Vẫn cần độ “lắng”
Các Website khác - 20/12/2008
 Từ năm 2009, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện thí điểm chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong việc sử dụng các giáo viên, giảng viên và các viên chức giáo dục khác.

Trong 2 ngày 18 và 19/12, Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, đoàn thể về Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009-2020.

Theo đó, đến năm 2020 sẽ nâng tỷ lệ sinh viên/vạn dân lên con số 450 người, tỉ lệ sinh viên so với dân số trong độ tuổi từ 18- 24 là 40%. Quy mô giáo dục cũng được mở rộng theo xu hướng “xã hội hoá”, khi mà lượng đào tạo ngoài công lập đến năm 2010 sẽ chiếm 30 - 40% tổng số sinh viên cả nước. Chưa hết, dự thảo còn đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 85% số sinh viên tốt nghiệp được các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được yêu cầu công việc, cũng như có khoảng 15.000 sinh viên quốc tế đăng ký học tại các trường ĐH Việt Nam.
 
 
Năm 2010 sẽ có 100% số giáo viên, giảng viên mới được tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng thay cho biên chế.
Ảnh minh họa.
 
Giải pháp chiến lược là tập trung đầu tư nhà nước và sử dụng vốn vay ODA để xây dựng một số trường ĐH Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế. Mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 5 trường ĐH Việt Nam được xếp hạng trong số 100 trường đại học hàng đầu của khu vực ASEAN và 2 trường đại học đứng trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Năm 2015 sẽ hoàn thành cơ bản việc xây dựng 4 trường ĐH Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế...

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay Bộ đang thiết kế mô hình chi tiết cho trường. Ngoài trường ĐH Việt - Đức, sắp tới bộ có thể sẽ liên kết với Pháp, Nga hoặc Mỹ để thành lập trường quốc tế với quy mô 4.000 sinh viên, 400 giảng viên. Về tiêu chí xếp hạng trường ĐH quốc tế, theo Phó Thủ tướng, thế giới có nhiều bộ tiêu chí xếp hạng khác nhau, tùy theo từng quan điểm. Hiện nay ta mới đang trong giai đoạn khởi động, nên sẽ tiếp tục làm việc để chọn tiêu chí phù hợp. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, trường chất lượng cao, học phí sẽ cao hơn trường khác.

Từ năm 2009, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện thí điểm chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong việc sử dụng các giáo viên, giảng viên và các viên chức giáo dục khác. Tại một số trường phổ thông và ĐH, tới năm 2010 sẽ có 100% số giáo viên, giảng viên mới được tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng thay cho biên chế.
 
Về vấn đề khó khăn của giáo viên nếu áp dụng giải pháp đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, theo quy định hiện hành, các đơn vị hành chính sự nghiệp không tuyển biên chế mà chỉ có hợp đồng dài hạn. Còn nữa, lãnh đạo ngành giáo dục cũng cho rằng, dù hình thức là hợp đồng nhưng quyền lợi của giáo viên cũng như biên chế, thậm chí còn có thể hơn do hiệu trưởng được quyền quyết định.
 
Các giải pháp luôn luôn là cần thiết, nhất là để tạo bước đột phá cho một ngành mũi nhọn quốc gia - ngành phát triển về nhân lực. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, cũng cần có độ “lắng” nhất định để kiểm chứng các quyết định.
 
Hoàng Đệ