NSƯT Trần Lực- “Qua rồi thời sống và làm nghệ thuật vô tư…”
Các Website khác - 16/02/2009
Từng học đạo diễn sân khấu tại Bungari nhưng lại được khán giả biết đến với vai trò của một diễn viên điện ảnh- truyền hình; từng có một thời gian dài “chuyên trị” vai bộ đội, cả thời chiến lẫn thời bình, dù là phim nhựa hay phim truyền hình cũng đều… “ok” tất, miễn là có đất diễn! Nhưng rồi cũng “chịu” thay đổi “hình tượng” trong một số bộ phim “hoành tráng” như: Ăn mày dĩ vãng, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Luật đời…

Không chỉ có vậy, anh còn để lại ấn tượng trong lòng công chúng và “ăn điểm” với vai trò đạo diễn một số bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình: Hai Bình làm thủy điện, Tết này ai đến xông nhà, Chuyện nhà Mộc, Chợ tình

Bẵng đi rất lâu, không thấy anh nhận vai mới, gặp thoang thoáng ngoài đường thấy… “tóc gió thôi bay”, tóc dài thay bằng tóc húi cua. Hỏi ra mới biết DVĐA, ĐD- NSƯT Trần Lực giờ đã lên hàng… “ông chủ” của hãng phim Đông Á, làm phim “của mình” chứ không đi “làm thuê” cho người khác nữa, mà sản phẩm đầu tiên hợp tác với truyền hình đã lấy được khá nhiều cảm tình của khán giả màn ảnh nhỏ, phim: Chàng trai đa cảm

 Năm 2008 đối với NSƯT Trần Lực quả thực là “song hỷ lâm môn”, bên cạnh những “đứa con tinh thần” là những dự án phim ảnh đã và đang lên kế hoạch sản xuất được khán giả chờ đợi bởi thái độ làm việc nghiêm túc và đầy trách nhiệm của chàng nghệ sỹ tài hoa này, thì anh cũng cảm thấy “ rất hạnh phúc trong bận bịu” với vai trò của một ông bố khi gia đình nhỏ của anh đón thêm một “hoàng tử bé” vài tháng trước mới cất tiếng khóc chào đời… Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Trần Lực:

* Đã lâu không thấy anh xuất hiện cả trong những bộ phim điện ảnh lần truyền hình. Có phải đã trở thành “ông chủ” rồi nên không có thời gian rong ruổi theo các đoàn phim nữa? Hay còn có một lý do khác chăng, thưa DVĐA, ĐD- NSƯT Trần Lực?

- Ông chủ gì đâu (cười)! Tiếng là làm quản lý nhưng thực ra tôi vẫn lo mảng nghệ thuật là chính. Trước kia chỉ đơn thuần làm nghệ thuật, nhận một vai diễn nào đó tôi chỉ cần hoàn thành thật tốt công việc của mình ở trường quay, hay làm đạo diễn tuy khối lượng công việc có nhiều hơn, vất vả hơn… nhưng khi cần, bạn bè gọi, gặp vai diễn tốt vẫn có thể thu xếp thời gian rong ruổi, thậm chí những chuyến đi dài ngày được. Nghệ sỹ tự do mà! Giờ phải quăng mình vào việc lo chuyện “cơm áo gạo tiền” cho cả một tập thể, không phải chuyện lơ tơ mơ, không thể đùa được.

Đông Á là một hãng phim tư nhân nên chúng tôi buộc phải năng động, phải làm thế nào để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất để thu hút được khán giả, và còn phải cạnh tranh với những sản phẩm của các hãng phim khác. Sản phẩm làm ra không “bán” được, cầm chắc thua lỗ, mà thua lỗ là chết ngay. Bước vào chốn thương trường mới thấy rõ chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ”, tôi phải “đoạn tuyệt” ngay lập tức với cái tính “lơ mơ” của nghệ sỹ, không thì hỏng hết việc.

Xưa nay, đối với tôi, chuyện tính toán tiền bạc rất nan giải, may mà còn có những cộng sự đắc lực luôn ở bên cạnh tôi. Hãng Đông Á mới thành lập chưa được bao lâu, công việc vẫn còn ngổn ngang lắm. Hy vọng sau này tất cả sẽ vào nếp, tôi lại có thể thu xếp thời gian để rong ruổi với anh em bạn bè nghệ sỹ. Tuy nhiên, việc làm phim ở ta bây giờ cộng với sự “vắng bóng” của những kịch bản hay nhiều khi cũng khiến tôi đâm nản…

* Thành lập hãng phim tư nhân trong khi, theo tôi được biết, về danh nghĩa anh vẫn là “ người của Nhà nước” vì anh vẫn có tên ở Hãng phim truyện Việt Nam, một đơn vị nghệ thuật Nhà nước. Tuy đều làm nghệ  thuật nhưng rõ ràng là có sự khác biệt ở đây. Theo anh, sự khác biệt rõ nhất thể hiện ở chỗ nào?

