Không muốn mỹ thuật đương đại VN “chìm” mãi
Một trong những cuốn sách ít ỏi về mỹ thuật VN xuất bản tại nước ngoài |
* Đứng ở bên ngoài VN, Thùy Anh thấy mỹ thuật VN được người ngoài chú ý ra sao?
- Ở Mỹ thông tin chung là mỹ thuật VN bảo thủ. Thế nhưng kể từ khi về đây, được tham dự hội thảo về nghệ thuật đương đại ở Viện Mỹ thuật, được gặp gỡ và trò chuyện với nhiều họa sĩ, nghệ sĩ làm mỹ thuật đương đại thì tôi vô cùng ngạc nhiên và cảm thấy hưng phấn cho lựa chọn nghiên cứu của mình vì thực tế, đời sống mỹ thuật ở VN mình rất mở, rất đa dạng và phong phú.
Điều thứ hai, ở Mỹ, có lẽ chỉ có duy nhất bà Nora Taylor là người nghiên cứu mỹ thuật VN một cách chuyên nghiệp vì bà là giáo sư đại học. Tuy nhiên, cuốn sách đầu tiên của bà về mỹ thuật VN, Họa sĩ ở Hà Nội (Painters in Hanoi, University of Hawaii Press, 2004) lại là một luận án tiến sĩ được hoàn thành trong khoảng thời gian 1992- 1994.
Tất nhiên nó cũng có một số thông tin cập nhật, nhưng về cơ bản, đó là những chuyện cách đây đã 12 năm rồi, cuộc sống và bối cảnh xã hội cho nghệ thuật ở VN cũng đã thay đổi rất nhiều. Cũng có một số gallery và cá nhân ở Mỹ dành thời gian cho mỹ thuật VN nhưng nhìn chung không nhiều và thường chỉ phổ cập trong một nhóm người.
Ở một số nước phương Tây khác mà tôi có đi qua như Anh quốc, Tây Ban Nha, Pháp, tình hình cũng tương tự vậy thôi. Vì thế, tôi hy vọng rằng tôi có thể đóng góp thêm một chút gì đó để góp phần làm nổi bật hơn tài năng và giá trị của mỹ thuật VN.
* Trước khi về VN, Thùy Anh tiếp xúc với thông tin về mỹ thuật VN qua các kênh thông tin nào?
- Tôi đọc cuốn Asean Art News - đó là một cửa sổ thông tin quan trọng về mỹ thuật VN với thế giới...
* Nhưng những bài viết trong đó thường không sâu sắc, thậm chí đôi khi có tính chất tiếp thị cho một gallery nào đó để kinh doanh hội họa?
- Điều đó không sai vì đó là cách kiếm sống của chủ bút. Nhiều bài viết chỉ dừng lại ở sự kể lể, miêu tả nhưng có lẽ độc giả số đông thích như vậy thôi, họ chẳng thể nào có thời gian và sự đam mê để đọc các bài nghiên cứu sâu sắc.
Tuy nhiên, sự kể tả cũng là một cách cung cấp thông tin tốt rồi. Có một trung tâm lưu trữ sách nghệ thuật châu á ở Singapore và Hong Kong (Asia Art Archives) nơi tôi kiếm thông tin về mỹ thuật VN, nhưng đáng tiếc là ở đó, số lượng sách và người làm mỹ thuật VN được giới thiệu không nhiều, hầu như thiếu những đường kết nối thông tin do chính người VN chủ động thực hiện.
Trong khi đó, không ít gallery bên ngoài VN vì kinh doanh mỹ thuật VN nên rất sốt sắng giới thiệu về mỹ thuật VN, tất nhiên là theo cách nhìn của họ. Tôi tự hỏi là các nhà làm nghiên cứu phê bình mỹ thuật VN ở đâu vậy, sao lại không thể tự giới thiệu với thế giới về nghệ thuật của đất nước mình mà lại để cho người nước ngoài làm...
* Điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều lý do khác ngoài năng lực làm việc của họ?
- Ví dụ theo chị là những lý do gì?
