 | Ảnh minh họa. | | Hanoinet - Giám đốc, thư ký và lái xe vui vẻ trở về sau bữa ăn trưa ngon miệng. Bỗng một ông già râu tóc bạc phơ hiện ra. Cậu thư ký nhanh nhảu: “Hình như là ông tiên, có thể có 3 điều ước đấy…”. Ông già: “Đúng, ta là tiên, ta cho các con 3 điều ước”. Với cán bộ công nhân viên chức, công sở là ngôi nhà thứ hai của mình. Ở đó, họ làm việc, sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, giao du, kết bạn... Giao tiếp, ứng xử ở công sở có ý nghĩa rất lớn trên con đường công danh, sự nghiệp của mỗi người. Được yêu mến hay bị thù ghét, được tôn trọng hay bị khinh bỉ, được khen ngợi hay bị chê trách… đều phụ thuộc rất nhiều vào cách mỗi người thể hiện mình. Gia đình và Trẻ em mở chuyên mục “Chuyện công sở” để nói về điều này. Mong nhận được sự hưởng ứng của bạn đọc. Ngụ ngôn hiện đại Giám đốc, thư ký và lái xe vui vẻ trở về sau bữa ăn trưa ngon miệng. Bỗng một ông già râu tóc bạc phơ hiện ra. Cậu thư ký nhanh nhảu: “Hình như là ông tiên, có thể có 3 điều ước đấy…”. Ông già: “Đúng, ta là tiên, ta cho các con 3 điều ước”. Có 3 người, như vậy là mỗi người được một điều ước. Lái xe nói với giám đốc: “Ở cơ quan, anh khi nào cũng là nhân vật quan trọng nhất, anh luôn luôn là người đứng đầu, ăn trước, nói trước. Hôm nay anh cho bọn em được ước trước nhé!”. Giám đốc cười dễ dãi: “Nhất trí thôi”. Lái xe ước được rời thành phố bụi bặm, đến với Hòn Ngọc Việt xinh đẹp ở biển Nha Trang với một cô gái tuyệt mỹ. Điều ước trở thành hiện thực ngay tức thì. Thư ký ước được đi học tại trường Harvard của Mỹ. Vừa dứt lời, cô đã có mặt tại giảng đường lộng lẫy bên kia đại dương. Sau khi chứng kiến hai nhân viên thân cận thực hiện được những điều kỳ diệu, giám đốc tính trong đầu: Hôm nay phải lên tổng công ty nộp báo cáo, thế mà… Và giám đốc lễ phép nêu điều ước với ông tiên: “Con ước một điều giản dị: đầu giờ làm việc buổi chiều, thư ký của con có mặt ở phòng làm việc để sửa báo cáo; lái xe kiểm tra máy móc, xăng dầu để chuẩn bị lên tổng công ty”. Ông tiên là người khách quan và không thất hứa bao giờ, đương nhiên là ông thực hiện điều ước của giám đốc. Thế mới biết khó mà qua mặt được thủ trưởng, khi ông thực tế và tỉnh táo. Thủ lĩnh hội “buôn”, khó đấy! Muốn hay không thì chị em phụ nữ đến cơ quan cũng không thể “ngậm tăm” suốt 8 giờ vàng ngọc được. Ở đâu cũng vậy, phụ nữ phải trao đổi thông tin với nhau chứ! “Trung tâm thông tin” của văn phòng Tổng công ty xuất nhập khẩu hoạt động rất đều đặn, vui vẻ và bình đẳng. Ở đấy tất cả mọi người đều có thể làm “thủ lĩnh” nếu có thông tin hay và đắt giá. Nhưng từ ngày Mộng Liễu xuất hiện, cô dường như nắm vai trò thủ lĩnh. Mộng Liễu ăn nói lưu loát, thạo tin, dường như biết mọi chuyện “đông tây kim cổ”. Nói đến người đẹp