31 năm nuôi mẹ bạn, 1 lần nói dối và...
Các Website khác - 26/07/2008
“Nếu chiến tranh kết thúc, tôi còn sống trở về, tôi sẽ chăm sóc mẹ anh như mẹ tôi”. Lời hứa với đồng đội luôn canh cánh trong lòng anh bộ đội Hoàng Văn Quảng suốt những tháng ngày trị thương tại trại thương binh nặng Quân khu 4.


Và kể từ khi xuất viện, anh đã thực hiện lời hứa ấy trong suốt 31 năm ròng rã.

Gánh gồng 5 con và 2 mẹ già…

Sau khi xuất ngũ năm 1977, Hoàng Văn Quảng trở về quê hương (xóm Sỏi, Vạn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) với gia đình. Vừa lập gia đình, vừa lo toan cho mẹ già còm cõi. Anh vẫn không quên lời hứa với người đồng đội cũ năm xưa.

Thương binh Hoàng Văn Quảng


Người thương binh ấy vượt qua nỗi đau của đôi chân không còn lành lặn, với “vết chân tròn trên cát”, anh đón mẹ bạn về nhà mình chung sống. Đó là bà mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Định, mẹ liệt sĩ Hoàng Văn Ninh.

Ban đầu cuộc sống vô cùng chật vật, mới cưới vợ lại phải lo chăm sóc hai mẹ già làm anh bộ đội càng thêm vất vả. Rồi những năm tháng tiếp theo, năm đứa con lần lượt ra đời tình cảnh gia đình lại càng deo neo khốn khó.

Nhà tranh vách đất chật chội, anh lại đi cả xóm xin gỗ nhờ bà con giúp đỡ để dựng cho mẹ nuôi một căn nhà. Kể từ đây vợ anh thì nuôi mẹ đẻ còn anh nuôi mẹ bạn.

Anh Quảng xúc động kể: “Mẹ càng ngày càng yếu, rồi bị lẫn. Có khi mắng chửi ầm ĩ, có khi còn đánh nhưng tui chỉ thấy thương mẹ..."

Nói đến gia đoạn này, vợ anh nghẹn ngào: “Lúc nớ tui cũng chẳng biết làm sao, chỉ biết an ủi chồng và chịu khó vượt qua thôi”.

Hàng ngày vật lộn với 8 sào ruộng cát trắng cằn cỗi nhưng anh Quảng vẫn tranh thủ từng giây từng phút chăm chút cho từng bữa ăn giấc ngủ của mẹ Định. Đàn con nheo nhóc, mẹ già ốm đau những hình ảnh ấy cứa xoáy sâu vào con tim người lính.

Những vết chân lầm lũi lại đi hết xã này sang xã khác để tìm từng mảnh bom mảnh mìn vỡ đem bán sắt vụn đong gạo cho mẹ già và con nhỏ ăn. Anh Quảng ngậm ngùi: “Hồi ấy, gia đình tui cực lắm. Năm đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, lại hai mẹ già đau yếu luôn. Tui thì trái gió trở trời vết thương cứ hành hạ nhưng vẫn phải nén đau mà đi làm cho có cái ăn cho cả nhà”.

Sang những năm 90, nhờ có những chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của người thương binh ấy đã có những bước khởi sắc. Năm đứa con đã lớn khôn biết phụ giúp ba mẹ việc đồng áng.

Tưởng chừng mọi thứ đã trở nên tốt đẹp hơn nhưng đúng lúc ấy vào năm 1998 mẹ Định đột ngột bị tai biến. Hết lòng chạy chữa và chăm sóc cho mẹ nhưng vì tuổi mẹ quá cao nên mẹ Định bị liệt chỉ nằm một chỗ.

Việc chăm sóc cho mẹ càng trở nên khó khăn, nhưng bằng nghĩa tình mẫu tử, anh bỏ hết mọi công việc, túc trục bên mẹ 24/24 suốt gần 10 năm trời.

Anh Quảng xúc động kể: “Mẹ càng ngày càng yếu, rồi bị lẫn. Có khi mắng chửi ầm ĩ, có khi còn đánh nhưng tui chỉ thấy thương mẹ thôi. Có một người con duy nhất mà lại….”

Những giọt nước mắt của người đàn ông lăn khỏi khóe mắt đã hằn vết thời gian. Sống bằng chính cái tâm của mình đó là điều anh bộ đội Cụ Hồ này tâm huyết nhất. Cứ thế mẹ Định sống cùng với anh Quảng trong mái nhà ấy cho đến cuối đời.

Sau một cơn bạo bệnh mẹ Định đã chút hơi thở cuối vào thàng 2/2007.

Anh Quảng lại thay mặt người con lo toan toàn bộ hậu sự. Những người láng giếng đã xúc động khi nói về nghĩa tình ấy: “Bác Quảng tốt lắm! Nuôi mẹ bạn mà cứ như nuôi mẹ mình có món gì ngon cũng nhường cho mẹ. Đám tang bà ấy to lắm không khác gì con trai ruột lo...”.

