Mặn đắng nước mắt diêm dân
Các Website khác - 06/08/2008

Đã bao đời nay, diêm dân vùng Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) bám vào đồng muối để sống. Biết bao giọt mồ hôi đổ xuống nhưng cuộc sống của người dân vẫn chẳng khá lên là bao. Những người trẻ thì không mặn mà với nghề. Trên cánh đồng chỉ thấy những người già hằng ngày vẫn cặm cụi bám đất, cặm cụi với cái nghề truyền thống của cha ông, nghề muối cũng lắm… công phu.

Mới chỉ nhìn sơ qua, có lẽ ai cũng nghĩ làm ra hạt muối rất đơn giản, chỉ cần dẫn nước biển vào ruộng, chờ muối kết tinh là xong. Nhưng trên thực tế, để làm ra hạt muối cũng phải cần đến rất nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm. Ở Sa Huỳnh, muối vốn là nghề cha truyền con nối từ bao đời nay.

Để muối kết tinh tốt, nắng to là lúc diêm dân phải phơi mặt ra đồng trang nước. Ảnh: Hà Dịu

Mặc dù đã 75 tuổi, nhưng ngày ngày, ông Nguyễn Quang Lào (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ) vẫn miệt mài trên đám ruộng của gia đình mình. Không biết cái nghề này gắn bó với gia đình từ khi nào nhưng từ khi ông biết nhận thức thì đã thấy ông nội làm muối rồi. 12, 13 tuổi, ông đã có mặt trên đồng muối để làm việc vặt và học việc. Năm 25 tuổi, ông mới nắm được những kỹ thuật và thực sự biết làm muối.

Ông Lào cho biết: Muốn có được hạt muối trắng không đơn giản chút nào. Ban đầu, diêm dân phải chọn thật kỹ nền đất trong lòng ruộng với độ bằng phẳng đều, để sau khi nạo vét tạp chất và đầm nén, đất mặt đáy ổn định sẽ cho độ kết dính cao, bảo vệ chắc chắn cho cả khung và chân ruộng. Trong suốt quá trình sản xuất, nếu độ kết dính mặt đáy không đảm bảo, đất bùn dưới lòng ruộng bị xì tràn lan sẽ không kết tinh được muối.

Chưa hết, độ mặn của nước biển dẫn vào phải cao thì độ bốc hơi nước trong thời gian hong nắng sẽ nhanh, kết tinh sớm. Mực nước biển ban đầu dẫn vào ruộng phải để ở mức dao động từ 15 đến 20cm. Thu hoạch lần đầu, diêm dân phải thường xuyên bám ruộng để thực hiện hai vấn đề cơ bản là đo kiểm tra mực nước trong ruộng và châm nước kịp thời khi thấy mực nước sụt giảm, đặc biệt khi trời nắng gắt.

Đằm ruộng là một trong những công đoạn mất nhiều sức nhất. Ảnh: Hà Dịu
Để hạt muối thành hình, diêm dân phải trải qua nhiều công đoạn vất vả. Bà Võ Thị Phán, một người bám ruộng muối suốt mấy chục năm qua kể: Muốn có được những bao muối trắng đem bán, tôi phải dậy từ 3h sáng, ra đồng, làm ruộng cho sạch. Sau đó cặm cụi đầm cho đất thật chặt, thật bằng phẳng rồi té cát để 8h sáng dẫn nước vào ruộng. Nước vào ruộng rồi, phải liên tục dùng trang đẩy nước để đảm bảo ruộng không bị khô nếu không hạt muối sẽ đen thui. Đến ngày thứ 3, khi muối kết tinh đủ mới bắt đầu cào thu hoạch. 

Với những nghề khác, người ta làm khi trời râm mát và nghỉ ngơi khi nắng to thì nghề này ngược lại. Nắng to nhất là lúc phải phơi mặt ra đồng để trang nước. Bà Phán ngậm ngùi: Nghịch một cái là nắng càng to, càng được muối thì mình lại càng vất vả. Thế nhưng vẫn cứ cầu trời cho nắng càng to càng tốt.

