Cách đây đúng 10 năm, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, bộ, ban, ngành, đoàn thể đối với công tác phòng, chống AIDS, ngày 11/3/1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Chỉ thị số 52/CT – TW về lãnh đạo công tác phòng, chống AIDS. Chỉ thị này có thể được coi là kim chỉ nam cho các hoạt động phòng, chống AIDS ở nước ta, là sự cam kết của Đảng và Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS. Vậy chúng ta đã thực hiện như thế nào. “AIDS và Cộng đồng” xin trích đăng Báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị 52/CT – TW (nói trên) do Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và Ban Khoa giáo Trung ương phối hợp tiến hành để các bạn tham khảo.
(đầu đề, tiêu đề là do “AIDS và Cộng đồng” đặt).Về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và của đảng viên về thực hiện Chỉ thị 52 và về công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, Chính quyền các tỉnh, thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 52… Nhận thức của nhân dân cũng có nhiều tiến bộ, người dân đã tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS triển khai tại cộng đồng. Nhìn chung, các cấp Ủy Đảng, Chính quyền đã nhận thức được phòng chống HIV/AIDS không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế mà là của toàn xã hội, từ đó mà ngày càng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Nhận thức về HIV/AIDS và tác động của đại dịch đối với sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội: Hầu hết cán bộ đảng viên và nhân dân đã có hiểu biết khá cao về đường lây truyền, tác hại và cách phòng chống HIV/AIDS. Theo các báo cáo đánh giá độc lập có trên 90% số ý kiến được hỏi trả lời HIV/AIDS ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân; 86% là gánh nặng cho gia đình và xã hội và trên 70% ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình…
Nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng chống HIV/AIDS: có 89,5% số cán bộ, đảng viên được hỏi đã nhận thức được vai trò lãnh đạo của Đảng và sự phối hợp hoạt động của các cấp, các ngành là quan trọng nhất; vai trò tuyên truyền, giáo dục được xếp hàng thứ hai với tỷ lệ 75,3%, trong khi vai trò xây dựng kế hoạch, chiến lược giải pháp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS được 50,5% cán bộ đảng viên đề cập đến; việc xây dựng tổ chức bộ máy, đầu tư ngân sách, huy động cộng đồng tham gia công tác này cũng chỉ được nhắc đến trong 30,5% số người được điều tra.
Về thông tin giáo dục truyền thông: Quán triệt sâu sắc quan điểm và chỉ đạo của Đảng, trong nhiều năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS đã luôn luôn coi thông tin giáo dục truyền thông là nhiệm vụ hàng đầu và then chốt. Các hoạt động này đã thưc hiện với sự tham gia của hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng, các địa phương, quần chúng nhân dân và cả những người bị nhiễm HIV/AIDS.
Công tác thông tin giáo dục truyền thông được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: Tổ chức mít tinh, diễu hành; chiến dịch truyền thông nhân ngày ban hành Pháp lệnh phòng chống AIDS (31/5), ngày thế giới Phòng chống AIDS (01/12); tổ chức các họat động tập huấn, hội thảo, phân phát tờ rơi, áp - phích, pa - nô, khẩu hiệu, các tiết mục vui chơi giải trí, ca nhạc, cổ động truyền hình, phát thanh tại xã, phường. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phốỉtong những năm gần đây, mỗi năm cả nước đã in, phân phối gần 8 triệu tờ rơi, gần 300.000 tờ áp – phích các loại, gần 300.000 cuốn sách nhỏ và dựng được trên 2.000 pa – nô tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS. Đây là sự nỗ lực rất lớn của hệ thống phòng chống HIV/AIDS nói riêng cũng như của các bộ, ban, ngành, và các địa phương nói chung.
Trong tuyên truyền và giáo dục đã luôn coi thanh niên, thiếu niên và gia đình là đối tượng ưu tiên và luôn hướng tới mục tiêu chuyển đổi hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Các thông điệp của tuyên truyền và giáo dục đã đề cao giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, coi trọng giá trị của lối sống thủy chung, lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội là cơ sở vững chắc cho mọi cá nhân và cộng đồng không bị nhiễm HIV/AIDS. Nhiều mô hình truyền thông trực tiếp đã và đang triển khai tại các tỉnh, thành phố góp phần không nhỏ trong chuyển đổi hành vi cho nhiều đối tượng, đặc biệt là cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao như nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm, những người nhiễm HIV/AIDS, thành viên gia đình người nhiễm HIV/AIDS và nhóm dân di biến động.
