Hai đạo diễn Nguyễn Phương Thảo và Swann Dubus (Pháp) đã mất sáu tháng sống cùng những người nghiện nhiễm HIV để hoàn thành bộ phim tài liệu Trong hay ngoài tay em. Trong phim, các nhân vật đã tự kể lại cuộc đời mình với nỗi ám ảnh về cái chết đang cận kề bởi căn bệnh thế kỷ họ đang mang trong người. Vượt lên cả đó là câu chuyện về tình thân thấm đẫm giá trị nhân văn.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với hai đạo diễn nhân dịp bộ phim được công chiếu rộng rãi.
Đạo diễn Nguyễn Phương Thảo (phải) và Swann Dubus. Ảnh VIẾT THỊNH
Hiện thực khốc liệt của ma túy
. Vì sao anh chị lại chọn Điện Biên để thực hiện bộ phim này?
+ Đạo diễn Nguyễn Phương Thảo và Swann Dubus: Trước khi thực hiện bộ phim, chúng tôi khảo sát ở nhiều địa phương khác, cuối cùng chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục khi tìm đến Điện Biên. Ở đó có những con người, những nhân vật mà chúng tôi tin rằng phù hợp với ý tưởng của mình.
. Yếu tố thành công nhất của phim là sự chân thực. Nhân vật trong phim xuất hiện một cách tự nhiên, kể lại cuộc sống của mình như không có sự tồn tại của máy quay. Anh chị làm thế nào để họ có thể bộc lộ mình như thế?
+ Để làm được điều đó, chúng tôi phải trở nên thân quen với họ, trở thành bạn của họ. Trong thời gian thực hiện dự án này, có những ngày chúng tôi không hề bấm máy. Việc duy nhất chúng tôi làm là trò chuyện với các nhân vật, thậm chí có những lúc chúng tôi còn trở thành tình nguyện viên bất đắc dĩ trông coi nhân vật của mình mỗi khi họ lên cơn nghiện.
. Thông thường những người nghiện nhiễm HIV thường ngại giao tiếp và bộc lộ mình. Anh chị có mất nhiều thời gian để nhận được sự hợp tác của họ không?
+ Đó chỉ là một cách nghĩ, còn thực tế có khi rất khác. Ví dụ như nhân vật Trung trong phim. Khi nhận lời đề nghị của chúng tôi, Trung rất hào hứng vì từ khi nghiện ngập và nhiễm HIV Trung không có nhiều người để trò chuyện, để bộc lộ mình. Đó là nhu cầu giao tiếp xã hội mà bất cứ ai cũng cần.
. Nhắc đến nhân vật Trung, tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh Trung khi ra thăm mộ bạn đã mua heroin rồi cắm lên đó thay cho hoa quả, bánh kẹo như cách thông thường. Tự Trung nghĩ ra hay điều đó đã có trong kịch bản ban đầu?
+ Chúng tôi chỉ đề nghị Trung ra mộ thăm bạn mà thôi, còn phần sau là do Trung nghĩ ra (Trung rút từ trong người ra một cái ống tiêm có heroin bên trong và nói rằng “Lần này tao ra thăm mày chỉ có từng này thôi, mày dùng tạm” sau đó cắm vào mộ bạn).
. Tại sao anh chị lại có ý tưởng để Trung ra thăm mộ?
+ Ở Trung có một sự ám ảnh rất lớn về những người đã khuất, nhất là người bạn mà Trung đến thăm mộ. Khi nói chuyện, Trung vẫn thường dằn vặt mình về cái chết của bạn bởi trong những người nghiện nặng, Trung rất nổi tiếng vì có kinh nghiệm cấp cứu người bị sốc thuốc. Theo Trung, nếu hôm đó Trung không phê thuốc và nằm ở nhà thì Trung đã đi với người bạn đó và như thế bạn Trung có lẽ đã không chết. Trung muốn kể lại sự day dứt đó của mình nhưng nếu kể lại cho một người khác thì câu chuyện sẽ không hay. Bởi thế chúng tôi đã đề nghị Trung kể lại trước mộ bạn.
Sự bất hạnh và lòng yêu thương
. Trong phim có nhiều đoạn độc thoại rất hay, rất ám ảnh. Nó vượt qua khả năng của những người miền núi chưa được tiếp xúc với chữ nghĩa nhiều. Liệu đó có thực là những lời họ nói ra không?
