Bà Nga ở xã Phú Thạnh làm lụng kiếm sống trên mảnh đất nhiễm mặn -Ảnh: V.Tr. |
>> Kỳ 1: Làng quê còn là khế ngọt?
>> Kỳ 2: Một thôn 5 nhà máy
>> Kỳ 3: Ai bảo trồng cà phê là giàu?
>> Kỳ 4: Chuyện ở Minh Thuận
Mỗi năm một vụ lúa
Cù lao Lợi Quan bây giờ đã được khoác lên mình chiếc áo mới toanh: huyện mới Tân Phú Đông (trước kia thuộc hai huyện Gò Công Tây và Gò Công Đông). Dọc con đường đá đỏ dẫn vào trung tâm huyện là trụ sở "dã chiến" của các cơ quan hành chính đang được cấp tốc xây dựng bằng tôn. Đó là điều mới mẻ nhất ở cù lao này.
Đi sâu về các xã cù lao Phú Thạnh, Phú Đông và Phú Tân vẫn chỉ là hình ảnh khắc khổ đã có từ những năm trước. Bên kia đất liền vụ lúa hè thu đã lên cỡ một gang tay, xanh mướt cả góc trời. Còn ở đây đất đai vẫn cứng như đá, xì phèn vàng quạch, nhiều vườn dừa chết trụi, trơ thân. Bà Nguyễn Thị Nga (72 tuổi, ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh) cho hay: "Mưa cả tháng nay mà đất cũng chưa chịu mềm, phèn cũng chưa xả hết, sốt ruột quá! Ở xứ này không có lúa ăn thì coi như chết đói, mà mỗi năm làm có một vụ thôi".
Bà Nga kể ngày trước cù lao Lợi Quan không có đê bao, không có cống đập mà người dân sống khỏe, cây cối tốt tươi. Hết sáu tháng nước mặn thì sáu tháng nước ngọt mặc sức trồng lúa, trồng rau màu, nuôi gia súc, gia cầm. Dưới kênh, rạch tôm cá, cua, còng nhiều vô kể. Có khi cả tháng trời gia đình bà không mất một đồng đi chợ vì hầu như mọi thức ăn cần thiết đều được thiên nhiên ban tặng. Rồi khoảng năm 1995, người ta đắp con đê phía sông Cửa Đại để ngăn mặn, chống triều cường. Kể từ đó tôm, cá, cua, còng dần dần biến mất. "Bây giờ đi kiếm được con cua, con còng mất hết cả ngày. Cái gì cũng phải mua mà không làm gì ra tiền cả. Cuộc sống ngày càng khó khăn, chẳng biết rồi đây sẽ ra sao nữa, bao năm qua cày ải mà vẫn nghèo" - giọng bà Nga buồn buồn.
![]() |
Ruộng đồng bị nhiễm mặn, vườn dừa chết trụi. Đó là những hình ảnh thường thấy ở cù lao Lợi Quan - Ảnh: V.Tr. |
Trong căn chòi lá nho nhỏ gọi là "tiệm tạp hóa" của bà Phan Thị Kết ở ấp Bà Lắm, bà Kết kể bà có năm người con, lớn nhất 30 tuổi, nhỏ nhất 20 tuổi. Cũng như bao bậc làm cha làm mẹ khác, bà Kết cũng ao ước cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Nhưng rồi chỉ có người con út học hết lớp 9, những người còn lại chưa hết tiểu học đều phải rời ghế nhà trường đi làm thuê kiếm sống.
"Con gái út của tôi ham học lắm. Lên được lớp 10, cả nhà mừng như trúng số, nhưng không có tiền học. Tôi đành nuốt ngược nước mắt vào lòng nhìn nó đạp xe lên thành phố xin việc làm. Bây giờ tôi lại hi vọng đứa cháu ngoại chín tuổi đang học lớp 3, nhưng chẳng biết có lo nổi cho nó không" - bà Kết tâm sự.
Chuyện của gia đình bà Kết cũng giống như phần lớn gia đình ở ba xã cù lao này. Chủ tịch UBND xã Phú Đông Lưu Văn Hải cho biết toàn xã có 6.700 nhân khẩu, trong đó khoảng 2.000 thanh niên trong độ tuổi lao động, nhưng có tới 70% trong số này đã bỏ xứ đi làm ăn xa. Người già, trẻ con ở cù lao này ở lại chủ yếu để giữ đất đai của tổ tiên, ông bà để lại và cố gắng gieo trồng với hi vọng có thêm ít gạo, ít rau. Ông Hải cũng thừa nhận nhà cửa ở cù lao mọc lên nhiều hơn, nhưng đa số được xây dựng từ tiền của những người con tha hương gửi về. "Toàn xã có tới 29% hộ nghèo và 15% hộ cận nghèo, họ lấy tiền đâu mà cất nhà. Trận bão cuối năm 2006 vừa qua làm sập gần 1.000 căn nhà của xã Phú Đông, Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu tiền thì họ cất nhà bấy nhiêu chứ đâu có tiền bỏ vô thêm" - ông Hải cho biết.