Kết hợp hoạt động truyền thông rộng rãi với việc tuyên truyền giáo dục của Chi bộ Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân ở cơ sở đã được thực hiện tốt và đồng bộ. Công tác phòng chống HIV/AIDS được đưa vào nội dung sinh họat chi bộ đảng và lồng ghép vào các hội nghị, hội thảo của các địa phương, các ban ngành. Đại bộ phận các cán bộ đảng viên đã phát huy tinh thần gương mẫu trong việc thưc hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa để dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và tham gia tích cực các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực vận động, huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng chống HIV/AIDS. Công tác phòng chống HIV/AIDS được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút được sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Hiểu biết của người dân về phòng chống HIV/AIDS đã được nâng lên. Qua báo cáo điều tra cho thấy tỷ lệ hiểu biết về HIV/AIDS đối với người dân ở khu vực đô thị là khá cao (trên 65%).
Về phòng chống HIV/AIDS trong ngành y tế và kết hợp với phòng chống HIV/AIDS với phòng, chống tệ nạn xã hội
Công tác vô trùng và tiệt trùng trong các dịch vụ y tế và các dịch vụ có liên quan đến máu được tăng cường, đẩy mạnh. Sau khi Chỉ thị 52 ban hành, Bộ Y tế đã nhanh chóng thể chế hóa bằng các văn bản hướng dẫn, kiểm tra công tác vô trùng, tiệt trùng trong các dịch vụ y tế.
Vấn đề an toàn truyền máu cũng được quan tâm và chú trọng. Tỷ lệ máu được sàng lọc HIV trước khi truyền tăng nhanh qua các năm: năm 1996 trong cả nước đã tiến hành sàng lọc HIV cho 112.000 túi máu (đạt 98,66%), năm 1999 đã sàng lọc HIV cho 184.436 túi máu (đạt 99,8%). Từ năm 2000 đến nay 100% các túi máu đã được sàng lọc HIV trước khi truyền. Việc đảm bảo an toàn truyền máu là một nỗ lực rất lớn của hệ thống y tế, tạo được niềm tin của người dân và góp phần tạo sự ổn định về xã hội.
Ngành y tế phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp tổ chức và đẩy mạnh phong trào vận động hiến máu nhân đạo. Các hoạt động này đã và đang diễn ra trên khắp các địa phương; tỷ lệ người cho máu tình nguyện gia tăng đều đặn hàng năm.
Công tác giám sát HIV/AIDS ở Việt Nam: hiện nay hệ thống xét nghiệm phát hiện HIV đã được triển khai ở 64/64 tỉnh, thành phố và ở hầu hết các quận, huyện trong cả nước. Giám sát trọng điểm được thực hiện thường kỳ ở 40 tỉnh, thành phố trong 6 nhóm đối tượng để theo dõi xu hướng phát triển của dịch. Giám sát hành vi cũng đã được thực hiện từ năm 2000 tại 5 tỉnh, thành phố để cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch phòng chống HIV/AIDS. Đến nay, Bộ Y tế đã cho phép 51 phòng xét nghiệm được phép khẳng định kết quả HIV dương tính.
Số liệu dịch tễ học về phát hiện HIV/AIDS được cập nhật hàng tuần và bộ Y tế báo cáo hàng tháng về tình hình dịch gửi Phó Thủ tướng Chính phủ – Chủ tịch ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cũng như tất cả các thành viên Ủy ban Quốc gia và các cơ quan liên quan của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Theo các tổ chức quốc tế, hệ thống giám sát HIV/AIDS của Việt Nam được đánh giá vào loại tốt nhất trong khu vực.
Công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn và điều trị người nhiễm HIV/AIDS đã được thực hiện tốt hơn. Hệ thống điều trị bệnh nhân AIDS sớm được hình thành với ba trung tâm ở ba khu vực chịu trách nhiệm hướng dẫn, điều trị cho các tỉnh, thành phố trong khu vực. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã có các khoa, phòng làm nhiệm vụ tiếp nhận điều trị bệnh nhân AIDS. Việc điều trị dự phòng cho cán bộ bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Cho đến nay đã tiến hành điều trị dự phòng và xử trí cho 996 trường hợp cán bộ (chủ yếu là cán bộ y tế và công an) bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Qua số liệu báo cáo trong 3 năm 2001 – 2003 hệ thống phòng chống HIV/AIDS đã tư vấn cho hơn 2 triệu lượt người (riêng năm 2003 cho hơn 480.000 lượt người). Các ngành, các cấp, các địa phương đã quản lý, chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ cho 73% số người nhiễm HIV/AIDS có địa chỉ với các hình thức tư vấn đa dạng, phong phú như theo dõi sức khỏe, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, giới thiệu học nghề và việc làm cho người nhiễm HIV/AIDS.
Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được chú trọng: Mỗi năm toàn quốc có khoảng 2 triệu phụ nữ mang thai và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này là 0,39%, như vậy ước tính có hàng nghìn phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vào khoảng 30 – 40% dẫn đến số lượng trẻ sơ sinh ra bị nhiễm HIV cũng ngày một tăng cao. Hệ thống tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con đã được hình thành và triển khai các họat động. Công tác chỉ đạo tuyến điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con theo hướng dẫn của bộ Y tế đã được đẩy mạnh. Thuốc điều trị đặc hiệu cho các cơ sở sản phụ khoa khi có nhu cầu từ các tuyến được phân phối để kịp thời điều trị dự phòng. Số lượng phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm và điều trị dự phòng cũng tăng lên hàng năm và đạt 100% ở các bệnh viện phụ sản lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương và các Bệnh viện Phụ sản Hà nội, Hải Phòng, Từ Dũ, Hùng Vương (thành phố Hồ Chí Minh). Trong năm 2002, có 44,2% các thai phụ nhiễm HIV được phát hiện trong toàn quốc đã được điều trị dự phòng và tỷ lệ này đã tăng lên trong năm 2003.
Việc kết hợp phòng chống HIV/AIDS với phòng chống tệ nạn xã hội đã tăng cường: dưới sự điều hành trực tiếp của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, các bộ Y tế, Công an, Lao động Thương binh và Xã hội đã có sự phối hợp trong việc quản lý, chỉ đạo. Các địa phương đã đẩy mạnh công tác này như triệt phá nhiều vụ án buôn bán, vận chuyển ma túy, xóa bỏ các tụ điểm mại dâm và thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục cho các nhóm có nguy cơ cao. Nhiều mô hình phòng chống HIV/AIDS do các lực lượng công an triển khai bước đầu có hiệu quả. Các mô hình tập trung giáo dục, cai nghiện cũng đã được triển khai thực hiện và góp phần hạn chế tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS.
Đã tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành tòa án, viện kiểm sát trong công tác phòng chống HIV/AIDS: Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ kiểm soát viên các tỉnh. Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với các cơ quan chức năng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS…
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một số hạn chế và yếu kém như:
a) Một số địa phương chưa chủ động, còn lúng túng trong xây dựng kế hoạch để thực hiện Chỉ thị 52, từ đó việc điều hành chỉ đạo còn nhiều bất cập. Còn hơn 20 tỉnh, thành phố chưa xây dựng các văn bản nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 52 cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
b) Nhận thức của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; việc áp dụng các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS chưa cao và chưa thường xuyên; chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống HIV/AIDS đúng với tầm quan trọng đặc biệt của nó.
c) Công tác tuyên truyền, giáo dục chậm đổi mới về định hướng, phương pháp, hình thức và chất lượng để đáp ứng với nhu cầu của xã hội. Chưa triển khai một cách sâu rộng và đồng bộ công tác truyền thông vì vậy nhận thức về phòng chống HIV/AIDS chưa tốt nhất là trong các nhóm nguy cơ cao; ở các vùng đồng bằng, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ thường xuyên giữa công tác phòng chống HIV/AIDS với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
d) Kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS còn hạn hẹp, tuy Nhà nước đã tăng dần mức đầu tư hàng năm cho công tác phòng chống HIV/AIDS nhưng so với yêu cầu, nhiệm vụ và so với nhiều nước trong khu vực thì còn rất thấp. Có những tỉnh, thành phố đã cắt giảm kinh phí trung ương đầu tư phòng chống HIV/AIDS tại địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS còn thiếu về số lượng, thiếu kinh nghiệm và chưa ổn định. Năng lực của cán bộ còn hạn chế. Số lượng bác sĩ được đào tạo để điều trị HIV/AIDS ở nước ta còn thấp (01 bác sĩ/12.000 người nhiễm HIV) so với nhiều quốc gia khác…
“AIDS và Cộng đồng”
▪ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong phòng chống AIDS (07/12/2005)
▪ UNICEF: 90 triệu bé gái không được đến trường (06/12/2005)
▪ Không thể đảo ngược cải cách ở VN (03/12/2005)
▪ Thay đổi cái nhìn về AIDS (03/12/2005)
▪ Hơn 40 triệu người trên thế giới nhiễm HIV/AIDS (01/12/2005)
▪ Thông tin về AIDS phải trực tiếp đến với người lao động (01/12/2005)
▪ 100 người bị nhiễm HIV mỗi ngày (30/11/2005)
▪ Cần một cách mới trong kiểm soát đại dịch HIV/AIDS (29/11/2005)
▪ Hơn 5.000 người dự mít tinh phòng chống AIDS (26/11/2005)
▪ Gần 1.200 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về HIV/AIDS (26/11/2005)