Việc làm cho người nhiễm HIV - Rào cản từ sự kỳ thị
Các Website khác - 09/04/2008

Văn phòng dự án SmartWork (dự án của Bộ Lao động Hoa Kỳ vừa phối hợp với Bộ LĐTB-XH Việt Nam) phối hợp với Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức hội thảo "Việc làm cho người có HIV". Hơn 40 người có HIV (người có H) đến từ các nhóm "người có H" trên địa bàn TP bày tỏ nhiều tâm tư nguyện vọng cũng như rất nhiều gian khó, trắc trở trên hành trình đi tìm việc của mình.  

  • Còn quá nhiều trở ngại 

Theo số liệu của SmartWork (SM) đưa ra, tính đến tháng 10-2007, TPHCM có khoảng 37.000 người có H, trong đó, gần 18.000 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Các đại biểu tham dự hội thảo đều đặt vấn đề, trong bối cảnh người bình thường tìm việc làm đã khó thì tạo và giải quyết việc làm cho người có H thực sự là bài toán không dễ gì giải nổi. Thực tế, trong hơn 40 người có H tham dự hội thảo, đến 90% đang không có việc làm, mặc dù trước đó nhiều người có nghề nghiệp ổn định.  

 
Người có H học nghề làm vàng mã tại Trung tâm cai nghiện ma túy Bố Lá (Sở LĐTB-XH TPHCM).

Hầu hết người có H đều cho biết, trở ngại lớn nhất của họ khi đến làm việc tại công ty không phải là sức khỏe mà chính là sự kỳ thị, phân biệt của lãnh đạo công ty, đồng nghiệp. Trước "khoảng cách" đó, người có H đều phân vân giữa việc nói hay không nói tình trạng bệnh của mình. Chị Duyên trần tình, nếu mình không nói, có nhiều doanh nghiệp không hiểu gì về HIV, nên khi mình phát bệnh, họ sẽ nghi ngờ. Hơn nữa, khi có H, chúng tôi dùng ARV (thuốc điều trị HIV) nên nhiều khi rất mệt mỏi do những tác dụng phụ. Có khi 1 tuần 1 lần hoặc 1 tuần 2 lần phải đi khám do phát bệnh cơ hội. Khi đó, chúng tôi phải xin nghỉ. Vì thế, nếu không nói thì sau này sẽ phát sinh những vấn đề không hay giữa DN và công nhân là người có H. Hơn nữa, khi tuyển người, nhiều công ty ngành thực phẩm thường yêu cầu xét nghiệm máu, kiểm tra tổng quát trước khi nhận vào làm việc. Đây thực sự là một "hàng rào" khiến người có H không dám đối mặt.
 
Có một số công ty chấp nhận người có H vào làm việc nhưng lại không ưu tiên cho họ nghỉ ngơi để chăm sóc sức khỏe. Chị Nguyệt bày tỏ, trong nhóm Nắng Mai có 30 người làm việc tại các công ty. Trong đó, nhiều người uống ARV nhưng họ phải đứng suốt 12 giờ/ngày, khớp chân đỏ hết. Có người đã gắn bó gần 5 năm với đơn vị mình làm việc nhưng trước tình trạng trên đã tự động xin nghỉ. Bản thân chị, đã từng làm ở một công ty được 10 năm, thấy cần phải dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để giữ sức khỏe, chị đã xin nghỉ việc nhưng giám đốc vẫn thuyết phục chị ở lại làm việc. Nhưng khi chị bộc lộ là chị đã có H, thì đơn xin nghỉ việc của chị được giám đốc duyệt liền. "Nếu được làm việc tại công ty, chúng tôi sẽ được mua bảo hiểm y tế, có thu nhập ổn định, được hưởng các chính sách của nhà nước dành cho công nhân, như vậy, cũng đỡ gánh nặng cho gia đình, xã hội". Nhiều người có H đã bộc bạch như vậy.
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Tú, cán bộ chương trình SM Việt Nam, chia sẻ: "Không ai bắt buộc người có H bộc lộ tình trạng nhiễm của mình nhưng việc bộc lộ đó liên quan đến quyền lợi của các bạn. Nếu bộc lộ, các bạn mới có thể hưởng các chính sách ưu đãi như được nghỉ để đi khám chữa bệnh liên quan đến HIV… Vừa qua, Tổng công ty may Việt Tiến đã phát hiện 1 trường hợp có HIV, công ty đã cho người này nghỉ 3 tháng liền (vẫn hưởng lương) để điều trị bệnh. Tết nguyên đán vừa rồi, công ty vẫn hỗ trợ 7 triệu đồng và nói, sau khi điều trị, sức khỏe bình phục thì công ty vẫn nhận lại làm việc. Về phía dự án, SM sẽ đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi cho các doanh nghiệp để giảm sự phân biệt với người có H!".  

