Khai mạc Hội nghị tư vấn khu vực Đông Á- Thái Bình Dương về trẻ em và HIV/AIDS
Các Website khác - 22/03/2006
Chăm sóc trẻ HIV/AIDS.
Sáng 22-3, Hội nghị tư vấn khu vực Đông Á- Thái Bình Dương về trẻ em và HIV/AIDS đã khai mạc tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu người lớn và trẻ em từ nhiều quốc gia.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Lê Thị Thu, dự Hội nghị.

Tại cuộc gặp, đại diện các chính phủ, các tổ chức xã hội, các tổ chức Liên hợp quốc cùng các nhà tài trợ thảo luận về các hành động khẩn cấp cần thiết nhằm ngăn chặn việc lây truyền HIV/AIDS và giảm tác hại của HIV/AIDS đối với trẻ em và thanh niên trong khu vực.

Thống kê khu vực châu Á- Thái Bình Dương cuối năm 2004:
- 1,5 triệu trẻ em bị mồ côi do AIDS

- gần 121 nghìn trẻ em đang chung sống với HIV/AIDS

- 47 nghìn trẻ mới bị nhiễm trong năm 2004

- 35 nghìn trẻ cần các biện pháp phòng ngừa và điều trị


Nhiều đại biểu đề cập về mối đe doạ HIV/AIDS ngày càng gia tăng đối với trẻ em khu vực Đông Á- Thái Bình Dư­ơng và bày tỏ sự quan tâm với đại dịch HIV/AIDS đối với trẻ em, tình trạng đói nghèo do bị HIV/AIDS, và gánh nặng bệnh tật đối với các nền kinh tế của khu vực.

Theo chương trình nghị sự, tại cuộc gặp lần này, các đại biểu sẽ thảo luận sáng kiến tiếp cận toàn cầu đã đ­ược đư­a ra tại Cuộc họp các nước G8 vào năm 2005 và tại các Hội nghị thư­ợng đỉnh thế giới nhằm đẩy nhanh việc tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS cơ bản.

Trong ba ngày nhóm họp tại Hà Nội, đại biểu các n­ước, các tổ chức quốc tế sẽ đ­ưa ra lời kêu gọi hành động ứng phó cho toàn bộ khu vực.

Một trong nội dung chính đề cập việc xây dựng nhóm công tác liên ngành tại mỗi quốc gia, tập trung vào lĩnh vực phúc lợi trẻ em và điều phối việc đẩy nhanh các ứng phó đối với trẻ em dễ bị tổn th­ương và bị ảnh h­ưởng bởi HIV/AIDS từ nay đến năm 2010.

Theo số liệu của Ban tổ chức, HIV/AIDS đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương.

“Nhiều trẻ em và thanh niên biết được các thông tin về HIV/AIDS nhưng thường thông tin không chính xác và thiếu hiệu quả. Các em dễ bị tổn thương nhất thường không được sử dụng các dịch vụ phòng tránh HIV”.
(Theo báo cáo của
Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại sáu quốc gia trong khu vực)


Tính đến cuối năm 2005, có khoảng 450 nghìn trẻ em trong khu vực bị mất cha hoặc mẹ, hoặc mất cả cha lẫn mẹ do AIDS. Hàng trăm nghìn trẻ em khác phải sống với cha mẹ luôn đau ốm hoặc sắp chết.

Tại Hội nghị, Đoàn đại biểu các nước bao gồm các quan chức chính phủ và các đại biểu đại diện xã hội dân sự từ 24 nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Australia, Campuchia, Trung Quốc, Tiều Tiên, Malaysia, Mông Cổ, Papua New Guinea, Solomon, Tuvalu...

Dự Hội nghị còn có đại diện nhiều tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và tổ chức phi chính phủ như UNICEF, UNAIDS, USAIDS, Liên minh Cứu trợ trẻ em, Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Cứu trợ khẩn cấp nạn nhân AIDS của Tổng thống Mỹ.

Các đại biểu trẻ em dưới 18 tuổi từ các nước tham gia Hội nghị sẽ bày tỏ quan điểm của mình về việc chính phủ các nước cần có hành động cụ thể như thế nào để đối phó với vấn đề HIV/AIDS và giúp đỡ trẻ em là nạn nhân của căn bệnh thế kỷ này.

VĂN CHÚC