3 lần đi tìm hài cốt bạn và một lần nói dối…

Sống cùng trong một làng, cùng “rèo bò, bứt cỏ” với nhau, Hoàng Văn Quảng và Hoàng Văn Ninh coi nhau như anh em trong tiểu đội 4, trung đoàn 27 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Cái chết đã chia lìa tình bạn thân thiết và mối dây liên hệ là người mẹ già mòn mỏi trông con ở nhà. Anh Quảng đã thực hiện lời hứa nhưng trong lòng vẫn đau đáu nguyện ước tìm thấy hài cốt của bạn mình.

Người thương binh xót xa: “Hắn hi sinh khi tui cõng hắn. Lúc nớ tui ngất vì mất máu nhiều, khi tỉnh dậy thì các đồng đội đã đưa hắn đi rồi”. Nỗi dằn vặt chỉ biết chia sẻ cùng vợ.

Người vợ tảo tần hôm sớm đồng cảm với chồng. Một mặt chị động viên anh, một mặt chị cố gắng thu xếp tiền bạc cho anh đi tìm đồng đội để thỏa lòng với người cũ.

Người thương binh xót xa: “Hắn hi sinh khi tui cõng hắn. Lúc nớ tui ngất vì mất máu nhiều, khi tỉnh dậy thì các đồng đội đã đưa hắn đi rồi”. Nỗi dằn vặt chỉ biết chia sẻ cùng vợ.

Vượt đường trường vất vả, tìm đến chiến trường xưa nay đã có nhiều đổi khác, anh thất bại trong chuyến đi đầu. Về nhà nhưng trái tim đôi mắt vẫn hướng về nơi người bạn nằm lại.

Bao đêm thức trắng, 3 tháng sau anh lại khăn gói quả mướp “Nam tiến” tìm người bạn ấu thơ. Vừa đi vừa hỏi, gặp lại những người năm xưa nhưng ai cũng lắc đầu không nhớ. Lấn ná hơn một tuần trên khắp các dải đường, bàn chân còn lại tê liệt không đi nổi anh mới chịu đầu hàng quay về.

Anh tâm sự: “Hai lần đi là hai lần tâm huyết, trí lực và bỏ biết bao công sức để tìm cho bằng được Ninh nhưng thời gian, biến động của thiên nhiên và sự khai hoang của người dân nơi này đã xóa hết dấu vết. Những người cũ không còn nên bây giờ đành chịu đầu hàng trước thực tế. Tuy vậy tui vẫn còn nuôi hi vọng, phải tìm cho ra hắn”.

Ý chí vẫn sục sôi trong đôi mắt anh thương binh ấy. Năm 2006, báo Sài Gòn Giaỉ Phóng đã tổ chức buổi giao lưu và tài trợ cho anh đi tìm mộ liệt sĩ Hoàng Văn Ninh.

Lần này ra đi, anh quyết tâm gặp lại đồng đội cũ và tìm anh Ninh về cho mẹ Định. Thế rồi số phận một lần nữa lại khước từ tấm lòng của anh và nguyện ước của mẹ.

Thành tích của TB Hoàng Văn Quảng

- Huy chương chiến sĩ giải phóng
- Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất
- Bằng khen của Bộ LĐTB&XH
- Đại biểu Hội người khuyết tật, trẻ em mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất
- Báo cáo thành tích làm ăn, chăn nuôi giỏi tỉnh QB năm 2006
- Giải nhì bóng bàn ĐHTDTT Người khuyết tật toàn quốc tại Quảng Trị năm 20007

Anh buộc phải làm một ngôi mộ giả để làm vui lòng mẹ Định trước lúc mẹ qua đời.

Anh trầm lặng: “Cả cuộc đời tui chẳng biết nói dối là gì? Vậy mà trước mẹ tui đã nói dối. Tôi không nỡ để mẹ nặng lòng trước lúc ra đi”.

Lần thứ hai trong cuộc trò chuyện, tôi lại thấy những giọt nước mắt rơi từ khóe mắt con người đàn ông ấy.

Trở về với cuộc sống đời thường, làm theo lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”, anh Quảng đã xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.

3 con đã đi học ĐH và CĐ, 2 con lập gia đình và có kinh tế ổn định. Với mô hình kinh tế: Vườn –rừng- chuồng mỗi năm gia đình đã thu hoạch 4-5 tạ lợn, 4 tấn thóc và có thu nhập tù 12-15 triệu đồng.

Với những thành quả đã đạt được từ việc cải tạo trong sản xuất như trên, anh đã được tuyên dương là tấm gương điển hình sản xuất giỏi trong Đại hội thi đua nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Quảng Bình năm 2006.

Không chỉ có vậy, anh Quảng còn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội như: hội Cựu chiến binh huyện, hội Người Khuyết tật, hội Bảo trợ nạn nhân bom mìn Việt Nam…. Đối với anh: “Sống là phải có ích dù là những việc nhỏ nhất”.

Những gì người thương binh này nói và làm đều đi liền với nhau. Cuộc sống của anh vẫn tiếp nối với những công việc của gia đình và xã hội nhưng trĩu nặng trong anh vẫn là nỗi đau chưa tìm thấy mộ bạn.

Anh khắc khoải: “Còn sống là tui còn đi tìm hắn”. Câu nói ấy luôn trăn trở trong tôi suốt hành trình về nhà và tôi thầm mong anh sớm tìm thấy người bạn thời niên thiếu.

  • Bài và ảnh: Nguyễn Thu Hà