  • Khuyến khích làm việc theo nhóm

 Người có H muốn có việc làm, học nghề hoặc cần tư vấn liên quan đến vấn đề việc làm, có thể liên hệ về Văn phòng Dự án SmartWork Việt Nam (số 11 ngõ 52 Phố Giang Văn Minh quận Ba Đình Hà Nội, ĐT 04 723 6190); hoặc Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM (153 Xô Viết Nghệ Tĩnh phường 17 quận Bình Thạnh, ĐT 08 8405 154).
 
Khi làm thủ tục giấy tờ để xin việc, về nguyên tắc, phường xã chỉ xác nhận về nơi trú ngụ. Còn nếu phường xã nào đề cập đến quá khứ của người có H liên quan đến vấn đề "cai nghiện, trở về từ trường trại, có HIV…" thì người có H có thể phản ánh và nhận trợ giúp từ các Phòng LĐTB-XH quận, huyện

Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, phải nhìn nhận thực tế là những người có H, muốn hay không cũng không thể tránh khỏi tình trạng sa sút về sức khỏe, có các bệnh cơ hội, mất nhiều thời gian để chăm sóc sức khỏe khi đau ốm… trong khi thực sự chưa có chính sách ưu đãi xã hội nào dành cho các doanh nghiệp tiếp nhận người có H vào làm việc. Vì vậy, việc người có H sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đi xin việc cũng như làm việc trong môi trường công ty - nơi mà các chủ doanh nghiệp vẫn đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu- là khó tránh khỏi. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP, chia sẻ, do vấn đề sức khỏe, nên một tháng, người có H thường làm việc không đầy đủ số ngày theo quy định, điều này làm ảnh hưởng đến việc sản xuất theo dây chuyền của công ty và tâm lý các bạn cũng không muốn. "Một mặt, chúng tôi sẽ có kiến nghị lên Bộ LĐ TB-XH, xem xét các chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhận người có H vào làm việc. Mặt khác, chúng tôi khuyến khích các bạn làm việc theo nhóm" - ông Thạch nói.

 Theo chị Nguyệt, một người nhiễm H, những người có H có thể lập nhóm để kinh doanh như mô hình của nhóm Nắng Mai (một nhóm người có H), có mô hình nhận đan những tấm thảm xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu lập nhóm thì chúng tôi rất cần người đỡ đầu đứng ra giao tiếp với các công ty và có địa điểm để tập trung người có H lại cho làm việc được thuận lợi. Chị Nguyệt tâm tư: "Nếu tự kinh doanh, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi với nhau sẽ rất vui. Tuy nhiên, ngoài khó khăn về vốn, chúng tôi rất lúng túng khi quyết định làm nghề nào cho phù hợp với sức khỏe của mình, kinh doanh cái gì, quảng bá và mở rộng thị trường ra sao? Nếu SM tổ chức được một buổi tập huấn về định hướng nghề nghiệp cho chúng tôi thì tốt quá!".
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Tú chia sẻ tất cả tâm tư và nguyện vọng của những người nhiễm H. Bà cho biết, dự án SM có thể liên kết với các công ty để giúp những người có H có thể nhận gia công một số mặt hàng. Đối với những người có nhu cầu tự kinh doanh thì tùy trường hợp, SM sẽ hỗ trợ vốn hoặc kinh nghiệm quản lý hoặc cả hai; trường hợp muốn đi học nghề, SM cũng sẽ hỗ trợ toàn bộ học phí  

ĐƯỜNG LOAN