Nhân lực CK trong cơn "thử lửa"
Các Website khác - 06/08/2008

 

 

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), một vấn đề nan giải hiện nay là nguồn nhân lực cho CK không chỉ thiếu mà còn yếu. Kết quả kiểm tra của UBCKNN đối với các CTCK thời điểm cuối năm 2007 cho thấy sai phạm nhiều nhất chính là việc nhân viên môi giới không có thẻ hành nghề, không đủ bằng cấp theo quy định.

 

Thị trường sụt giảm kéo dài trong thời gian qua đã khiến nhiều công ty chứng khoán (CTCK) điêu đứng. Điều này cũng đã ảnh hưởng khá lớn đến đội ngũ nhân lực ngành chứng khoán (CK) - một nghề vốn được coi là thời thượng, có thu nhập cao, là mơ ước của rất nhiều người cách đây hơn một năm.

 

Công ty thua lỗ, nhân lực lao đao

 

Cty Cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lỗ hơn 321 tỷ đồng; Cty Cổ phần chứng khoán Hải Phòng (HASECO) lỗ 365,857 triệu đồng; Cty Cổ phần chứng khoán (SSI) lỗ 141 tỷ đồng... Đây là kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2008 mới được công bố của 3 CTCK niêm yết nêu trên và kết quả này cũng không làm nhiều người bất ngờ bởi sự tụt dốc của TTCK từ tháng 10/2007 đã làm cho rất nhiều CTCK lâm vào khó khăn và sự thua lỗ là điều tất yếu...

 

Tình trạng thua lỗ của các CTCK không chỉ dừng lại ở 3 DN này. Đã có CTCK ở trong tình cảnh nợ lương nhân viên. Không ít CTCK phải đóng cửa bớt các chi nhánh, đại lý đặt lệnh. Giữa tháng 7 vừa qua, CTCK An Bình (ABS) đóng cửa phòng giao dịch tại Lý Thái Tổ, Hà Nội, trước đó, Cty này đã đóng cửa đại lý nhận lệnh tại TP.HCM. CTCK Đại Việt đóng cửa văn phòng đại diện tại Hà Nội, CTCK FPT (FPTS) đóng cửa đại lý nhận lệnh tại Hà Tây...

 

Để "sống sót" qua thời kỳ khó khăn, các CTCK đang phải nỗ lực cắt giảm mọi chi phí có thể. Nhiều CTCK tuyên bố cắt giảm hàng loạt các chế độ lương, thưởng. Một số CTCK đã áp dụng chính sách cắt giảm nhân sự mạnh mẽ, thậm chí lên tới 50% số cán bộ, nhân viên đang có... Cơn bão đào thải về nhân sự trong các CTCK đang diễn ra rất gay gắt, tạo ra áp lực nặng nề đối với đội ngũ nhân lực ngành CK. Nhưng tỉnh táo nhìn nhận lại "cú sốc" đối với nhân lực ngành này cũng là điều tất yếu phải xảy ra, bởi cơn lốc ra đời ồ ạt hàng loạt CTCK trước đây đã tạo ra không ít sự hẫng hụt và nỗi lo về nhân lực CK.

 

Thời điểm CK thăng hoa, có thể nói chưa có nghề kinh doanh nào mà lãi nhanh và lãi to như nghề... mở CTCK. Các CTCK liên tục mở rộng hệ thống, ồ ạt tuyển nhân viên, đổ xô chạy đua thu hút nhân lực bằng chính sách ưu đãi hấp dẫn về lương, thưởng. Tại nhiều sàn CK, nhiều NĐT chẳng mấy ngạc nhiên khi thấy những nhân viên giao dịch, nhập lệnh và cả tư vấn mới vài hôm trước còn làm tiếp tân, hướng dẫn.

 

Dù CK trở thành nghề thời thượng, nhưng thực tế nhân lực ngành CK lại cho thấy không ít nỗi lo. Giám đốc một CTCK thừa nhận: “Nếu kiểm tra gắt gao thì Cty nào cũng có nhân viên chưa đủ chứng chỉ hành nghề”.

 

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), một vấn đề nan giải hiện nay là nguồn nhân lực cho CK không chỉ thiếu mà còn yếu. Kết quả kiểm tra của UBCKNN đối với các CTCK thời điểm cuối năm 2007 cho thấy sai phạm nhiều nhất chính là việc nhân viên môi giới không có thẻ hành nghề, không đủ bằng cấp theo quy định.

 

Đứng ở góc độ đào tạo, do CK là ngành còn quá mới và thiếu giảng viên trình độ cao nên sinh viên được đào tạo ra còn nhiều hạn chế. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 33 trường đại học, 16 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp đào tạo ngành tài chính - ngân hàng. Quy mô đào tạo trình độ đại học và cao đẳng ngành tài chính - ngân hàng mấy năm nay tăng nhanh, năm học 2006 - 2007 có trên 410 nghìn sinh viên đại học và cao đẳng, chiếm 27% tổng số sinh viên. Đó là chưa kể hàng trăm sinh viên sau khi đi du học ngành này đã quay trở về làm việc tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, các Cty ngành tài chính - ngân hàng - CK rất khó tìm kiếm được người cần, nhất là các vị trí chuyên môn chủ chốt. Một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước nhận định, số sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu của các DN chỉ chiếm khoảng 1/3, 2/3 còn lại đều trong diện phải đào tạo lại. Nguyên nhân là do các trường chưa chú trọng việc nâng cao chất lượng giáo án, giáo trình, hầu hết sử dụng giáo án trong nước tự soạn mà chưa chú ý đến mô hình đào tạo của nước ngoài...

 

"Sống chết" với nghề

 

Cơn bão đào thải về nhân sự trong các CTCK đang diễn ra gay gắt. Các chuyên gia nhận định, đây chính là cơ hội để các CTCK nhận biết rõ khả năng thực sự của đội ngũ nhân lực, rà soát lại chất lượng nhân viên và cũng để nhân viên tự đánh giá lại mình. Sau cơn bão đào thải, những nhân sự còn bám trụ lại tại các CTCK chắc chắn sẽ là những nhân tố "chất" và "bền" nhất.

 

Có thể nói, sự khắc nghiệt của nghề nghiệp và công việc chính là một thử thách để đo lường năng lực cá nhân, đặc biệt đối với những ai muốn "sống chết" với nghề CK. Còn đối với những ai có tư tưởng coi CK là nghề thời thượng, theo cho... mốt, cho oai thì việc thị trường sa sút cũng đã làm cho học có cơ hội nhìn nhận lại chính mình.

 

Mặc dù vậy, với triển vọng phát triển của nền kinh tế, cơ hội phát triển của ngành CK cũng như tài chính - ngân hàng sẽ vẫn hứa hẹn rất sôi động và nóng bỏng. Về lâu dài kinh doanh CK vẫn hứa hẹn là một ngành phát triển, các DN ăn nên làm ra và cũng sẽ không ngần ngại trả những khoản lương cao để "săn" người giỏi.

 

Từ thực tế thăng trầm và biến động của TTCK vừa qua cho thấy, trong tương lai sẽ có sự "chọn lọc tự nhiên” đối với người làm tài chính chuyên nghiệp. Chỉ những người có chuyên môn, tâm huyết với nghề mới đủ nghị lực ở lại. Còn những ai đến với CK chỉ vì coi đây là ngành thời thượng, thu nhập cao, điều kiện tuyển dụng dễ dàng sẽ rất khó trụ lại khi những ngành này biến động.

 

 

Theo VnMedia