạp, mỗi người nhiễm được tư vấn, chăm sóc, đưa đón khám chữa bệnh, tiếp cận với chương trình dùng thuốc giá rẻ, thuốc ARV miễn phí... là cả một hành trình nỗ lực của cả nhóm. Nếu bạn quan tâm, có dịp xin mời ghé số nhà 30, đường Nguyễn Du, phường Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh), tầng 3 ngôi nhà gia đình nhà chồng Hiền đã trở thành địa điểm sinh hoạt của nhóm. Điều đặc biệt, bố mẹ chồng của Hiền đã ở tuổi ngoài sáu mươi còn tham gia phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí, rải tờ rơi của nhóm, tờ gấp về HIV/AIDS tại các bến tàu, bến xe, chợ, vườn hoa, nhà nghỉ, tư vấn, động viên người già cùng cảnh...
Niềm vui lại đến với gia đình Hiền khi cô sinh thêm một bé trai âm tính, nhờ được dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, cả nhà gọi yêu là bé Bi lợn. Nay Bi lợn sắp bước sang tuổi thứ ba, nặng 18 kg và rất kháu khỉnh. Hiền bảo: “Với em, tài sản lớn nhất để lại cho con khi nó đến tuổi trưởng thành chính là kiến thức, lối sống... Đó mới là hành trang vững chắc để con vào đời. Không thể tự hào con mình bây giờ âm tính thì hai mươi năm nữa vẫn âm tính, các bậc cha mẹ khác cũng cần nghĩ như vậy...”
Các thành viên trong nhóm tổ chức sinh nhật
cho các bé đang chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS.
2. Vượt qua bóng đêm-Công khai danh tính
Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người vợ thuỷ chung bị lây nhiễm HIV từ chồng và sinh ra những đứa con mang sẵn trong mình vi-rút chưa có thuốc chữa. Có bao nhiêu người vợ, mẹ đã gục ngã trước “thảm hoạ” ấy và bao người đủ sức đứng dậy để không đầu hàng số phận? Tôi đã gặp những phụ nữ dũng cảm đương đầu với định mệnh, họ không tiếc công sức chăm sóc người chồng đã mang bất hạnh cho mình tới hơi thở cuối cùng, đấu tranh vì sự sinh tồn bản thân và đứa con tội nghiệp. Điều lớn lao hơn, trong xã hội mà sự kỳ thị còn rất nặng nề, thậm chí đôi khi tàn nhẫn khiến người có H không có được cuộc sống bình thường, họ đã dám công khai danh tính, trở thành những tuyên truyền viên xuất sắc trên mặt trận phòng chống HIV/AIDS.
Tôi gặp em Nguyễn Thị Thanh Nga, sinh năm 1982 ở khu 2, Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh)-cô gái có gương mặt bầu bĩnh với sống mũi cao, nhìn nghiêng có nét hao hao của Đức mẹ. Trông em khoẻ mạnh và đầy sức sống, đến nỗi tôi không tin được rằng em cũng là người có H. Nga tâm sự: “Đời em buồn lắm, 20 tuổi lấy chồng, 23 tuổi chồng chết, con chết. Mà lạ lắm chị ạ, con em nó chẳng ốm đau nhiều như những trẻ có HIV khác, chỉ tới khi bố nó chuyển AIDS giai đoạn cuối thì cháu mới “suy sụp”-đã quen có bố bên cạnh rồi, dù chỉ là một thân thể bệnh tật. 6 tháng sau cái chết của anh ấy, đứa con bé bỏng cũng rời xa em mãi, mặc em van nài... Rồi em tham gia nhóm Vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh I, từ ngày được sinh hoạt cùng các bạn, em đỡ buồn và bi quan hơn, ban ngày mải mê với công việc của nhóm, đêm về mệt là lăn ra ngủ. Nhưng mà khoảng tuần nay em hay thao thức, sắp đến ngày giỗ con nên nhớ nó quá... à, chị biết không, em là một trong những thành viên của nhóm dám công khai danh tính sớm nhất. Trước đây em nghĩ tiêu cực, chồng, con mình chết rồi thì cần gì giấu giếm. Nhưng bây giờ em hiểu rằng công khai danh tính là để mọi người hiểu, tôn trọng mình, hiệu quả truyền thông sẽ cao hơn. Em nghĩ không dám công khai danh tính chính là tự kỳ thị bản thân...”. Nhờ sự nỗ lực bản thân, cô tham gia phỏng vấn thành công và hiện đang làm việc tại Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách y tế HIV/AIDS.