+ Có rất nhiều người đặt câu hỏi ấy với chúng tôi. Đúng là có nhiều câu nói của nhân vật khiến chúng tôi cảm thấy bất ngờ; nhiều câu nói có yếu tố văn học rất cao, rất khơi gợi… Đó hoàn toàn là của nhân vật tự bộc lộ. Như chúng tôi đã nói, do đây là một bộ phim tài liệu nên người làm phim không thể can thiệp vào lời thoại của nhân vật quá sâu. Thêm nữa, một trong những lý do để chúng tôi chọn những nhân vật đó cho phim của mình cũng bởi vì họ có được những cá tính, những khả năng văn học đó.
. Nhìn lại tổng thể bộ phim, anh chị ưng ý với cảnh quay nào nhất?
+ Đó là một cảnh quay kéo dài 10 phút không dừng máy quay lần nào, bắt đầu từ khi Thi thiếu thuốc, tìm xi-lanh rồi chích. Thế nhưng khi chích xong thấy tivi báo 19 giờ, Thi liền lấy ARV (thuốc kháng HIV) uống. Uống xong, Thi chợt nhớ vợ chưa uống, mà vợ Thi lại không có ở đây. Thi vội cầm ARV chạy ra đưa cho vợ, mồ hôi vã ra… Điều này thể hiện ranh giới giữa sự sống và cái chết, sự khốc liệt của cuộc đấu tranh giành sự sống và tình yêu thương lẫn sự ăn năn.
. Ngoài sự khốc liệt của ma túy, bộ phim còn cho người xem tiếp cận với những con người rất lạc quan. Anh chị có cảm nhận được điều đó?
+ Trong phim nổi lên sự lạc quan của chị Lả - vợ Thi và của Trung. Khi nhìn vào chị Lả, chúng tôi cảm nhận được sự ăn mòn cuộc sống nhưng cũng thấy được sự bạo liệt của con người. Chị là đại diện cho sự bất hạnh và cả yêu thương.
. Tựa đề bộ phim Trong hay ngoài tay em được ra đời như thế nào?
+ Tựa đề bộ phim được gửi gắm vào nhân vật Lả, qua đó phát ra thông điệp: Nếu từ bỏ được ma túy, anh sẽ ở trong vòng tay em mãi mãi, còn nếu không, có thể một lúc nào đó anh sẽ vuột ra khỏi vòng tay em. Ngoài ra, tựa đề Trong hay ngoài tay em được chọn còn do Swann Dubus mê một ca sĩ người Pháp và ca sĩ này cũng mất vì HIV. Trong một ca khúc mà ca sĩ này thể hiện có những câu có thể tạm hiểu như: Đối với một người đàn ông nghiện ma túy thì người phụ nữ đó chính là heroin, mà nếu anh ta đã có heroin thì anh ta không thể có một người phụ nữ nào khác nữa…
. Cảm ơn anh chị.
Tiêu điểm Vợ chồng nhân vật Thi - Lả trong phim. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp) Trong hay ngoài tay em nằm trong một dự án truyền thông về HIV-AIDS, được Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện. Phim đã đoạt giải Planète Rouge 2011 tại LHP Quốc tế Marseille năm 2011 và được chiếu ở LHP Torino năm 2011. Tại Việt Nam, phim bắt đầu được chiếu rộng rãi tại các trung tâm, cộng đồng người nhiễm HIV… và nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. |
VIẾT THỊNH thực hiện
Pháp Luật TP.HCM
▪ Chương Tử Di nổi bật trong bữa tiệc của Elton John (29/02/2012)
▪ Miếu Hòn Bà Vũng Tàu- Điểm du lịch tâm linh (09/02/2012)
▪ Bắt buộc dùng bao cao su trên phim cấp 3 (11/12/2011)
▪ Công nghiệp phim sex Mỹ rúng động vì diễn viên có HIV (10/12/2010)
▪ Vũ Ngọc Đãng & Hotboy nổi loạn (13/09/2010)
▪ Phạm Thị Huệ - người bị HIV đóng vai nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới (01/07/2010)
▪ Việt Trinh trở lại, nỗ lực làm từ thiện (04/06/2010)
▪ Lindsay Lohan không bị nhiễm HIV (28/04/2010)
▪ "Người sói” Taylor Lautner chết yểu vì ma túy (22/03/2010)
▪ “Nhà có nhiều cửa sổ II” từ một góc nhìn... (16/03/2010)