![]() |
Chợ lao động Láng Hạ - Lê Văn Lương. |
Nhóm người này chủ yếu là LĐ nghèo từ các tỉnh đến. Họ là những người đang chịu ảnh hưởng sâu sắc trong "cơn lốc" giá đang ngày một tăng cao hiện nay.
Bốc vác kiêm xe ôm
11 giờ trưa, trời nắng như đổ lửa, một nhóm gần chục người ngồi vật vờ bên thành cầu Láng Hạ - Lê Văn Lương. Khi thấy có người, cả nhóm ùa ra: "Anh làm gì? ở đâu để em làm cho. Việc gì bọn em cũng làm được(?)". Khi biết tôi không phải là người gọi việc, ngồi uống chén nước chè bên bóng cây, anh Hưng - quê Quảng Xương, Thanh Hóa - cho biết: "Bọn tôi ngồi đây từ sáng đến giờ chưa kiếm được việc gì. Mấy tháng nay ít việc, đói quá!".
Tận dụng thời gian rảnh rỗi, anh mang chiếc xe máy cà tàng đứng đầu cầu để chở hàng và chạy xe ôm. Một người đàn ông khác chừng hơn 50 tuổi, có con đang học năm thứ 2 ĐH KHXH&NV TPHCM - ngậm ngùi: "Mấy tháng nay ít việc quá, trong khi đó giá thuê nhà tăng, tiền ăn tăng, cái gì cũng đắt đỏ. Không biết tới đây lấy tiền đâu cho con đóng học...". Những người làm nghề tự do chủ yếu làm các công việc nặng nhọc như bốc vác, vận chuyển đồ đạc... những việc mang tính thời vụ, được cái nghề này có "tiền tươi" ngay.
Trước đây, những việc như thế này rất nhiều, một người có thể kiếm được 200 ngàn đồng/ngày. Nhưng trong thời buổi giá cả leo thang như hiện nay, nhu cầu thuê LĐ này ít đi, như vậy đồng nghĩa với việc họ lại "thất nghiệp". Không có việc, không có thu nhập, mà hàng ngày thì vẫn phải ăn, phải tiêu... Nhưng không "bám trụ" thì không biết làm gì khi mà ruộng ít không đủ canh tác, học nghề thì đã có tuổi; với lại phải mất tiền để đi học, trong khi đó con cái đi học cần tiền, bao nhiêu thứ phải trang trải...
20 năm chưa đủ tiền xây nhà
Có thâm niên gần 20 năm trong nghề, anh Cao Xuân Bách, 38 tuổi, độc thân, quê Thanh Hóa mơ ước kiếm được món tiền xây dựng ngôi nhà nhỏ nhưng chưa thực hiện được. Bao nhiêu năm làm lụng vất vả, hết đứng đường Giảng Võ, cầu Trung Tự, Tứ Liên..., nay anh "trôi dạt" về cầu Trung Hòa. Gần 20 năm biết bao khổ cực. Từ bốc vác, xe thồ, đội đất, nhiều lần phải chui xuống bể phốt để thông tắc mà khi về nhà mấy ngày sau không ăn được cơm... tất cả những công việc anh làm cũng chỉ mong muốn có một món tiền về quê xây dựng cơ nghiệp.
Vậy mà cố gắng chắt chiu mãi, anh mới tiết kiệm được 30 triệu đồng. Định cuối năm xây căn nhà cấp 4 nho nhỏ tính chuyện xây dựng gia đình. Nhưng giá cả nguyên - vật liệu tăng cao như hiện nay, với số tiền đó anh không thể thực hiện được ước mơ của mình. "Kiểu này chắc tôi ế vợ thật anh ạ!" - anh Bách buồn rầu... Những người như anh Bách, anh Hưng chỉ là số rất ít người tôi gặp được.
Còn rất nhiều, rất nhiều những con người như vậy vẫn đang phải vật vã mưu sinh nơi đô thị phồn hoa. Trong thời buổi giá cả leo thang như hiện nay thì cuộc sống của họ càng trở nên bế tắc. Họ, những người được coi là "thất nghiệp" nay lại thêm "thất nghiệp". Cái vòng luẩn quẩn cứ quấn chặt lấy họ không sao thoát ra được.
▪ Teen và công việc bán thời gian (29/07/2008)
▪ Sau một đêm thành tỷ phú (28/07/2008)
▪ Một “thần tài” thời xăng tăng giá (28/07/2008)
▪ Người chắp cánh cho đường bay thẳng tới Philippines (28/07/2008)
▪ 31 năm nuôi mẹ bạn, 1 lần nói dối và... (26/07/2008)
▪ Nông dân nhọc nhằn bám đất - Kỳ 5: Bao năm cày ải vẫn nghèo (26/07/2008)
▪ Stylist - nghề “hot” trong giới trẻ (26/07/2008)
▪ Nhờ mây tre... thoát nghèo (25/07/2008)
▪ Tôn vinh 100 công nhân xuất sắc trong lao động sản xuất (25/07/2008)
▪ Bỏ phồn hoa về với quê nghèo (25/07/2008)