Giải quyết việc làm cho người nghiện là rất khó!
Các Website khác - 09/05/2008

TP - Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho  biết như vậy khi trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, sáng qua (8/5).

Bà Trương Thị Mai

Bà Mai cũng thừa nhận, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện là rất khó, nhưng không thể bỏ rơi họ. “Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 (NQ) của Quốc hội về thí điểm tổ chức quản lý dạy nghề cho người sau cai nghiện, QH sẽ đánh giá xem cái gì hiệu quả, cái gì còn băn khoăn. Cái gì có thể đưa vào luật thì xem xét đưa vào Luật”.

Thưa bà, thời gian thí điểm đã hết nhưng TPHCM và một số địa phương  muốn tiếp tục thực hiện NQ này?

Có hai ý kiến về việc này và sẽ được đưa ra xem xét tại kỳ họp. Nhưng chắc chắn là phải có thời gian quản lý sau cai dù họ ở cộng đồng hay các cơ sở thì vẫn phải có thời gian quản lý, giúp đỡ. Trước đây, người cai nghiện xong không được hỗ trợ, giúp đỡ, đa số tái nghiện. Vì vậy cần quy định thời gian bắt buộc sau cai.

Đa số ý kiến cho rằng nên đưa về cộng đồng để quản lý. Còn tập trung thì có ý kiến là nên kéo dài thời gian cai, hoặc có hình thức sau cai nghiện với nhóm người có nguy cơ cao. Nhưng Bộ LĐTB&XH phải đứng ra tổ chức một số cơ sở, chứ không thể làm trong cả nước.

Ủy ban chúng tôi cũng đề nghị có hình thức sau cai nghiện tập trung với một nhóm nhỏ có nguy cơ tái nghiện cao do Chính phủ tổ chức chứ không giao cho các địa phương. Còn đại trà, sau khi đã thực hiện xong thời gian cai, nên đưa về cộng đồng quản lý.

Có ý kiến là chi phí cho chương trình quá lớn, riêng TPHCM đã tiêu hơn  1.200 tỷ đồng?

Thực ra phần đầu tư cơ sở hạ tầng ta vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Theo báo cáo của Bộ Công an, còn trên 170.000 người nghiện, mới chỉ giải quyết được 1/3, dự báo mỗi năm tăng thêm 1 vạn người nghiện nữa. Vì vậy, các cơ sở này sẽ phải có cách sử dụng hợp lý.

Thưa bà, liệu chính sách mới sẽ có đột phá gì không?

Chúng ta có quy trình hướng dẫn cụ thể, gia đình, chính quyền tiếp nhận người nghiện sau cai về như thế nào, để các tổ chức đoàn thể giúp đỡ họ. TPHCM đã có những nhóm giúp đỡ người nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng, sau đó nhóm này có thể mở rộng những lĩnh vực khác - có thể làm chuyên trách công tác xã hội trên địa bàn.

Liệu kinh phí tới đây có gấp nhiều lần trước đây không?

Cái này chưa thể đánh giá, nhưng qua tổng kết, sẽ tiến tới có những giải pháp phù hợp hơn. 

Hồng Phúc ghi