Nghe câu này, những người không cùng cảnh ngộ có thể hiểu không hết ý hoặc hiểu theo nghĩa tiêu cực. Nhưng với ai đã chấp nhận tình trạng nhiễm HIV/AIDS của mình, đó lại là quan điểm sống tích cực. Bởi với họ, mỗi ngày thức dậy (thấy mình còn sống) đã là một phần thưởng của cuộc đời, và họ sống hết mình cho ngày hôm đó, háo hức làm tất cả những gì có thể vì những người cùng cảnh ngộ và cho cộng đồng.
Trước buổi giao ban tháng của nhóm hoạt động dự án Quỹ toàn cầu "Tăng cường chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và các hoạt động phòng, chống AIDS dựa vào cộng đồng tại Việt Nam" ở Trung tâm Y tế huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), tôi có nhờ anh Thọ, cán bộ chuyên trách phòng, chống AIDS của Lạng Sơn chọn cho một em trong nhóm giáo dục đồng đẳng. Em nào chịu nói và chưa từng lên báo chí hay các phương tiện thông tin đại chúng thì càng tốt. Anh Thọ bảo, thích chọn bất kỳ ai cũng được, ai cũng sẵn sàng nói chuyện với nhà báo đấy!
2 giờ chiều mới bắt đầu giao ban, thế mà từ 1h30 mọi người đã đến khá đông. Tôi ngồi bàn cuối cùng như một cán bộ dự giao ban, và kín đáo quan sát. Rất dễ nhận ra đối tượng vì các em ngồi thành nhóm với nhau và đều rất trẻ. Các em liếc sang phía tôi và kháo nhau: Trong bọn mình, sẽ có người được nhà báo phỏng vấn đấy! Bắt gặp cái nhìn cùng câu nói đó, tôi mỉm cười làm quen luôn. Các em cười đáp lại rất tươi. Vừa lúc đó, anh Thọ vào, bảo: "Hùng ra đây cho chị nhà báo phỏng vấn". Cả hội cùng nói: "Được nhà báo phỏng vấn, sướng nhé!" Tôi thấy sự mở đầu thật thuận lợi. Còn Hùng thì hào hứng đi ra, ánh mắt sáng lấp lánh.
Tôi và Hùng vừa ngồi xuống, mấy em lại kéo đến, ngó vào hỏi: "Chị có cần hỏi thêm cho chắc không? Chị hỏi bạn này này". "Ừ! Để chị hỏi Hùng xong đã nhé!". Thái độ cởi mở của các em làm tôi cũng rất hào hứng phỏng vấn chứ không cảm thấy khó khăn lúc vào đề như ở một số cuộc phỏn vấn tương tự khác!
Trông Hùng rất vui tươi, mắt miệng chỉ chực cười. Tôi chưa bao giờ gặp một người nhiễm HIV/AIDS nào có vẻ mặt lạc quan như vậy. Đoán em ít hơn tôi rất nhiều tuổi, tôi mở đầu: "Em bé có khuôn mặt tươi quá!", Hùng cười tít cả mắt và sôi nổi kể chuyện của mình:
"Em cảm thấy vui vì tinh thần rất thoải mái, không bị chèn ép điều gì. Nhà em bây giờ chỉ còn mẹ và em. Em là con út, sinh năm 1978. Bố mất khi em mới lên mười. Chị thứ hai đi lấy chồng. Anh cả sinh năm 1974, lấy vợ năm 2003. Được một năm thì anh ấy chết do AIDS. Bảo anh "bị" (nhiễm HIV/AIDS) không ai tin, vì trông anh rất ngoan hiền, trắng trẻo lại học giỏi và chưa bao giờ sử dụng ma túy. Nhưng anh ấy "bị" vì có lần sang Trung Quốc tham quan, đã đi chơi gái ở bên đó. Chính vì không ai có thể nghĩ một người như anh lại có thể bị nhiễm HIV nên anh ấy bị suy sụp tinh thần ghê gớm, vì thế anh ấy mới chết nhanh như vậy. Mẹ em đã sốc nặng khi anh ấy ra đi...
Chính em lại phát hiện ra mình nhiễm HIV trước anh ấy (năm 2002). Hồi trước, em lại nghiện ma túy, thế mà bây giờ em vẫn sống rất khỏe mạnh. Khi anh ấy chết rồi, em nghĩ mình phải cố sống vì mẹ. Em sống cho mình và sống cho mẹ vui.
Lần đó, em thấy người bạn cùng nhóm tiêm chích chung bơm kim tiêm với mình chết, nên em đoán có khi mình đã "dính" rồi. Em tự xuống thành phố Lạng Sơn làm xét nghiệm HIV. Kết quả dương tính. Lúc đó em đang chuẩn bị lấy vợ.
