Dồn dập đình công không chỉ vì lương
Các Website khác - 05/01/2006

(VietNamNet) - Ngày 5/1, nhiều cuộc đình công tại các Khu chế xuất, KCN ở hai địa phương Bình Dương và TP.HCM tiếp tục diễn ra. Vì sao?

Tiền lương thực tế của người lao động giảm sút...

Sáng 5/1, tại KCN Sóng Thần (Bình Dương), hơn 1000 công nhân (CN) của Công ty Beautech Vina (công ty 100% vốn Đài Loan, sản xuất áo sơmi) kiên nhẫn đình công cho đến khi Ban giám đốc công ty đưa ra những chính sách hợp lý về tiền lương.

Cuộc đình công của công nhân công ty này đã diễn ra ngay từ những ngày đầu tháng 1/2006. Lý do khiến họ đình công là yêu cầu phải được tăng lương tối thiểu vì với mức lương căn bản 620.000 đồng/ tháng không đủ sống cho công nhân, chưa nói đến việc tích góp hay gởi về gia đình.

Soạn: AM 669797 gửi đến 996 để nhận ảnh này

CN đình công sáng ngày 5/1 tại Công ty Yaban Chain Industrial (Bình Dương).

Qua nhiều lần thương lượng, lãnh đạo Công ty Beautech Vina đồng ý tăng thêm 50.000 đồng/ người với điều kiện phải hoàn thành 1.200 thành phẩm trước 18h mỗi ngày (thay vì 20h-2h30 như bình thường). Nếu làm chậm sẽ không được tính tiền tăng ca, đồng nghĩa với việc “làm không công”.

Thái độ giải quyết nửa vời của Công ty Beautech Vina đã làm cho CN vô cùng bức xúc. CN phản đối vì cho rằng công ty “ép” sản lượng. Chị N.T.N.L nói: “Chúng tôi làm việc cật lực cũng không thể hoàn thành nổi chỉ tiêu ấy!. Khoán thành phẩm như vậy chẳng khác nào dồn CN vào đường cùng”.

CN Công ty Beautech cũng phản ánh họ thường làm việc đến 22h mới được nghỉ. Người chưa hoàn thành định mức công việc thì phải làm đến 0h cho đến 2h sáng ngày hôm sau. Việc tăng ca quá tùy tiện khiến nhiều nữ CN liên tục bị kiệt sức ngất xỉu.

Nằm ngay bên cạnh, CN Công ty Eins Vina (100% vốn của Hàn Quốc, sản xuất hàng may mặc), khoảng 400 CN cũng đình công từ ngày 4/1 với những lý do tương tự.

Cách đó vài con đường, CN Công ty TNHH Yaban Chain Industrial (chuyên sản xuất sên xe) cũng đồng loạt đình công đòi tăng lương tối thiểu. Anh L.V.B cho biết, lương công ty trả quá thấp. Chìa ra ngón tay trỏ đã bị đứt mất một đốt, L. cho biết, từ hồi anh bị tai nạn lao động anh chưa hề nhận được khoản trợ cấp tai nạn lao động. Nhiều CN ở đây bị tai nạn trong quá trình làm việc cũng không nhận được gì ngoài số tiền viện phí, thuốc men.

Tại Công ty TNHH Full in cũng có khoảng trên 400 CN đình công với lý do tiền cơm trưa không phù hợp. Trong thông báo mà công ty này niêm yết trước cổng ra vào nêu rõ: vẫn giữ nguyên mức lương như cũ; không trừ tiền cơm 2.000 đồng/ ngày của CN.

Ông Yang Min Neng- Giám đốc công ty cho biết, công nhân đồng ý với hai điều kiện trên thì 13h ngày 5/1 sẽ làm việc bình thường, lương vẫn tính đủ 1 ngày làm việc. Nếu công nhân viên nào không làm việc thì áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định của công ty và luật lao động.

Về yêu cầu đòi tăng mức lương cơ bản. Ông Yang Min Neng cho biết thêm, sẽ áp dụng điều chỉnh mức lương cho CN nếu nhà nước ra công văn mới. Bên cạnh thông báo của công ty là những bảng thông báo tuyển công nhân được dán đầy bờ tường.

Điều dễ nhận thấy ở các cuộc đình công trên là phần lớn xảy ra ở các DN FDI (DN có vốn đầu tư nước ngoài). Việc lương của CN công ty này tăng ảnh hưởng dây truyền đến phản ứng của CN đang làm việc ở công ty khác. Một CN đình công nói với chúng tôi: “ Phần lớn lương của CN trong khu chế xuất đều tăng nhưng lương của công ty em thì lại không nên tụi em đình công”.

Khởi điểm của làn sóng đình công rầm rộ hiện nay theo đánh giá khởi đầu từ TP.HCM. Tại TP.HCM, do sức ép đình công của CN quá lớn, Công ty KOLLAN và HUGO (Hồng Kông, sản xuất hàng may mặc); Công ty LATEX (Đài Loan, sản xuất gia công giầy da), đã tạm thời cho công nhân nghỉ làm từ ngày 4-5/1/2006.

