Lao động Việt Nam: thiếu văn hóa nghề
Các Website khác - 01/08/2008

 

Thợ xây dựng - một trong các đối tượng cần được trang bị kiến thức văn hóa nghề
Đi muộn về sớm, không làm đủ 8 giờ, thiếu trách nhiệm với công việc, bỏ việc khi không vừa ý, có cơ hội là bỏ trốn (đối với lao động làm việc ở nước ngoài)... Những hành vi thiếu văn hóa nghề này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đội ngũ lao động.    

Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam, cho biết Việt Nam hiện có trên 1.000 cơ sở dạy nghề, mỗi năm đào tạo khoảng 1,5 triệu lao động, tuy nhiên vẫn thiếu lao động có chất lượng. Văn hóa nghề chưa được trang bị đầy đủ là một trong những yếu tố tạo nên điều này.

Còn ông Vũ Tuấn Anh (Viện Kinh tế Việt Nam) nêu vấn đề nổi cộm trong XKLĐ, gói gọn trong "3 không" (không có nghề, không biết ngoại ngữ, không có tác phong công nghiệp). Theo ông, người lao động đăng ký đi XKLĐ được học một khóa nghề và ngoại ngữ cấp tốc nên tác phong làm việc, kiến thức về pháp luật và văn hóa ứng xử đều chắp vá.

Một số người không tuân thủ pháp luật nước sở tại, chơi cờ bạc, uống rượu, đánh nhau... Tình trạng lao động xuất khẩu bỏ trốn xảy ra phổ biến tới mức một số thị trường không muốn tiếp nhận lao động Việt Nam. Đó là do người thiếu một "phông" văn hóa cần thiết.

TS Nguyễn Văn Ngàng - phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - đề nghị Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu đưa văn hóa nghề trở thành một môn học cơ bản để giảng dạy trong các trường nghề, có như vậy mới giúp học sinh và người lao động lựa chọn, học và làm đúng nghề.

Về điểm này, bà Nguyễn Thị Hằng cho biết: "Hội Dạy nghề sẽ thành lập trung tâm văn hóa nghề để khảo sát, nghiên cứu, từ đó có sự cụ thể hóa giáo dục chính trị, đạo đức đối với hệ thống các trường nghề để hình thành bộ môn văn hóa nghề". Chỉ khi được trang bị kiến thức về văn hóa nghề, một người thợ lành nghề mới trở thành một người lao động chuyên nghiệp.

Tiêu chí đánh giá và nhận biết văn hóa nghề gồm 5 yếu tố: kiến thức nghề; trình độ tay nghề; đạo đức nghề; thái độ hành nghề; sự nhận biết, khả năng xây dựng và thích nghi môi trường. 

Đưa văn hóa nghề trở thành bộ môn giảng dạy trong chương trình đào tạo nghề chính là sự trăn trở của không ít nhà quản lý các cơ sở dạy nghề hiện nay. PV Lao Động đã ghi ý kiến của một số lãnh đạo, giáo viên các trường dạy nghề cả nước về vấn đề này.

Nhà giáo ưu tú Hoàng Công Thi - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Lilama 1: Phải coi trọng giáo dục văn hóa nghề

Một minh chứng cụ thể: Tại hội thi tay nghề ASEAN, thí sinh Việt Nam có kỹ năng nghề nhưng không đoạt giải cao - một trong những nguyên nhân là do tác phong làm việc, bố trí nơi làm việc chưa khoa học, thiếu tính chuyên nghiệp. Vì vậy, các cơ sở đào tạo nghề cần chú trọng trang bị cho HS-SV tri thức về văn hóa nghề để khắc phục những điểm yếu trên, bắt đầu từ các bài, môđun.

Hơn nữa, trước đây chủ sở hữu doanh nghiệp chủ yếu là Nhà nước, vì vậy văn hóa doanh nghiệp thống nhất và ổn định. Với xu thế cổ phần hóa và phát triển kinh tế nhiều thành phần như hiện nay, tôi cho rằng vấn đề giáo dục văn hóa nghề cho người lao động càng phải coi trọng. 

Ông Nguyễn Minh Tâm - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Vinashin: Cần nghiên cứu kỹ bộ giáo trình môn văn hóa nghề

Giáo viên của trường tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở các em có ý thức về đạo đức, kỹ năng nghề. Nếu đưa văn hóa nghề thành một bộ môn riêng, được đào tạo bài bản thì hiệu quả sẽ nhân lên rất nhiều. Giáo trình hoàn chỉnh của môn cũng nên nghiên cứu kỹ trên cơ sở chương trình khung của Bộ LĐ-TB&XH với số lượng tiết học và các buổi giảng thí điểm.

Chúng ta không thiếu thầy để hình thành đội ngũ chủ chốt, nhưng thực tế thiếu sự đầu tư thỏa đáng về trang thiết bị và bồi dưỡng nhân lực. Văn hóa nghề đưa vào đào tạo nghề không xuất phát từ một phía là chủ quan người học mà phải được sự hỗ trợ, đầu tư của các đầu mối khách quan là các cơ quan ban ngành.

Theo Lao động