Dưới cái nắng cháy gay gắt và nhiệt độ gần 40 độ C của miền Trung, chúng tôi mới có mặt trên cánh đồng muối chưa đầy 1 giờ nhưng đã thấy mồ hôi đầm đìa, đầu óc choáng váng như người say nắng. Vậy mà, những diêm dân ở đây vẫn chịu đựng ngày này qua ngày khác, thậm chí, để tranh thủ cơn nắng gắt, buổi trưa, họ mang cơm đi, ghé vào chòi ăn vội ăn vàng rồi lại tất tả nhào ra ruộng muối tiếp tục làm.

"Đánh bạc"... với trời

Vất vả như thế, nhưng chỉ cần một trận mưa xuống là mọi công sức của diêm dân đổ sông đổ biển hết. Bà Cao Thị Sa cho hay: Nhiều khi muối đã kết tinh sang ngày thứ 3 rồi, một trận mưa ập xuống là coi như trắng tay, lúc đó chỉ còn biết nhìn trời mà khóc. Cái nghề này như đánh bạc ấy, phụ thuộc hết vào ông trời, ông thương thì nhờ, ông ghét thì phải chịu.

Sau một trận mưa như thế, có khi phải 10, 15 ngày sau mới tiếp tục làm được. Nắng mưa là chuyện của trời nhưng nó luôn là nỗi ám ảnh của những người dân gắn đời mình với đồng muối. Chỉ cần một đám mây đen, một tiếng sấm ì ầm là người dân lo lắng, huy động hết mọi lực lượng sấp ngửa xuống ruộng cứu muối. Có khi vừa chạy vừa ngã cũng mặc kệ, cốt sao chạy đua kịp với ông trời.

Đằng sau những hạt muối trắng là bao giọt mồ hôi của diêm dân. Ảnh: Hà Dịu

Một năm, diêm dân chỉ làm muối được trong khoảng 5 đến 6 tháng mùa khô. Năm nào mùa mưa đến sớm thì thời gian trên bị rút ngắn và nguy cơ mất mùa càng tăng cao. Hết mùa muối, diêm dân Sa Huỳnh lại phải đi tìm những công việc khác để mưu sinh. Có người đi bán hủ tiếu, có người đi chẻ đá, người theo tàu, thuyền đánh cá ra khơi. Đến mùa họ lại kéo về đồng muối, cặm cụi với nghề của cha ông.

Năm nay, giá muối tăng cao ở mức kỷ lục, nhưng diêm dân Sa Huỳnh vẫn không vui. Chị Nguyễn Thị Lanh cho biết: Chưa bao giờ muối có giá 2000 đồng/kg như bây giờ. Nhưng năm nay mùa mưa đến sớm nên diêm dân bị mất mùa. Giá cao như thế nhưng cũng làm gì có muối mà bán.

Đã cuối mùa nhưng lượng muối mà diêm dân Sa Huỳnh thu hoạch không đáng bao nhiêu. Tính ra năng suất năm nay chỉ bằng nửa năm ngoái. Những gương mặt sạm nắng hằn lên bao lo lắng. Chị Lanh ngậm ngùi: Giá muối cao so với các năm khác nhưng lại bị mất mùa, cộng với giá sinh hoạt tăng vùn vụt nên đời sống của chúng tôi vẫn cứ khó khăn. Nhiều người nhìn bề ngoài thấy giá muối tăng thì bảo diêm dân sướng. Chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu… 

Đầu ra cho muối: Tư thương cầm chịch!
 
Làm muối vất vả là thế nhưng đầu ra của muối cũng gặp nhiều khó khăn. Được mùa thì sợ tư thương ép giá, sợ không có chỗ tiêu thụ. Để giúp diêm dân Sa Huỳnh, một nhà máy sản xuất muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh đã ra đời. Nhưng diêm dân và doanh nghiệp không tìm được tiếng nói chung nên dân không bán muối cho nhà máy.

Cân muối bán cho tư thương. Ảnh: Hà Dịu
Hỏi 10 diêm dân thì cả 10 đều nói không thích bán muối cho nhà máy vì giá thấp và nhiêu khê. Bà Trần Thị Điệp cho biết: Bán cho tư thương, họ đến tận ruộng mua với giá 2000 đồng/kg. Trong khi đó, nhà máy chỉ mua với giá 1.600 đồng/kg, lại còn phải chở đến tận nơi, chờ cân kẹo rất là mất thời gian rồi 6,7 ngày sau mới lấy được tiền.