Học hết THPT, Thu Hương ở thôn Cổ Mễ, phường Vũ Ninh (thành phố Bắc Ninh) lấy chồng-một người từng có 4 tiền án, tiền sự. Lúc ấy gia đình, bạn bè can ngăn, Hương chỉ nghĩ đơn giản: “Miễn là người ta hoàn lương, hướng thiện và thực sự yêu mình. Thế là đủ...”. Cô gái trẻ không nhận thức được bao hệ luỵ sau đó. Chồng Hương mở quán cà phê và một hiệu cầm đồ nên kinh tế khá giả. Năm 2002, Hương sinh một bé gái, thời gian sau đó cả 2 bố con đều bệnh liên miên. Năm 2005, Hương sinh thêm một bé trai, 2 tháng sau sinh thì chồng mất. Chỉ đến khi con gái lớn bệnh nặng, xét nghiệm dương tính, biết tới nhóm của Hiền, con Hương mới được tiếp cận điều trị và cô được tư vấn dừng cho con bú, vì vi-rút HIV có cả trong sữa mẹ. Nhóm động viên Hương đưa bé thứ hai đi xét nghiệm, ngày nhận kết quả, Hương lóng ngóng đi ra đi vào, nghĩ mà run, cuối cùng thì thở phào: Âm tính. Hiện nay, Hương cũng là một trong những thành viên nòng cốt nhóm Vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh. Cô tâm sự: “Em dám công khai danh tính để mọi người hiểu rằng, người có H không phải là tội phạm cần lẩn trốn trong bóng tối. Em tin những việc làm của mình với cộng đồng sẽ thuyết phục nhất...”
Ở xã thuần nông Lâm Thao thuộc huyện vùng xa Lương Tài, những năm 2000, chuyện một người nhiễm HIV hay còn gọi là “bệnh Si da” có thể coi là chuyện... động trời. Chị Nguyễn Thị Hạ - cô thôn nữ một thời bao trai làng thầm yêu trộm nhớ lại lâm vào cảnh như vậy. Chồng chị có nghề buôn bán đồ nhựa, dao kéo ở Lạng Sơn, cứ đi đi về về. Trong khoảng thời gian xa nhà, anh mắc nghiện và lây nhiễm HIV, năm 2001 thì mất. Hồi đó, kiến thức về căn bệnh này với người nông dân còn là điều gì quá xa vời. Không dưới vài lần, chị định tìm đến cái chết, nhưng nhìn hai con lại không đành... Chồng chết, một nách hai con, cháu thứ hai nhiễm HIV nên tiền thuốc thang khiến chị khánh kiệt, làm đơn xin vào công ty May trong làng thì họ không nhận. Được tham gia nhóm Vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh I, từ một người phụ nữ thiếu hiểu biết, chị Hạ được giao lưu, cung cấp kiến thức về HIV/AIDS, đứng lên tập huấn cho các bạn... Cuối tháng 9 này, với sự hỗ trợ của nhóm, chị tách ra, thành lập nhóm mới mang tên Tre xanh, tập hợp những người cùng cảnh thuộc các huyện lân cận, bám địa bàn hoạt động cho đỡ vất vả, vì thực tế sức khoẻ người nhiễm HIV có hạn... Hình ảnh “Tre xanh”, theo chị Hạ lý giải, tượng trưng cho người phụ nữ thôn quê chân chất, mộc mạc, suốt ngày lam lũ với ruộng đồng vô tình phải hứng chịu “cơn bão HIV” nhưng luôn đứng vững, vươn lên...
Theo Báo Bắc Ninh
(Còn tiếp)
Hoạt động giúp đỡ chị Phạm Thị Hiền và cháu Nguyễn Tường Tam của Diễn đàn HIV : Click tại đây.
▪ Hãy nhìn nhận các cháu có HIV bằng tình thương và lòng nhân ái để các cháu được hoà nhập cộng đồng (01/04/2010)
▪ Tặng sách : “Sổ tay Hướng dẫn chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng” (16/03/2010)
▪ Lần đầu tiên đưa AIDS vào triển lãm (04/03/2010)
▪ Thanh niên khu vực ASEAN phòng chống HIV (18/02/2010)
▪ Cú sốc bao cao su giả ở Trung Quốc (28/01/2010)
▪ Đừng gọi con tôi là "trẻ OVC" (04/01/2010)
▪ TPHCM: Gia đình Phật tử thi tìm hiểu HIV/AIDS (09/10/2009)
▪ Phòng, chống HIV/AIDS và ma tuý, mại dâm trong CNVC - LĐ : Không thể thoái lui (29/09/2009)
▪ Tặng sách : "Chuyện của Ana - Một cuộc hành trình hy vọng" (31/07/2009)