Tính đến cuối năm 2005, tổng số người có HIV/AIDS tại Hà Nội là 9.399 trong đó 2.218 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và 1.116 người đã tử vong. Dịch HIV/AIDS tiếp tục gia tăng nhưng trong thời gian qua, công cuộc phòng chống HIV/AIDS đã có sự tham gia tích cực của các ban, ngành đoàn thể. Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS có những thay đổi căn bản và toàn diện nhất là các hoạt động can thiệp giảm tác hại, hoạt động chăm sóc hỗ trợ và điều trị cho người có HIV/AIDS.
Trong 5 năm qua (2001-2005), công tác điều trị bệnh nhân HIV/AIDS được quan tâm chỉ đạo và đầu tư khá mạnh. Nhiều văn bản quy định điều trị của Bộ Y tế được ban hành: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam, hướng dẫn điều trị thai phụ có HIV, hướng dẫn điều trị phơi nhiễm… Hệ thống điều trị bệnh nhân HIV/AIDS được hình thành với quy mô 150 giường được phân bố tại các bệnh viện thành phố, bệnh viện chuyên khoa. Song song với việc khám, điều trị bệnh nhân AIDS tại bệnh viện, hệ thống điều trị đã phối hợp với các cơ sở y tế chuyên khoa tổ chức khám và điều trị người có HIV/AIDS tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội và tại cộng đồng. Cũng trong giai đoạn này, nhiều bệnh nhân AIDS đã được tiếp cận với thuốc điều trị kháng vi-rút.
Ban AIDS ngành y tế đã tập trung cho công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn cho phụ nữ tuổi sinh đẻ đặc biệt là phụ nữ có thai, mở các lớp tập huấn chuyên sâu về công tác phòng chống AIDS cho cán bộ y tế, triển khai điều trị dự phòng lây truyền mẹ con.
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được triển khai rộng trên toàn thành phố, huy động được nhiều lực lượng, phương tiện truyền thông cùng tham gia, kết hợp giữa truyền thông đại chúng với truyền thông có chiều sâu.
Tuy nhiên công cuộc phòng chống HIV/AIDS gặp không ít khó khăn như: an toàn truyền máu còn những hạn chế do một số cơ sở y tế có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ nên có tình trạng không sàng lọc máu mà chỉ ký cam kết. Phong trào hiến máu nhân đạo tuy đã được đẩy mạnh nhưng nhìn chung tỷ lệ người bán máu chuyên nghiệp chiếm tỷ lệ cao. Hoạt động tư vấn có một số tồn tại do tâm lý e ngại của những người có nhu cầu và sự kỳ thị của cộng đồng cho nên hoạt động tư vấn trong thời gian qua chủ yếu là tư vấn trước, sau xét nghiệm chưa phát triển được tư vấn duy trì, tư vấn hỗ trợ. Bên cạnh đó, công tác dự phòng trong hệ thống thai sản tồn tại nhiều hạn chế. Số phụ nữ có thai có HIV/AIDS được quản lý chiếm tỷ lệ thấp so với số ước tính từ tỷ lệ giám sát trọng điểm, chưa đánh giá được hiệu quả của các biện pháp điều trị dự phòng lây có HIV/AIDS. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông gặp nhiều khó khăn như: đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS trong ngành y tế mỏng, các tài liệu truyền thông chưa đa dạng, công tác truyền thông chưa thực sự đi sâu vào truyền thông thay đổi hành vi và chống phân biệt đối xử.
Trong tương lai, nếu giải quyết được những tồn tại nêu trên, số người có HIV/AIDS tại Hà Nội sẽ giảm còn nếu không thì sẽ khó mà khống chế được dịch bệnh này.
HNM
▪ Mời thảo luận: Tuổi trẻ với Giới tính và HIV (15/01/2006)
▪ "Ma tuý đã làm thay đổi cuộc sống" (14/01/2006)
▪ Quỹ Clinton đạt thỏa thuận về giảm giá thuốc điều trị AIDS (13/01/2006)
▪ Hoa hướng dương và hy vọng điều trị HIV (13/01/2006)
▪ Thành lập Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội (11/01/2006)
▪ Việt Nam sẽ chiến thắng trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS (10/01/2006)
▪ Thuốc viên hai trong một điều trị HIV/AIDS (11/01/2006)
▪ HIV/AIDS ở châu Á phụ thuộc vào ngành thương mại tình dục (09/01/2006)
▪ ''Trái cấm'' - lửa từ kịch sinh viên (07/01/2006)
▪ Thêm 1 dự án chăm sóc người nhiễm HIV (06/01/2006)