Nuôi tôm thất bại liên tiếp
Những năm qua tỉnh Tiền Giang đã chi cả trăm tỉ đồng vào các dự án ở đây, chủ yếu ở ba xã nghèo nhất là Phú Thạnh, Phú Đông và Phú Tân. Dọc sông Cửa Đại, có đê ngăn mặn cho hai xã Phú Thạnh và Phú Đông; ở xã Phú Thạnh có dự án thủy lợi nuôi trồng thủy sản; xã Phú Tân và Phú Đông cũng có các dự án nuôi trồng thủy sản. Ông Lưu Văn Hải cho biết ở đây một số nơi nuôi tôm được thì người dân nơi khác tới thuê đất nuôi, chứ dân địa phương không có vốn. Gần đây việc nuôi tôm thất bại liên tiếp.
Theo ông Kiều Mạnh Minh - giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Tiền Giang, cũng vì nuôi tôm thất bát mà hiện nay người dân các xã này đang mắc nợ ngân hàng hơn 50 tỉ đồng, trong đó có khoảng 50% thuộc diện khó thu hồi vì dân quá nghèo. "Tôi cho rằng việc đưa dự án thủy sản xuống vùng đất này với mong muốn người dân sẽ khá lên, từ nhà tranh ngủ một đêm thành nhà ngói là sai lầm. Nông dân không vốn, không kinh nghiệm mà bắt nuôi tôm chẳng khác nào hại họ” - ông Minh tâm sự.
Nhiều dự án nuôi trồng thủy sản bị phá sản không chỉ để lại số nợ hàng chục tỉ đồng mà còn làm cho vùng đất này bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Khôi ở ấp Lý Quàn 2, xã Phú Đông, nói hồi trước không có đê bao, cống đập thì nước triều lên xuống tự nhiên. Nước mặn tràn qua cù lao nhưng do đất không bị nứt nẻ nên nước mặn không thấm sâu vào lòng đất. Tới mùa nước ngọt, đất đai được xả phèn rất nhanh nên trồng lúa, rau màu gì cũng tốt.
Sau khi đắp đê làm các dự án thủy sản, đất đai chết dần. Mùa khô ruộng đồng đang nứt nẻ thì người ta lấy nước mặn vào nuôi tôm làm đất bị nhiễm mặn hơn. Đó là do vì sao mùa mưa đã bắt đầu hơn một tháng mà đất vùng này vẫn chưa xuống giống được. Bốn công đất của ông Khôi cũng nằm trong vùng dự án thủy sản của xã Phú Đông, nhưng ông nhất định không nuôi tôm, một phần vì ông hiểu đất đai ở đây, một phần vì không có vốn. Bây giờ khi dự án thủy sản đã "chết", đất trồng lúa của ông và nhiều người dân khác trong ấp cũng bị nhiễm mặn không trồng lúa được.
Ở xã Phú Đông, Phú Tân bây giờ kiếm đỏ con mắt cũng chưa có người học ĐH, còn thanh niên học hết THPT chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ông Đỗ Văn Chiến (ở ấp Lý Quàn 2) nói mười đứa con của ông đều ly hương từ nhiều năm trước. Ở tuổi 82, mình ông Chiến ở nhà trồng sả bán kiếm tiền mua gạo trong khi con cháu xa nhà. Bà con chòm xóm vẫn nghèo, trai gái lớn lên đi làm ăn xa. Cù lao thơ mộng này đang mất dần màu xanh, những rừng dừa xanh bát ngát trên cù lao ngày xưa không còn nữa. Vườn dừa của ông bây giờ chỉ còn bốn cây, tất cả chết trơ thân vì dịch hại và nước mặn.
VÂN TRƯỜNG
____________________________
Và nhiều người lần lượt ly hương. Nhiều người ở miền Tây rủ nhau bỏ vườn, bỏ ruộng để ra Cần Thơ, lên TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... tìm việc.
Kỳ tới: Lên thành phố!
▪ 31 năm nuôi mẹ bạn, 1 lần nói dối và... (26/07/2008)
▪ Stylist - nghề “hot” trong giới trẻ (26/07/2008)
▪ Nhờ mây tre... thoát nghèo (25/07/2008)
▪ Tôn vinh 100 công nhân xuất sắc trong lao động sản xuất (25/07/2008)
▪ Bỏ phồn hoa về với quê nghèo (25/07/2008)
▪ Vẫn thiếu lao động trung và cao cấp (24/07/2008)
▪ Chàng trai dệt vải... (22/07/2008)
▪ Lãng phí nhân lực xuất khẩu lao động (19/07/2008)
▪ Lỡ việc vì... vốn (19/07/2008)
▪ Quảng Nam: Cá lóc “khủng” nuôi cảnh (18/07/2008)