Bà Điệp cũng cho biết, trước đây nhà máy không mua muối của dân mà nhập từ vùng khác về, vụ này mới treo biển thu mua, nhưng giá thấp nên diêm dân không bán, đã thế, họ còn cho rằng vì muối Sa Huỳnh kém chất lượng nên không mua.

Ông Trần Quang Thọ, một diêm dân đồng thời là một tư thương bất bình: Nói muối Sa Huỳnh chất lượng kém là sai. Kém thì tại sao mấy ngàn tấn muối Sa Huỳnh đều bán hết chứ không hề có chuyện tồn đọng. Tôi vẫn đem muối Sa Huỳnh bán ở khắp nơi từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị rồi Vũng Tàu, họ đều đánh giá rất cao muối Sa Huỳnh vì làm nước mắm rất ngon.

Và khi hai bên chưa tìm được tiếng nói chung thì việc xuất hiện một nhà máy sản xuất muối to đùng ở ngay cạnh cánh đồng muối hình như đã không giúp gì được cho diêm dân Sa Huỳnh. 

Trăn trở hạt muối

Trên cánh đồng muối Sa Huỳnh, đa số những người đang miệt mài cắm mặt xuống ruộng đều là những người già hoặc trung niên. Hầu như không thấy bóng dáng những người trẻ. Ruộng ít, mỗi nhân khẩu chỉ được chia 2 ô ruộng, quần quật làm cũng không đủ ăn nên đa số thanh niên bỏ vào các thành phố lớn kiếm sống hoặc chuyển sang nghề khác. Có nhà không bám được với đất phải bỏ ruộng đi làm ăn nơi khác.

Mặc dù đã 75 tuổi nhưng ông Lào vẫn ngày ngày miệt mài trên đồng muối. Ảnh: Hà Dịu
 
Bà Võ Thị Phán, năm nay đã 65 tuổi, ngày ngày vẫn cặm cụi với 2 đám ruộng của mình kể: Chồng tôi chết sớm, một mình tôi bám ruộng muối nuôi con. Lớn lên, con trai tôi vào TP.HCM làm công nhân chứ không theo tôi làm muối. Giờ mặc dù tuổi đã cao nhưng một mình tôi vẫn ngày ngày bám trụ với ruộng. Bà Trần Thị Nga cũng phân bua: Nghề truyền thống của gia đình từ bao đời nay nên cố bám chứ làm muối cực lắm, nhất là với những người tuổi đã cao như tôi.

Bám lấy nghề truyền thống bao đời của cha ông là tâm lý chung của rất nhiều diêm dân Sa Huỳnh. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của những người già. Người trẻ lại nghĩ khác.

Ông Nguyễn Quang Lào tâm sự: Tôi có 4 đứa con, nhưng 3 đứa đi làm nghề khác, chỉ có mỗi đứa theo tôi học làm muối. Giờ 75 tuổi rồi nhưng tôi vẫn ra đồng, làm một vài công đoạn nhẹ nhàng như trang ruộng và kiểm tra nhiệt độ… còn lại con tôi sẽ làm. Mấy đứa cháu tôi, chả đứa nào chịu học nghề. Tôi sợ mai này nghề truyền thống của cha ông sẽ bị mai một mất.

Đó là trăn trở của những người gắn bó với nghề muối truyền thống của Sa Huỳnh. Nhưng cũng có người lại nghĩ khác. Ông Trần Quang Thọ lạc quan: Đám thanh niên bỏ vào thành phố làm công nhân, đến khi có tuổi rồi cũng lại quay về đồng muối thôi.

"Cóc chết 3 năm quay đầu về núi". Hi vọng ông Thọ đã lạc quan đúng. Với những chủ trương mới của Nhà nước như dự án hỗ trợ 50% kinh phí tráng ruộng xi măng cho diêm dân, cuộc sống của họ sẽ bớt cực nhọc hơn và hạt muối của Sa Huỳnh sẽ vẫn là một thương hiệu được nhiều người biết đến.