Một số Công ty đã thỏa thuận được với CN đình công, thuyết phục họ trở lại làm việc như: Công ty Yuji (Hàn Quốc, sản xuất dụng cụ gia dụng bằng thép). CN của công ty này đã đồng ý làm việc trở lại sau khi Ban giám đốc xem xét giải quyết một số kiến nghị của CN như: điều chỉnh trợ cấp 100.000 đồng/người, tạm ứng 50% lương tháng 1/2006, công bố số ngày nghỉ Tết.

Công ty KP (công ty Mỹ nằm trong Khu chế xuất Tân Thuận, chuyên sản xuất nữ trang) cũng đã giải quyết thỏa đáp ứng yêu cầu tiền thưởng Tết, giải quyết các kiến nghị của CN. Tuy nhiên, đến ngày 5/1, vẫn còn xảy ra 5 vụ đình công tại TP.HCM.

...Quyền lợi cơ bản của người lao động không được đảm bảo

Trước việc CN ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương đình công đòi tăng lương tối thiểu. Ông Phạm Văn Tuấn- Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết, các DN vẫn sẽ áp dụng mức lương tối thiểu là 556.000 đồng/ tháng cho đến khi có quy định mới của Chính phủ.

Soạn: AM 669799 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Những mất mát của người lao đông, ai chịu trách nhiệm?.

Việc CN của hàng loạt công ty FDI ở Bình Dương đình công có phải chỉ vì mức lương tối thiểu quá thấp hay không?

Theo kết quả báo cáo về việc thực hiện các quy định của nhà nước đối với 59 DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong 40 DN mà đoàn đã kiểm tra, chỉ có 2 đơn vị thực hiện tương đối đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ Luật lao động, Luật công đoàn gồm: Công ty TNHH Đông Hòa và Công ty TNHH Phước Thành.

38 đơn vị còn lại không thực hiện đầy đủ các quy định như: không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động không đầy đủ với công nhân; không đăng lý lao động với cơ quan lao động; không thực hiện báo cáo định kỳ tình hình sử dụng lao động, tình hình tai nạn lao động với cơ quan lao động; thực hiện các chế độ BHYT, BHXH, lế Tết, chế độ tăng ca, làm đêm, làm thêm giờ không đúng theo quy định…

Chỉ có 9/40 đơn vị 100% số lao động đều được ký hợp đồng lao động; 4 đơn vị chưa ký hợp đồng lao động với người lao động, gồm: Công ty TNHH Quang Vinh, Thành Đạt, Huy Hoàng, Vĩnh Phước Lộc,

Các đơn vị còn lại ký hợp đồng lao động với người lao động không đầy đủ. Theo trình bày của các đơn vị, do số lao động không ổn định, ra vào thường xuyên, nhiều lao động không chịu ký hợp đồng lao động do sợ bị trừ lương khi tham gia BHXH. Tuy nhiên qua kiêm tra, số lao động làm việc ổn định tại các đơn vị chiếm tỷ lệ không lớn, dao động khoảng từ 10- 30%.

Kiểm tra bảng lương, đoàn thanh tra phát hiện nhiều công nhân làm việc liên tục trên 3 tháng nhưng không được hưởng chế độ nào khác ngoài lương hay nhiều công nhân làm việc có tính chất thường xuyên nhưng chỉ được ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng.

Theo nhận định, việc làm trên của các DN là nhằm tránh né việc trích nộp BHXH. Như vậy, những cuộc đình công rầm rộ cuối năm tại Bình Dương không đơn thuần là vì mức lương cơ bản quá thấp mà còn vì những quyền lợi cơ bản của người lao động không được người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ.

Soạn: AM 669877 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Làn sóng đình công đã từ TP.HCM đã tràn sang Bình Dương.

Riêng tại TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó chủ tịch thường trực UBND TP đã có văn bản kiến nghị Chính Phủ xem xét mức lương tối thiểu áp dụng trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo ông Nhân, một trong những nguyên nhân chính khiến CN trong các DN FDI đình công liên quan đến việc áp dụng Quyết định số 708/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 15/6/1999 của Bộ Lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH). Theo đó, quy định mức lương tối thiểu trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo tỷ giá trao đổi ngoại tệ tại thời điểm ngày 1/7/1999 là 13.910 đồng/ USD là không còn phù hợp với tỷ giá hiện tại.

Được biết, ngày 31/12/2005, Bộ LĐTB&XH và Tổng Liên đoàn Lao đông Việt Nam có công văn số 4510/BLĐTBXH-TLĐLĐVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu trong DN có vốn đầu tư nước ngoài trong đó có nêu: “Mặt bằng tiền công trên thị trường tăng bình quân khoảng 40%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 28% và tỷ giá trao đổi giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ tăng 14% đã làm cho tiền lương thực tế của người lao động giảm sút”. UBND TP.HCM cho biết rất đồng thuận với nhận định này của Bộ LĐTB&XH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chính vì vậy, UBND TP.HCM vừa đề nghị Thủ tướng chính phủ xem xét ban hành phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu trong DN có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian sớm nhất nhằm bảo đảm đời sống cho người lao động cũng như góp phần ổn định tình hình trên địa bàn TP.HCM.

  • Trần Duy