Hồi bọn em học cấp 3, cách đây hơn chục năm, bạn bè đã rủ nhau chơi ma túy và dùng chung bơm kim tiêm. Hồi đó mới mở cửa biên giới, ma túy rẻ và dễ mua, bọn em lại chẳng biết gì về HIV. Chỉ thích dùng chung bơm kim tiêm vì thích cái cảm giác nhìn bạn mình cũng dùng cái bơm kim tiêm ấy rồi cùng "phê" như mình, giống như người ta uống rượu chuyền tay nhau cùng một cái chén. Bọn em dại lắm, biên giới mở cửa, rất nhiều gái làm tiền, thế là bọn em còn "chơi" chung cả gái. Thằng này ra thì thằng khác lại vào. Thế có chết không cơ chứ!
Với một hy vọng mong manh rằng có thể kết quả xét nghiệm chưa chính xác, có thể có một sự nhầm lẫn nào đó, em đã đi Hà Nội một mình, đến bệnh viện Đống Đa xét nghiệm lại. Tuy đã cho họ một địa chỉ để họ gửi kết quả lên, nhưng đoán chắc khả năng "bị" rồi nên em cũng không đi lấy nữa.
Lúc đó em chán lắm. Em hít một tí tẹo heroin cho quên hết, chứ em không tiêm chích đâu, và cũng chẳng suy nghĩ gì nữa. Chỉ mấy ngày sau là em bắt đầu chấp nhận thực tế. Em thôi heroin luôn. Sợ bạn gái của em cũng "bị" nên em đã nghĩ cách khuyên cô ấy đi xét nghiệm. Khó nói lắm chị ạ, mãi sau em mới bảo: Chúng mình sắp cưới rồi thì cũng nên đi kiểm tra sức khỏe xem thế nào, mai chúng mình cùng đến trung tâm xét nghiệm nhé. Cô ấy nghĩ em không tin tưởng cô ấy, nên bảo đi thì đi. Thật vô cùng may mắn là bạn em không sao (HIV âm tính). Lúc ấy, em mới bảo với cô ấy rằng: Tuần trước anh đã đến đây xét nghiệm rồi nhưng kết quả của anh lại khác của em. Nghe thế, bạn gái em khóc ầm ĩ, nghĩ rằng em nói thế là để bỏ cô ấy chứ không phải em bị bệnh thật. Em phải nhờ bác sĩ lần trước xét nghiệm làm chứng, bạn em mới tin. Tin rồi thì cô ấy lại càng khóc to hơn vì thương em.
Sau đó, em khuyên cô ấy nên chia tay. Thuyết phục mãi cô ấy mới chịu nghe. Bây giờ đã lấy chồng, có con rồi.
Em ở trong nhóm 3 thằng bạn chơi với nhau rất thân. Trước đây, bọn em cũng đều chích chung bơm kim tiêm. Hai bạn em cùng nằm bệnh viện vì bệnh gì đó, họ ở cùng một phòng. Một cậu vẫn khỏe mạnh, béo tốt, một cậu đã gầy gò, lở loét. Đến một hôm thì cậu gầy chết, cậu kia thấy bạn chết thì sợ lắm, vì cậu ấy cũng đoán là cậu kia chết do AIDS. Nghĩ mình cũng sẽ chết, cậu ấy sợ đến đến nỗi không ăn được gì nữa, thế là hơn chỉ chục ngày sau cũng chết theo.
Lứa bọn em sinh năm 1978 ở thị trấn Na Sầm (Văn Lãng, Lạng Sơn) này có 27 bạn nghiện ma túy. Đến năm 1998 thì bắt đầu có bạn chết, đến năm nay đã chết 24 người, chỉ còn 3 người sống sót trong đó có em.
Hiện nay, em đang tham gia nhóm giáo dục đồng đẳng của thị trấn Na Sầm trong dự án "Tăng cường chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và các hoạt động phòng, chống AIDS dựa vào cộng đồng tại Việt Nam" do Quỹ Toàn cầu tài trợ.
Em đã đến thăm nhiều gia đình lắm. Bạn gần chết thì đến ngồi chơi với bạn. Em đã quá buồn rồi. Buồn nhiều hơn là sợ vì sẽ không có bạn nói chuyện. Khi bạn "đi", em thay quần áo tắm rửa cho bạn.
Em mới khỏe lại đấy chị ạ. Em vừa trải qua một đợt bệnh nặng. Em bị nhiễm trùng máu và bị viêm cơ. Em bị đau tay, chân sưng, hông đau, không đi lại được. Bạn em ngồi nặn mủ cho em từ 8 giờ sáng đến tận 12 giờ trưa được một... xô mủ. Vết nặn cứ chảy máu ri rỉ, em tưởng mình sắp chết rồi. Thế mà em qua được. Nên em thấy vui lắm. Lúc nào em cũng muốn cười.
Bây giờ em cảm thấy rất khỏe, em tập tạ, lên xà đơn, chống đẩy tay hàng ngày. À quên, em phải nói với chị điều này, chỉ khi nào bị bệnh, đau lắm thì em mới hít một tí tẹo heroin để vượt qua thôi. Khỏe lên là em thôi ngay.
