Nỗi niềm con gái
Các Website khác - 19/12/2008
  Đánh đập, chửi mắng, bắt bớ làm thế này, làm thế kia... tất cả tại duy nhất một điều vì em là con gái


Là con gái luôn phải chịu thiệt thòi?

Đằng sau mỗi cánh cửa

Sen (sống ở xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) là con út trong một gia đình có ba anh em. Do hoàn cảnh gia đình nên bố bắt Sen nghỉ học từ năm cấp II, phụ mẹ kiếm tiền cho hai anh đi học. Có chút nhan sắc nên Sen được khá nhiều người theo đuổi, và cô đã đem lòng yêu một anh chàng ở làng bên cạnh. Tuy nhiên bố cô không thích anh chàng đó và bắt cô phải lấy một người cùng xóm cho gần gũi. Sen thừa biết “gần gũi” chỉ là cái cớ. Mà sự thực là anh chàng kia lần nào sang chơi cũng mang biếu ông chai rượu, và còn ngồi “đối tửu” nữa. Có lần khi người yêu Sen gọi điện thoại đến thì bố cô cướp lấy, mắng chửi rồi vứt máy xuống ao. Ngược lại, ông làm cỗ mời anh chàng cùng xóm đến và bắt Sen ra tiếp, kèm theo lời đe nẹt “mày không ra thì chết với tao”. Cãi lời ông, Sen nhận 2 cái tát. Cô òa khóc bỏ trốn sang nhà bà ngoại. Mẹ Sen cũng không khuyên được bố, thương con mà không dám đi tìm về vì: “Ai mà gọi nó về thì chết với tao”.

Tâm sự bạn trẻ đang đăng loạt bài về bình đẳng và công bằng giới nhằm giúp độc giả có một cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề vấn đề này, đồng thời tạo diễn đàn để độc giả cùng thảo...

Bên cạnh các bài viết do phóng viên và cộng tác viên của Tâm sự bạn trẻ viết, độc giả cũng sẽ được tiếp cận các văn bản pháp luật có liên quan đến bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.

Bài vở, thư góp ý của độc giả xin vui lòng gửi về địa chỉ: chat.banbientap@cihp.org

(Lưu ý: Để tiện cho việc biên tập, độc giả vui lòng viết bằng chữ có dấu và sử dụng bộ gõ Unicode. Các bài viết, ý kiến của độc giả được đăng sẽ được tính nhuận bút theo quy định của Tâm sự bạn trẻ).
 
Bài đã đăng:
>>
Chăm sóc con nhỏ, nhờ chồng khó quá!

>> Là đàn ông không phải làm việc nhà?
>> Đàn ông Việt Nam sướng quá!  

Cùng cảnh ngộ với Sen, Phương (Hoài Đức, Hà Nội) cũng phải chịu biết bao đòn roi từ người cha độc đoán. Khi đang học năm thứ 2 Đại học Văn hóa thì đột ngột bố cô gọi về không cho đi học nữa với lí do “Con gái thì làm được cái trò trống gì mà học nhiều cho tốn tiền cơm gạo. Về nhà lấy chồng, đẻ con thế là xong”. Phương và mẹ đã phải quỳ xuống xin mà cũng không thể làm thay đổi ý kiến của ông. Ông còn đạp vào ngực mẹ Phương, cứ tức giận Phương là ông trút hết lên bà. Thương mẹ, Phương đành nhắm mắt đưa chân, mang theo bộ mặt đưa đám trong ngày đưa dâu. Bây giờ đứa con đầu lòng của Phương đã tròn 1 tuổi nhưng vẫn chẳng ai thấy cô cười. Cô vẫn ru con bằng “lời ru buồn” của một thời con gái.

Cùng xóm với Phương, Luân may mắn được học hành tử tế và kết hôn với người mình yêu. Nhưng hạnh phúc gia đình bắt đầu rạn nứt khi cô chỉ sinh được con gái. Luân tâm sự: “Nhà đã có hai cháu gái rồi, mình thực sự không muốn sinh thêm nữa nữa vì như thế thì vất vả quá. Nhưng anh ấy bảo đã đi xem khắp nơi rồi, thầy bói phán số anh ấy có con trai nên bắt mình sinh cho bằng được. Khi biết lại là con gái, anh ấy như nổi điên…”. Nhớ lại, Luân bật khóc: “Cùng là sinh nở, chị ở giường bên cạnh có chồng lẫn gia đình nhà chồng trông nom, chăm sóc ngày đêm. Đằng này thì chồng mình bỏ đi luôn. Gia đình chồng cũng chả đoái hoài.  Mình phải nhờ đến mẹ đẻ. Nhiều đêm nghĩ thương mẹ già vất vả, thương con nhỏ mới chào đời đã bị cha ruồng bỏ chị lại tủi thân khóc ròng. Phận đàn bà thật khổ! Mong tương lai con mình không khổ như thế này ”.

