![]() |
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã dần chủ động được khâu thiết kế |
Những nhãn hiệu như Hoàng Tấn, Ninomax, PT 2000 rồi May 10 hay Việt Tiến giờ đã trở nên khá quen thuộc với người tiêu dùng trong nước. Các doanh nghiệp may mặc VN đang đặt mục tiêu tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm bằng cách chủ động hơn trong khâu thiết kế.
Trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng có thể mua được những chiếc áo sơ mi với rất nhiều mức giá khác nhau, từ 10.000-20.000 đồng/chiếc đến 300.000 đồng/chiếc. Thậm chí, áo sơ mi của An Phước, Việt Tiến có thể được bán với giá lên tới 500.000-700.000 đồng/chiếc. "Nguyên liệu có thể không khác nhau là mấy, nhưng giá trị của chiếc áo nằm ở khâu thiết kế và thương hiệu của sản phẩm", ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may nhận xét. Theo ông, các nhãn hiệu do doanh nghiệp VN tạo nên như Hoàng Tấn, Ninomax, PT 2000, Việt Tiến, May 10... tuy chưa phải tất cả đã kết nối được với các nhà nhập khẩu nước ngoài nhưng đã dần được người tiêu dùng trong nước chấp nhận và khá "có tiếng" trên thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Đình Trường, Tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến cho biết, nắm bắt được xu thế thời trang của thế giới là hướng về thiên nhiên và tạo cho người sử dụng một sự thoải mái nhất, Việt Tiến đã quyết định xây dựng thương hiệu Vee Sendy với phương châm "Mỗi ngày là một ngày mới". Với đội ngũ thiết kế được đào tạo khá bài bản, những mẫu quần áo của Vee Sendy đã được người tiêu dùng trong nước và một số nhà nhập khẩu nước ngoài đánh giá tốt. Ông tiết lộ, vừa qua, công ty đã nhận được 3 hợp đồng của các đối tác ở Australia, Mỹ và Đức đặt mua thử các mẫu quần áo Vee Sendy với giá trị mỗi hợp hợp đồng là 100.000 USD.
Nhanh chân hơn Việt Tiến, Công ty may Sài Gòn 2 đã xây dựng nhãn hiệu Sanding từ vài năm nay. Ông Ngô Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty kể, mỗi tháng công ty phải cho ra một mẫu mới để theo kịp xu hướng của người tiêu dùng. Với nhãn hiệu Sanding, trung bình mỗi năm Sài Gòn 2 thu về khoảng 40 tỷ đồng. Riêng năm nay, doanh thu từ Sanding chiếm đến 30% tổng doanh thu của công ty.
Theo ông Lê Quốc Ân, những ví dụ trên cho thấy, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã rất nỗ lực trong việc tìm một hướng đi mới cho mình. Thay vì chỉ làm gia công - tức là sản xuất rập khuôn theo những mẫu mà đối tác đưa ra như trước đây, doanh nghiệp cũng dần chủ động hơn trong khâu thiết kế mẫu mã nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, khâu thiết kế vẫn là khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay. Ông Nguyễn Đình Trường nhận xét, trình độ thiết kế thời trang của VN vẫn còn non kém, chưa có những trường dạy chuyên nghiệp, lực lượng những nhà thiết kế trẻ dù đã được đào tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thường xuyên thay đổi của người tiêu dùng.
Ông Justin Huang, Tổng thư ký Liên đoàn Dệt may Đài Loan cho biết, cách đây hơn 10 năm, ngành may mặc của Đài Loan cũng tương tự như VN hiện nay, phần lớn làm hàng gia công và khâu thiết kế rất yếu. Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của việc phải tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa, Đài Loan mạnh dạn đầu tư lớn cho việc đào tạo đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp. Phương pháp họ đưa ra là gửi nhân lực sang những trung tâm thời gian lớn của thế giới như Paris (Pháp), New York (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản) để học tập, nghiên cứu.
"Ngành may mặc của VN rất có tiềm năng phát triển. Tôi đã tới TP HCM và Hà Nội. Tôi thấy người VN rất quan tâm tới lĩnh vực thời trang và khá cầu kỳ trong cách ăn mặc. Nếu tăng được năng lực thiết kế, tương lai ngành dệt may VN sẽ rất tươi sáng", ông Justin Huang nói thêm.
Ông Lê Quốc Ân cho biết, trong thời gian tới, ngành dệt may VN sẽ gửi người ra nước ngoài đào tạo, tiếp cận với xu hướng thời trang tại các thị trường mục tiêu. Song, đây là một kế hoạch dài hơi, để đào tạo được những nhà thiết kế giỏi, chuyên nghiệp không phải là chuyện một sớm một chiều. Vì thế, trước mắt, ông Ân cho biết sẽ mời các chuyên gia thiết kế nước ngoài sang hợp tác, giúp đỡ VN trong khâu thiết kế và cả đào tạo. Để có thể chủ động được đơn hàng, ngành dệt may VN đặt mục tiêu trong thời gian tới xây dựng hai trung tâm nguyên liệu ở Hà Nội và TP HCM.
Chiều 22-12, tại khách sạn Deawoo Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Liên đoàn dệt Đài Loan đã ký kết một thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực dệt may. Theo đó, hai bên sẽ có những bước tiến mới về kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực dệt may và Đài Loan sẽ giúp Việt Nam năng lực tăng cường thiết kế thời trang. Ông Lê Quốc Ân cho biết, trên cơ sở những hợp tác đã đạt được trong những năm qua, ngành dệt may Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Đài Loan tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực dệt may, thiết kế thời trang, xây dựng thương hiệu và lập mạng lưới phân phối trên thế giới. |
VNExpress
▪ Hàn Quốc mở nhiều "kênh" tiếp nhận lao động Việt Nam (26/12/2005)
▪ Đi “chợ lao động” cuối năm (25/12/2005)
▪ Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội lại bị kiện (25/12/2005)
▪ Lao động nữ thường phải làm thêm giờ (23/12/2005)
▪ 7 nghề thú vị nhất trong tương lai (23/12/2005)
▪ 11 tháng đầu năm, đưa gần 64.000 người đi XKLĐ (21/12/2005)
▪ Anh vá xe thành nhà tạo mẫu tóc (21/12/2005)
▪ Vụ cưỡng hiếp 50 LĐ Việt: "Yêu râu xanh" được tạm tha (15/12/2005)
▪ TP.HCM: Thức ăn "bèo", công nhân bị ngộ độc liên tục (14/12/2005)
▪ TP.HCM: Rối ren Trung tâm giới thiệu việc làm (06/12/2005)