-  Các hãng phim tư nhân phải tự bỏ tiền túi của mình ra khi quyết định đầu tư một dự án phim ảnh nào đó, và phải làm thật tốt để thu hút được khán giả, còn không cầm thua lỗ nặng. Vì thế họ luôn rành mạch trong công việc, trách nhiệm và cả tiền bạc.

Vấn đề của Hãng phim Nhà nước hiện nay, theo quan điểm của tôi, là tình trạng “cha chung không ai khóc”. Không ai đứng ra chịu trách nhiệm về việc làm phim nếu nó không hay, họ thường đổ lỗi cho nhau dẫn đến tình trạng lộn xộn, làm bừa, làm ẩu… Nhiều bộ phim tiền tỷ làm ra chỉ được trình chiếu miễn phí một vài lần trong các dịp lễ rồi xếp xó, thậm chí không ai còn nhớ đến nó nữa…

* Trên phim ảnh, anh luôn hóa thân vào nhân vật “đứng đắn”, “nghiêm túc”, hoặc không thì cũng “hiền lành, tử tế”. Trong khi với vai trò của một đạo diễn anh lại lôi kéo được khán giả khá thành công và tỏ ra có duyên ở những vai hài. Xem “Chàng trai đa cảm” của Hãng phim Đông Á sản xuất mà anh tham gia công tác biên tập cũng nhận thấy điều đó. Có phải làm phim hài cũng là một mục tiêu của Hãng phim Đông Á hướng tới, bởi những bộ phim hài hước nhẹ nhàng bao giờ cũng ăn khách hơn?

- Nhiều người đã nói với tôi điều này và tôi nhận thấy có phần đúng, nhưng chưa đủ. Chưa thử thì làm sao biết tôi có thể đóng được những vai phản diện kiểu gian manh, đểu đểu… hay không? Đùa một chút cho vui, nhưng tôi nhận thấy mình cũng có duyên hài ra phết.

Ngay từ khi thành lập hãng Đông Á, chúng tôi đã xác định phong cách làm phim của mình là luôn “cài cắm” một chút hài hước. Tôi cho rằng khi xử lý một câu chuyện, một vấn đề cho dù có nghiêm trọng đến đâu mà mình “cố tình” xen vào vài tình huống gây cười vẫn là cách dễ được tiếp nhận nhất.  Làm phim hài nhưng quan điểm của chúng tôi là tiến cười nhẹ nhàng, không châm biếm, đả kích nhưng không kém phần chua xót.

 Nhìn lại những phim đã làm, khán giả dễ nhận thấy rằng tôi thích “ném” nhân vật của mình vào các tình huống để gây cười. Làm theo cách này, theo tôi, rất phù hợp với đời sống hiện đại. Vừa thỏa mãn tính giải trí của khán giả mà mình phải chuyển tải được thông điệp của bộ phim…

* Đối tượng khán giả mà khi làm phim hãng Đông Á luông hướng tới, thưa anh?

- Chúng tôi luôn hướng tới những khán giả năng động, không chỉ thụ động khi xem phim mà luôn đạt ra những câu hỏi đại loại như: Tại sao nhân vật này lại hành động như thế? Sao nhân vật kia lại phải chịu nhiều thiệt thòi?..v.v… Chúng tôi muốn mỗi  bộ phim của Hãng Đông Á mảng tỉnh “mở” một cách tối đa, và ở đó mỗi nhân vật được phát triển tính cách tự nhiên như đời sống, chúng tôi không khiêm cưỡng áp đặt và cũng không “yêu” nhân vật nào hơn nhân vật nào, họ bình đẳng trên phim. Tôi nghĩ, khán giả cũng luôn đồng tình với chúng tôi như vậy!...

* Làm phim thời “xã hội hóa” có khác nhiều so với trước kia, khi mà anh mới bước chân vào nghề? Có một thực tế là, hiện nay đang là “thời” các hãng phim tư nhân khi mà rất nhiều… “nhà” bắt tay vào làm phim nhưng sản phẩm họ làm ra, dù đã rất nỗ lực cố gắng, nhưng đôi khi vẫn cứ “đầu thừa đuôi thẹo”, khán giả kêu ca rất nhiều. Khi Hãng Đông Á chính thức nhập cuộc, các anh có nghĩ mình sẽ góp phần đem đến sự thay đổi nào đó cho phim truyền hình…

- Dĩ nhiên chúng tôi muốn các bộ phim do hãng Đông Á làm ra sẽ được khán giả đón nhận (kỳ vọng đem đến một sự phát triển với phim  truyền hình thì không dám!) Đã qua rồi cái thời sống và làm nghề một cách “vô tư” nhưng mà khi tôi mới bước chân vào nghề. Đó là cái thời mà anh em nghệ sỹ chúng tôi đi làm phim cả năm trời không phải lo lắng tiền bạc, có phim nhận tiền cát sê xong là hết vì đã tiêu trước đó rồi, cũng có phim chẳng có cát sê mà ai đó vẫn hớn hở vào Nam, ra Bắc…