Tại sao lại “vì em là con gái”?

Trên đây chỉ là ba trong số vô vàn những cuộc đời phụ nữ ở đằng sau cánh cửa một ngôi nhà. Những người làm cha, làm chồng trong các câu chuyện kể trên vẫn còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Đối với họ con trai là vàng là ngọc, còn con gái thì không phải là con. Chính vì thế, họ đã coi vợ mình như một công cụ sinh con đẻ cái. Không sinh được con trai thì bỏ vợ, bồ bịch hoặc nếu không bỏ thì cũng sẽ dung những thái độ hết sức cay nghiệt để đối xử với vợ con. Chị Tâm (Hoài Đức, Hà Nội), hàng xóm nhà chị Luân, kể lại: “anh Lương (chồng chị Luân) cứ đi vắng thì thôi, hễ về đến nhà là đá thúng đụng nia, chửi mắng om xòm. Con bé lên 4 rồi mà anh ấy đã khi nào coi nó là con đâu. Có gì bực là anh ấy trút hết lên đầu nó. “Vì mày mà tao bị gạt ra khỏi họ! Vì mày mà đi đâu tao cũng bị ngồi chiếu dưới! Tất cả là vì mày!!!”. Con bé làm sao mà hiểu gì, chỉ hoảng quá mà khóc thét lên thôi, thương lắm”.

"Con gái thì sao?"

Nguyên nhân của những nỗi đau đó thường được lý giải đơn giản “ai bảo là con gái”. Xã hội vẫn chưa thực sự có cái nhìn công bằng đối với người phụ nữ. Hoặc nếu có, thì sự khác biệt giữa các vùng miền, thành thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng… vẫn còn rất sâu sắc. Đến đi ăn cỗ mà người ta cũng phân chia: có con trai thì ngồi mâm trên, không có con trai thì ngồi mâm dưới.. Câu chửi mà người ta cho là độc nhất đó là “chết không có gậy”, hàm ý tuyệt tử tuyệt tôn. Ở thành phố, phụ nữ không phải khổ như phụ nữ ở nông thôn, nhưng áp lực chuyện con trai - con gái thì chưa bao giờ kết thúc!

Tạm khép

Cả thế giới nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng đang tích cực đấu tranh cho sự bình đẳng giới. Nhưng thế giới là ai? Xã hội là ai? Không thể nói một cách chung chung như vậy được. Mỗi một người trong chúng ta đều cần phải có ý thức về điều đó. Một thầy giáo đứng trên bục giảng dạy học trò thế nào là tôn trọng phụ nữ, con nào cũng là con… nhưng bản thân thầy khi rời khỏi giảng đường lại trở về với vai trò một người chồng, bắt vợ cố sinh bằng được một đứa con trai mới thôi. Như vậy, liệu tất cả những gì thày giáo đó tuyên truyền còn có hiệu quả?

Để thay đổi được quan điểm trọng nam khinh nữ không phải là vấn đề có thể giải quyết được một sớm, một chiều. Trước hết chúng ta phải bắt đầu từ các biện pháp giáo dục. Những người làm công tác giáo dục phải là những người làm gương. Các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội cũng cần có sự can thiệp đúng lúc với những hành vi đối xử thô bạo trong gia đình đặc biệt với những hành vi vi phạm pháp luật.
 

An Hoài

 

Giới và giới tính

 

Đôi khi chúng ta không phân biệt rạch ròi được hai thuật ngữ “giới” và “giới tính” nên có không ít trường hợp hiểu không đúng và áp sai. Vậy đâu là cách hiểu đúng?

 

Giới (Gender)

 

Thuật ngữ giới hiện có nhiều định nghĩa khác nhau:

 

Theo Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn Ngữ học_NXB Đà Nẵng – 2003), nội hàm của thuật ngữ giới có hai nghĩa như sau:  1. Lớp người trong xã hội phân theo một đặc điểm rất chung nào đó về nghề nghiệp, địa vị xã hội: Ví dụ : Giới phụ nữ…2: Đơn vị phân loại sinh học lớn nhất, trên ngành: Giới động vật, Các ngành của giới thực vật.