này, diễn viên nọ, cô đều có thể tham gia và bình luận rất sắc sảo. Hơn nữa, khi nói về các nhân vật tầm cỡ thế giới, Mộng Liễu cũng tỏ ra rất “am tường”, mặc dù thông tin của cô nhiều khi không đúng với thực tế. Nhiều người trong “hội” bắt đầu khó chịu với Mộng Liễu, nhưng họ chưa biết phải làm thế nào, chỉ mới đặt cho cô biệt danh là “Biết Tuốt”. Một hôm “hội” đang sinh hoạt sôi nổi, Mộng Liễu đang thao thao bất tuyệt về người đẹp Điêu Thuyền ngày xưa trang điểm như thế nào, nội y ra sao thì một người đến muộn hỏi: - Này Mộng Liễu “Biết Tuốt” ơi! Napoleon là anh hay là em của Nã Phá Luân? Không cần suy nghĩ lâu, Mộng Liễu trả lời ngay: - Napoleon là anh của Nã Phá Luân. Nghe xong câu trả lời, người đó kín đáo mỉm cười; vài người nữa che miệng tỉm tủm. Có người nói nhỏ: “Trời ạ, bốc phét thì cũng phải biết chừng mực chứ! Ai chẳng biết Nã Phá Luân cũng chính là Napoleon, chỉ là cách gọi theo âm Hán Việt mà thôi”. Lúc này Mộng Liễu “Biết Tuốt” mới đỏ bừng mặt. Đừng “ác” một cách vô tư! Mận vốn là một cô giá nhà quê, ngoan hiền. Nhan sắc của cô vào loại trên trung bình: dáng người thấp, đậm, da nâu, mắt to. Nổi bật nhất ở Mận là mái tóc dài, đen nhánh và giọng nói mộc mạc của vùng quê miền Trung. Khi về nhận công tác ở cơ quan, có chàng trai chăm chỉ, hiền lành cảm mến sự chân chất, dung dị của Mận. Anh hay tìm cách tiếp cận Mận để được nhìn mái tóc và nghe giọng nói du dương. Nhưng sống giữa “đội ngũ chân dài” váy áo lộng lẫy, Mận có vẻ thiếu tự tin. “Nhập gia phải tuỳ tục”, hàng ngày tiếp xúc, chuyện trò với những người đẹp và diện ngất trời, Mận không thể quê mùa mãi được. Cô thỏ thẻ xin ý kiến các chị về cách ăn mặc, kiểu tóc, dáng đi… Mấy chị “mắt xanh, mỏ đỏ, váy ngắn” nhấm nháy nhau tổ chức “hội thảo” để biến đổi Mận. Có người cứ lấy tiêu chuẩn của mình làm “gốc” bắt Mận phải theo, cũng có kẻ muốn “phá” Mận cho vui… Kết quả là Mận có một lô áo với màu rất “sắc”: vàng chanh, nõn chuối, hồng cánh sen; váy thì ngắn và bó. “Đau” nhất là mái tóc dài suông đen bóng đã biến thành mái tóc tém màu râu ngô. Đôi chân to, ngắn và nhiều lông được phô trong chiếc váy chật và ngắn, trông rất tức mắt. Đã thế, Mận còn cố tập nói ngọng, giả vờ không phân biệt được “ch” với “tr”, “s” với “x”.
Những người khác trông thấy Mận thì dớn mày, lắc đầu, chép miệng một cách thương cảm. Chỉ có “đội” chân dài là vô tư cười nói giả lả, có người còn cho rằng, đã lập được “chiến tích” khi biến một cô gái chân quê thành một “gã da màu”. Chỉ có chàng trai “cảm” Mận ngơ ngác trong chua xót. Anh ta không dám tới gần Mận nữa. Mận thì vẫn vui vẻ, hồn nhiên; cô chỉ hơi băn khoăn là chàng trai hiền lành sao không thấy xuất hiện nữa. “Ác” một cách vô tư như vậy có nên không?! Theo Gia Đình & Trẻ Em |