Bây giờ, cuộc sống bề bộn, ngổn ngang nhiều nỗi. Điện ảnh thời kinh tế thị trường đang phải đối mặt với những vấn đề mới, khó khăn chồng chất. Nhức nhối nhất mà ai thấy cũng là chuyện bản quyền. Ai dám đầu tư khi bản quyền không được đảm bảo? Vẫn biết rằng tài năng và chất xám là hàng đầu nhưng anh làm được gì nếu như anh không có tiền? Trên thế giới vẫn có những phim đầu tư ít mà vẫn hiệu quả, nhưng hiếm lắm…

* Nhiều người cho rằng, phim ảnh Việt Nam gần đây có xu hướng “âm thịnh”… Hầu như phim nào cũng có, không ít thì nhiều, không chính thì phụ, những anh chàng “phi giới tính”… Có đốt đuốc  cũng không tìm ra được những nhân vật nam mạnh mẽ, đúng nghĩa kiểu “đàn ông đích thực”. Theo anh, tại sao? Có cơ hội làm việc và tiếp xúc với những diễn viên trẻ, anh thấy họ thế nào? Về thái độ làm nghề và cả về sự hy sinh cho nghệ thuật…

- Đối với đa số diễn viên trẻ hiện nay, hay khoan nói về sự hy sinh cho nghệ thuật bởi vì chỉ đơn thuần đòi hỏi ở  họ thái độ làm nghề nghiêm túc còn khó, huống hồ… Vì sao? Vì chúng ta không có được sự đào tạo dài hơn một cách bài bản dẫn đến diễn viên diễn xuất rất không chuyên nghiệp, đấy là chưa nói đến diễn viên bây giờ đa phần là “tay ngang”. Đành rằng một số người có năng khiếu nhưng theo tôi, nghề gì cũng cần phải học. Nếu không học, chỉ dựa vào cái bản năng thì họ chỉ diễn được một vài vai gần giống họ, còn giao cho một dạng vai khác là thua luôn. Diễn viên nữ còn có thể “đãi cát tìm vàng” được chứ diễn viên nam chúng ta đang thiếu, đó là một thực tế.

Tìm được một hình ảnh vững chãi không phải là dễ. Cái mạnh của người đàn ông là phong thái, là cốt cách thể hiện qua vai diễn  chứ không đơn thuần chỉ ở ngoại hình, cứ “to, khỏe, béo, bền”, cứ cơ bắp… là đàn ông! Về vấn đề này mình không nói tài được.

Có một thực tế là, diễn viên bây giờ chạy show nhiều quá và họ không chịu quan tâm đến việc xem- nghe- đọc- học tích lũy kinh nghiệm cho mình. Đã từng có lần xem họ diễn, tôi buộc phải nói với họ là đừng có cố diễn, bởi càng cố diễn càng cương lên, càng giả tạo…

* Được biết anh từng có một thời gian dài tu nghiệp tại Bungari chuyên ngành đào tạo sân khấu nhưng hình như anh chưa hề thử sức ở lĩnh vực này. Anh không muốn thử sức hay…

- Thú thực là có những lúc tôi cũng cảm thấy tiếc vì chưa được thể hiện mình ở đúng chuyên ngành mình đã học. Tôi rất yêu và mê sân khấu lắm! Tôi đã có nhiều năm tháng học hành cực kỳ nghiêm túc và bài bản về sân khấu, một ngành nghệ thuật phải nói là cao cấp, sang trọng và rất… khó.
 
Nhưng nhìn vào đời sống sân khấu của ta hiện nay nhiều khi tôi cũng cảm thấy nản, bởi các nhà hát sân khấu của ta không tạo cho mình được phong cách riêng. Sân khấu hấp dẫn bởi tính cách điệu nhưng ta thì có xu hướng kiến cho sân khấu gần với đời thực, nhiều vở diễn chỉ dừng lại ở mức độ tả chân, minh họa là chính. Nhiều vở đi xem về tôi nghĩ, sao người ta không làm phim béng đi cho xong?!

* Như vậy có nghĩa là anh vẫn còn nặng lòng với sân khấu, chuyên ngành mà anh đã được đào tạo bài bản. Khán giả có quyền hi vọng không, trong một tương lai gần, một vở diễn do NSƯT Trần Lực làm đạo diễn?.

- Tôi đang ấp ủ một số dự định nhưng chưa thể bắt tay vào làm ngay được, ít nhiều lý do. Nhưng khán giả xin hãy cứ… “tin ở hoa hồng”…(cười).

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Theo Phununet