 

Trong Luật bình đẳng giới (Luật Bình đẳng giới của Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 10, số 73/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006) thuật ngữ “giới” được dùng để chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội.

 

Một định nghĩa về giới được sử dụng rộng rãi trong các chương trình quốc gia: Giới là một thuật ngữ nói đến vai trò, trách nhiệm và quyền lợi mà xã hội quy định cho nam và nữ, bao gồm việc phân chia lao động, các kiểu phân chia nguồn lực và lợi ích (Tài liệu tập huấn giảng viên về phân tích giới và lập kế hoạch dưới góc độ giới, tháng 6 năm 1998, do văn phòng dự án VIE/96/011 - Uỷ ban Quốc gia về vì sự tiến bộ của phụ nữ - UNDP thiết kế).

 

Giới tính (Sex)

 

Khái niệm giới tính được hiểu tương đối giống nhau trong nhiều tài liệu khác nhau:

 

Theo Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn Ngữ học, NXB Đà Nẵng – 2003), nội hàm của thuật ngữ giới tính như sau: Những đặc điểm chung phân biệt nam với nữ, giống đực vớ giống cái (nói tổng quát).

 

Trong Luật Bình đẳng giới, thuật ngữ giới tính được hiểu một cách ngắn gọn hơn nhưng cũng không khác nhiều với nội hàm thuật ngữ “giới tính” mà từ điển Tiếng Việt đã nêu: Giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ.

 

Như vậy, nội hàm thuật ngữ giới tính cho thấy một đặc điểm mang tính đặc trưng đó là tính bẩm sinh. Vì giới tính của mỗi người được được hình thành từ trong bào thai. Theo đó, mỗi cá nhân sinh ra đã mang các đặc điểm giới tính đặc trưng không phụ thuộc vào mong muốn của cá nhân ấy. Các đặc điểm này của người cùng giới tính về cơ bản là giống nhau, không hoặc rất ít thay đổi theo điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội, thể chế hay lịch sử.

 

Ngày nay, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người ta đã phẫu thuật chuyển đối giới tính. Tuy nhiên, các phẫu thuật này chỉ mang tính hình thể còn không thay đổi được các chức năng sinh học.

 

Ví dụ: Phụ nữ có trứng, nam giới có tinh trùng hay phụ nữ có thể mang thai còn nam giới không thể mang thai… Các đặc điểm này là bẩm sinh, nếu không vì một điều kiện đặc biệt nào đó như bệnh tật hay đột biến gen thì mọi phụ nữ hay nam giới trên khắp thế giới đều có các đặc điểm này. Khi một người nam giới được phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì người đó có thể có hình thể của người phụ nữ nhưng không thể rụng trứng, không thể mang thai, sinh con và tiết sữa…

 

Sự khác nhau giữa giới và giới tính

 

Một điểm khác biệt cơ bản giữa giới và giới tính:

 

Giới: Là các đặc điểm được hình thành và phát triển trong quá trình lớn lên của mỗi cá nhân do sự tương tác của mỗi cá nhân với môi trường tự nhiên (các đặc điểm tự nhiên của vùng, miền…) văn hoá, xã hội (gia đình, nhà trường, thông tin đại chúng…). Còn giới tính là các đặc điểm mang tính bẩm sinh, con người sinh ra đã có.

 

Giới là sự mong muốn, quy định của xã hội về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của nam và nữ. Các đặc điểm này rất đa dạng tuỳ thuộc vào điều kiện địa lý, thể chế xã hội và lịch sử… Trong khi đó, các đặc điểm về giới tính thường không thay đổi hoặc thay thay đổi rất ít.

 

Ví dụ: Trong thời đại phong kiến, đàn ông được đề cao còn người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi khi bị xã hội quy định bằng nhiều lễ giáo phong kiến. Đơn cử như việc họ chịu ràng buộc bởi đạo “tam tòng” (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử). Theo đó, người phụ nữ bị xã hội phong kiến quy định khi ở nhà phải nghe lời cha, nên ngay cả chuyện lớn của cả một đời người là lấy chồng thì cũng phải chịu cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Hay khi đi lấy chồng, cho dù chồng có nhiều thói hư tật xấu và chèn ép đánh đập thì người phụ nữ vẫn phải một lòng cam chịu…
 
Phùng Hiên
                                                                                                                                Theo Tâm sự bạn trẻ