Mất tiền thật từ thế giới ảo
Các Website khác - 28/09/2005
“Võ lâm truyền kỳ” đang là trò chơi online thu hút người chơi nhất tại Việt Nam hiện nay. Với hàng trăm ngàn tài khoản đăng ký tham dự, trò chơi đã mang lại doanh thu lớn cho nhà phát hành, đồng thời cũng khiến nhiều người chơi tốn không ít tiền của cho những dịch vụ ảo.
Những “kẻ buôn tiền”

Anh Trung, một kỹ sư xây dựng gần 40 tuổi, cũng “ghiền” chơi “Võ lâm truyền kỳ” (VLTK) không thua gì những thanh niên trẻ tuổi. Luyện hơn hai tháng, “con” Thiếu Lâm của anh Trung đã lên đến đẳng cấp 80 và anh đang lo sốt vó, tìm cách kiếm đủ tiền để mua một chiếc áo giáp xịn với con ngựa xích thố để trang bị cho nhân vật trong game của mình. Ngựa, giáp chưa đủ tiền thì lại đến đợt khuyến mại Trung thu của nhà phát hành.

Dịp này, trong game sẽ có một số vật phẩm bánh Trung thu và nếu nhân vật được ăn bánh cao cấp nhất thì sẽ tăng thêm một số kỹ năng để mạnh hơn. Với anh Trung bây giờ, chuyện cần kíp nhất là “ăn” được vài cái bánh Trung thu! Vấn đề tiền nong đã trở thành chuyện bức bối: “Anh phải tìm người bán ngân lượng (đơn vị tiền tệ trong VLTK), mua vài ngàn vạn mới được”.

Khanh, chàng sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM là một cao thủ trong việc kiếm tiền trong game. Khanh luôn chơi bằng hai nhân vật, một nhân vật đi luyện công để tăng đẳng cấp, một nhân vật chuyên bán đồ. Việc “khởi nghiệp” trên mạng mang lại cho chàng trai này nhiều ngân lượng nhất là đem áo giáp đi “khảm nạm” (nhằm tăng giá trị của áo giáp).

Một phần số ngân lượng kiếm được chàng sinh viên này bán lại cho những người chơi khác với giá 100.000 – 200.000 đồng cho 1.000 vạn lượng. “Tiền nạp thẻ chơi game của em đều do em bán ngân lượng để mua”, Khanh nói.

Những lời rao mua, bán ngân lượng xuất hiện thường xuyên trên các kênh thông tin chung trong VLTK. Chuyện mua bán ngân lượng và các tài sản ảo trong VLTK đã diễn ra lâu nay và đang dần đi vào ổn định mặt bằng giá cả, ví dụ ở TPHCM là khoảng 130.000 đồng cho 1.000 vạn lượng trong game. Các nhân vật cũng thường được rao bán, nhưng với mức giá không ổn định.

Ông Trịnh Bảo, giám đốc trò chơi VinaGame (đơn vị phát hành VLTK tại VN), cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích việc mua bán các vật dụng trong game bằng tiền thật. Nhiều tài khoản đã bị chúng tôi “nhốt tù” vì buôn bán ngân lượng, tuy nhiên việc mua bán này vẫn diễn ra do nhu cầu của một số người chơi, chúng tôi không thể can thiệp được. Tại Hàn Quốc đã có luật quy định về việc này và tôi được biết một công ty chuyên mua bán vật dụng trong game ở Trung Quốc có doanh số hơn 1 tỷ USD/năm. Hiện nay ở Việt Nam chưa có hành lang pháp lý về các tài sản ảo trong game, nên những tranh chấp nếu có về việc mua bán này rất khó giải quyết”.

Doanh thu hơn 30 tỷ đồng/tháng?

Là trò chơi ăn khách nhất hiện nay, thời điểm cuối tháng tám, trước khi chính thức thu phí, VinaGame công bố là có 800.000 tài khoản đăng ký chơi VLTK. Từ ngày 1-9, VinaGame chính thức thu phí trên người chơi với hình thức phát hành hai loại thẻ cào trị giá 60.000 đồng và 20.000 đồng.

Người chơi được lựa chọn nạp thẻ theo hai cách: giới hạn thời lượng chơi (tính bằng giờ) hoặc giới hạn số ngày chơi (tính theo ngày, muốn chơi bao nhiêu giờ/ngày cũng được). Thẻ 60.000 đồng có thể chơi 100 giờ hoặc 25 ngày; thẻ 20.000 đồng có thể chơi 25 giờ hoặc 7 ngày.

Đối với đa số người chơi VLTK, mức phí mà họ đóng cho nhà cung cấp sẽ cao hơn 60.000 đồng/tháng.

Được biết sau khi thu phí, số tài khoản chơi VLTK có giảm xuống chút ít nên cứ thử một phép tính với số tài khoản “khiêm tốn” hơn: 60.000 đồng x 600.000 tài khoản = 36 tỷ đồng/tháng. Một con số cao, đặc biệt là đối với công ty non trẻ mới được thành lập từ tháng 9-2004.

Theo đại diện của VinaGame, ông Trịnh Bảo, nói: “Đó chỉ là một con số chưa đầy đủ, ước tính về khoản thu vào mà không tính đến khoản chi ra của chúng tôi. Chúng tôi còn phải chi hàng loạt khoản khác như tiền lương, tiền quảng cáo khuyến mại, tiền thuế, tiền trả bản quyền cho công ty chủ game VLTK…”. “Nhưng chúng tôi chỉ muốn hỏi về doanh thu, chưa nói đến lợi nhuận?”.

“Về vấn đề doanh thu, chúng tôi không khẳng định là đang có doanh thu trên 30 tỷ đồng/ tháng, nhưng cũng không phủ định. Tôi chưa muốn bàn về chuyện đó, đây là bí mật kinh doanh của VinaGame. Trên thị trường game online, chúng tôi còn nhiều đối thủ cạnh tranh khác, và hiện nay chưa thể tiết lộ vấn đề doanh thu được”, ông Bảo nói.

Những bước tiến của VLTK báo hiệu thời kỳ chinh phục của loại hình giải trí điện tử, một ngành công nghiệp còn mới mẻ ở Việt Nam.

Về góc độ xã hội, ngành công nghiệp này có thể mang lại lợi nhuận cao, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống Internet tốc độ cao và một loại hình giải trí hấp dẫn. Nhưng cũng từ góc nhìn xã hội, loại hình giải trí này tiềm ẩn một nguy cơ đến từ sức hấp dẫn quá lớn.

Ngày 23-9, một thanh niên 24 tuổi ở TP Hồ Chí Minh đã phải nhập viện vì chơi game quá sức đến đột quỵ. Đây là một cảnh báo. Đã đến lúc các nhà quản lý cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ cũng như xem xét việc phát triển lĩnh vực này.

Theo Sài Gòn giải phóng