Đặc biệt, những GĐ chính sách, có con em dị tật do dioxin đã thoát nghèo nhờ nghề đan các mặt hàng thủ công xuất khẩu.
Kiên trì gấp đôi
Năm 2004, làng Nam Cường còn nghèo xơ xác, nghề truyền thống đan bồ cót chỉ đem lại thu nhập 2.000 - 3.000đ/ngày, người dân hoàn toàn trông chờ vào mấy sào ruộng. Gia đình ông Tạ Xuân Hinh càng khó khăn hơn bởi 2 trong 4 người con của ông bị động kinh và dị tật bẩm sinh. Sau nhiều ngày trăn trở, với cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Đồng, ông đã đưa nghề đan các sản phẩm xuất khẩu về làng.
Từ lớp học ban đầu với gần 20 người đến nay đã có hơn 300 LĐ trong xã trở thành thợ lành nghề. Hơn 30 hộ thuộc diện chính sách đều có con em được dạy nghề và cung cấp nguyên vật liệu để sản xuất tại gia. Tất cả các lớp dạy nghề đều miễn phí. Dạy đan cho LĐ bình thường mất từ 1-2 tháng, đối với người khuyết tật (KT) đòi hỏi thời gian còn lâu hơn thế.
Ông tâm sự: "Có khi mình phải đến tận nhà để động viên. Với các em cần dịu dàng, kiên trì và nhẫn nại gấp đôi bởi đa phần đều tự ti. Dạy nghề là một phần giúp các em phụ giúp GĐ, một phần để chúng quên đi mặc cảm". Chị Tạ Thanh Toàn bị teo chân tay bẩm sinh đã trở thành thợ khéo léo nhất nhì trong xã. Hiện chị là GV chính dạy nghề cho các em KT. Chị chia sẻ: "Mình cùng cảnh ngộ với các em nên thấu hiểu nguyện vọng của chúng. Dạy tuy vất vả hơn, nhưng khi nhìn các em biết đan thoăn thoắt thấy thật vui".
Nghề phụ thành nghề chính
Những sản phẩm đan lát của Nam Cường được xuất khẩu sang tận Mỹ, Nhật, Australia... Trung bình mỗi tháng có 2.500-3.000 sản phẩm được xuất đi, nghề đan lát thành nghề ổn định, mang lại thu nhập cao cho LĐ trong xã. Một người lành nghề có thể thu được từ 35.000-40.000đ/ngày công. Đối với những NKT năng suất giảm một nửa, nhưng thu nhập 300.000-500.000 đồng/tháng cũng giúp họ trang trải cuộc sống.
Nghề đan lát không chỉ phát triển ở Nam Cường, mà còn được nhiều địa phương ở Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh học tập. Hầu như tuần nào ông Hinh cũng xuống các cơ sở để hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm. Dự định sắp tới của ông là mang nghề đến Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội), nơi có nhiều hộ dân bị thu hồi đất NN nên ông muốn tạo điều kiện cho họ có việc làm trong lúc khó khăn. Không chỉ có vậy, dự án trồng mây ven sông Hồng để bổ sung nguyên liệu của ông đã được thí điểm hơn 2ha tại Lập Thạch (Vĩnh Phúc).
Hành trình chuyển đổi nghề thu nhập thấp sang mây tre đan xuất khẩu là một hành trình gian nan, nhưng người thương binh dám nghĩ, dám làm Tạ Xuân Hinh đã thành công. Những gì ông mang lại không chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế, mà còn là nguồn động viên lớn cho các GĐ chính sách có hoàn cảnh khó khăn.