* Tài chính chẳng hạn. Để có một cuốn sách phát hành ra bên ngoài VN đâu phải chuyện nhỏ, đúng không?
- Vâng, đúng vậy (cười)... Nhưng tôi vẫn thấy thế nào đó...
* Vậy Thùy Anh nghĩ mình sẽ làm gì với công trình nghiên cứu về mỹ thuật VN sau khi hoàn thành?
- Nó là một luận án tiến sĩ nên không dễ đọc đối với số đông. Chắc là tôi sẽ để ở một bảo tàng nghệ thuật nào đó làm tư liệu thôi. Nhưng tôi có một hy vọng khác là sau thời gian 3 năm nghiên cứu tại VN, nhờ vào các mối quan hệ công việc đã có, tôi nghĩ mình có thể làm được chút gì đó cho mỹ thuật VN, không chỉ là một nghiên cứu rồi chấm hết được. Chẳng hạn như tổ chức các triển lãm về mỹ thuật VN ở bên ngoài VN.
* Sau một thời gian ban đầu tìm hiểu bối cảnh xã hội, Thùy Anh đã có quyết định chọn nghiên cứu phân đoạn lịch sử nào của mỹ thuật VN?
- Tôi rất thích nghiên cứu về mỹ thuật đương đại vì nó đang xảy ra và nhiều người tham gia cũng rất trẻ, dễ nói chuyện hơn.
* Nhận xét ban đầu của Thùy Anh về những nghệ sĩ tham gia làm mỹ thuật đương đại mà bạn biết?
- Có một chuyện thế này: Một họa sĩ đương đại có danh tiếng nói với tôi ở VN mình có nhiều nghệ sĩ vẫn thích không làm gì cả, chỉ sống bằng nghệ thuật thuần túy, mà nếu không có tiền thì vẫn cứ la cà, lang thang đây đó, rồi lại có thật nhiều người tình...
Nghệ sĩ của thời buổi này vẫn như vậy ư? Tôi không tin. Tại sao lại thế nhỉ? Có lẽ họ vẫn nghĩ một cách quá lãng mạn về cái danh xưng nghệ sĩ, cách nghĩ đó quá cũ xưa, không hợp với thời buổi này nữa rồi....
* Thùy Anh đã xem nhiều triển lãm mỹ thuật kể từ khi về đây?
- Vâng. Nghệ thuật thì thật khó đánh giá trong một khoảnh khắc. Tuy nhiên, cảm giác chung của tôi là VN có nhiều nghệ sĩ giàu tiềm năng sáng tạo. Cho dù tôi biết là đã có những tranh cãi về cái cách các nghệ sĩ trẻ đến với nghệ thuật đương đại, chẳng hạn như có người đến chỉ vì muốn nổi danh sớm, vì không làm được hội họa hay điêu khắc một cách chuyên nghiệp...
Tôi sẽ cất công tìm hiểu tất cả và bước đầu, tôi muốn viết thành các bài báo về nghệ thuật đương đại VN nhằm góp một cách nhìn xác thực về nền nghệ thuật của chúng ta với thế giới.
Theo Thể thao và Văn hóa
▪ LHP Toronto chào đón những bộ phim mới nhất (25/08/2005)
▪ Phim Mangal Pandey lập kỷ lục doanh thu tại Ấn Độ (25/08/2005)
▪ Bài hát Việt lần 5: Nhiều gương mặt lần đầu tham gia (24/08/2005)
▪ Hồ Quân đóng phim mới với Lưu Gia Linh (24/08/2005)
▪ Những chàng trai hot nhất của Yahoo (24/08/2005)
▪ Kết thúc cuộc thi ảnh nghệ thuật các tỉnh Đông Nam bộ lần 13 (24/08/2005)
▪ Tự hào đất nước tôi (25/08/2005)
▪ Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân làm chủ tịch Hội Nhạc sĩ (25/08/2005)
▪ Diễn viên nổi tiếng của Nhật Bản thăm VN (25/08/2005)
▪ Bế mạc Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ 2005 (24/08/2005)