Trước đây em là người ít nói nhưng bây giờ em vui tươi vì em nghĩ ngày nào cũng là ngày cuối cùng của mình, cho nên em sống hết mình với ngày hôm đó, vì biết đâu mình không có ngày mai nữa. Vì thế, khi tỉnh dậy, thấy mình vẫn còn sống tức là em lại được một ngày nữa.
Một ngày của em thế này: Sáng em ngủ dậy muộn và ở nhà. Sau đó em đến nhà các bạn đồng cảnh. Hỏi xem tình hình sức khỏe của bạn thế nào. Nếu bạn bị bệnh thì giới thiệu đến Trung tâm Y tế. Hướng dẫn gia đình họ cách chăm sóc con cái. Cũng có bạn phải mượn chén rượu mới nói được. Thứ 7, Chủ nhật thì các anh chị có việc làm hay đến nhà em chơi. Em còn đi phát bơm kim tiêm sạch và thu hồi bơm kim tiêm bẩn cho những người vẫn còn tiêm chích ma túy mà chưa thể cai được. Nếu chưa cứu được họ khỏi ma túy thì trước mắt cứu họ khỏi HIV/AIDS đã. Em còn phát bao cao su và tờ rơi tuyên truyền phòng, chống AIDS cho những cô còn "đi khách". Chính vì thời bọn em không hiểu biết gì về HIV/AIDS và không có ai tuyên truyền hay bảo mình dùng riêng bơm kim tiêm và dùng bao cao su khi quan hệ tình dục nên lứa bọn em, một bạn "dính" là "dính" tất luôn. Nếu hồi đó đã có những chương trình can thiệp giảm tác hại như thế này thì đã cứu được bao nhiêu người khỏi HIV và họ đã không chết nhiều như thế. Em còn nghe nói về thuốc Methadone, nếu không thể cai được ma túy thì dùng thuốc này, không phải tiêm chích. Những bạn nghiện lâu năm, tiêm nát hết cả ven rồi. Mà thuốc này một ngày chỉ phải uống một lần nên các bạn vẫn đi làm được, không phải lo đến giờ tiêm chích. Em thấy chương trình này tốt quá, nên phổ biến ở mọi nơi.
- Hùng thấy học sinh phổ thông trung học bây giờ thế nào?
- Các em ấy biết sợ, biết tránh, biết phòng và có hiểu biết về HIV/AIDS sớm hơn chúng em. Các em ấy không dính vào ma túy đâu. Trông thấy bọn em là các em lảng lảng ra chỗ khác. Em thấy tiếc quá! Hồi trước em cũng đi thi học sinh giỏi đấy chứ! Bây giờ có bao nhiêu thứ giải trí lành mạnh, thế mà bọn em lại như thế này chẳng được vui chơi như các em ấy!
- Hùng có thể cho chị viết tên và địa chỉ lên báo được không?
- Em cho chị viết đấy, cho chị chụp cả ảnh luôn. Chị muốn em viết cam đoan cho chị không?
(Thật tiếc là tôi đã không mang máy ảnh vì không hy vọng sẽ gặp được người đồng ý chụp hình)
- Em viết vào đây cho chị nhé! Tôi chìa cuốn sổ đang ghi chép cho Hùng. Chẳng biết em chuẩn bị từ khi nào mà đã thấy em quay quay cây bút trong tay.
Em viết:
"Nông Khánh Hùng, 1978
K5, Số nhà 5 Thị trấn Na Sầm - Lạng Sơn
Em đồng ý cho chị đăng bài với tên tuổi địa chỉ thật".
Giờ đây khi nhìn vào cuốn sổ để chép lại những dòng này, tôi lại hình dung rõ ràng đôi mắt sáng lấp lánh của em.
Em đã cho tôi thêm một bài học: Hãy sống hết mình cho từng ngày - đó là phần thưởng vô giá của cuộc đời.
Kiều Nga
▪ Xét nghiệm HIV cho kết quả nhanh phát huy tác dụng (26/06/2006)
▪ Quan trọng là cuộc sống vẫn tiếp diễn (24/06/2006)
▪ Công nương Stephanie gây quỹ từ thiện chống AIDS bằng tiếng hát (23/06/2006)
▪ Sinh sản không cần sex (22/06/2006)
▪ Vị thần của những trẻ em châu Phi nhiễm AIDS (22/06/2006)
▪ Bệnh AIDS có thể là tai nạn của sự tiến hoá (21/06/2006)
▪ 13 triệu đô la Mỹ phòng chống HIV/AIDS ở Tobago (21/06/2006)
▪ XY hay XX (20/06/2006)
▪ 'Kẻ phá bĩnh' vô tình (19/06/2006)
▪ Mauritius: Phát hiện 34 ca nhiễm mới HIV/AIDS (19/06/2006)