Bán đảo Mũi Né nằm lọt thỏm giữa đầm Cầu Hai (phá Tam Giang), được coi là vùng đất chết. Ba mặt sóng nước nên người vùng này gọi đây là đảo hoang. Hơn 20 năm trước, một người đàn ông dìu dắt vợ con ra đảo hoang đầy hiểm nguy này dựng lều sinh sống, lập nghiệp. Ông là Phạm Quốc Trai, năm nay đã 53 tuổi ở thị trấn Phú Lộc (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế).
Từ quan ra “hoang đảo”
Dân Phú Lộc biết đến ông bởi tài văn nghệ. Cái duyên đó đã đưa ông về làm cán bộ rồi lên chức lãnh đạo phòng văn hóa thông tin huyện. Thế nhưng dòng máu Robinson lại ngấm ngầm chảy. Một ngày giữa năm 1986, ông bỏ ngang công việc để ra đảo hoang sinh sống, lập nghiệp. Cái tên “Trai gàn” được gắn cho ông từ đó.
Dân Phú Lộc kêu ông điên khùng, gàn dở. Bởi đất Mũi Né vốn là “rốn” của bom đạn. đặc biệt, vùng này chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc khai quang nên trở thành vùng đất trắng, cỏ cây không mọc được. Chiến tranh đi qua đã hơn chục năm nhưng đất vẫn trống trơn, đá nhiều hơn đất!
“Ngày mới ra đây sinh sống, không ai tin là tui có thể nuôi trồng được cái gì ở vùng đất này” - “Trai gàn” nhớ lại. “Chủ tịch huyện Phú Lộc khi nớ là anh Phan Sum khuyên tui nên vào trong làng và hứa cấp cho hai lô đất mặt đường để làm ăn thế nhưng tui từ chối. Tui muốn có mầm xanh, có sự sống trên vùng đất này và tui tin mình sẽ làm được. Nó như cái duyên nợ....” - ông bộc bạch.
Cưới vợ, gom được chút vốn, hai vợ chồng ông chạy ra đảo hoang lập nghiệp. Năm này qua năm khác, vợ chồng ông phơi mình ngoài bãi đất nhặt đá, lấn đất để canh tác. Có nơi chỉ mười mét vuông mà phải nhặt hơn một tháng vẫn không hết đá. “Giải phóng” được mét đất nào ông liền đi nhặt phân trâu, phân bò, lá cây về ủ và gánh nước tưới giữ ấm, tạo màu mỡ cho đất, sau đó trồng sắn, trồng khoai lấy ngắn nuôi dài. Mất hơn mười năm nhặt đá, bón phân, ông đã hồi sinh được hơn hai hecta đất vườn và năm hecta đất rừng mà trước đây cỏ cây mọc không nổi...
Đầu những năm 1990, một kỳ tích được “Trai gàn” xác lập làm mọi người phải kinh ngạc. Từ vùng đất chết, hoang vu, cỏ cây không mọc được, sau hơn 20 năm vun trồng, ươm mầm, nơi đây đã trở thành rừng cây. Thuận tay, “Trai gàn” biến luôn Mũi Né thành một điểm du lịch sinh thái.
Hai năm nay, “Trai gàn” phải đắp kè chắn sóng để giữ đất lập “vườn cổ tích” trên đảo hoang. Ảnh: NGUYÊN LINH |
Thành triệu phú
Sau hơn 20 năm, hao không biết bao nhiêu mồ hôi và cả máu để gieo mầm trên đất chết, “Trai gàn” đã thành triệu phú. Bây giờ, gia tài bạc tỷ của ông là vườn cây cảnh rộng hơn hai hecta, không dễ gì có được.
Có tiền, hơn mười năm nay, “Trai gàn” lại đi khắp nơi để sưu tầm cây cảnh đưa về trồng trên vùng Mũi Né. Không chỉ tìm ở đất Thừa Thiên-Huế mà ông còn bắt xe vào tận Vĩnh Long hay ra ngoài Hà Nội để sưu tầm các giống cây, hoa cảnh về gom thành vườn cây ba miền. Ở đâu có giống cây đẹp, lạ là ông tức tốc tìm đến. Ai ghé thăm cũng choáng ngợp trước sự đồ sộ và tuyệt đẹp của vườn cây cảnh nơi chốn hoang đảo này. Từ cây mai, cây sung, cây lộc vừng cho đến khóm trúc, bụi tre, rồi hoàng lan, ngọc lan, đỗ quyên... tất cả đều được ông tạo cho một cái dáng, một vẻ đẹp, một linh hồn riêng.
Ngoài vườn cây cảnh lớn nhất vùng này, “Trai gàn” còn sở hữu hơn một vạn cây dó trầm sắp đến tuổi thu hoạch. Tuy ở chốn “thâm sơn cùng cốc” nhưng ngày nào ông cũng nghe đài, nắm bắt thời sự, qua báo chí ông biết được giá trị của cây dó trầm và nghĩ rằng có thể trồng được ở vùng đất này. Nhờ vậy mà năm 2000, ông đã vào TP.HCM tìm đến Hội trầm hương Việt Nam để xin tài liệu, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Sau đó, ông lại tiếp tục “cắm” ở các địa phương phát triển mạnh về loại cây này như Hà Tĩnh, Quảng Nam để học hỏi kinh nghiệm. Sau những ngày “đi đàng” học khôn, ông trở về nhà trồng và đã ươm được giống cây dó trầm thành công và bán lại cho bà con trong vùng lấy tiền nuôi rừng. Ông trở thành người trồng nhiều cây dó trầm nhất ở Huế và cũng là thành viên duy nhất của Hội trầm hương Việt Nam ở tỉnh này.
“Có người trả tui gần năm tỷ đồng vườn cây kiểng ni nhưng tui từ chối. Tiền đó thì lớn thật nhưng nó là mồ hôi nước mắt, là máu của vợ con, kỷ niệm mến thương những ngày phơi mình trên vùng đất ni mà bán đi thì xót lắm...” - “Trai gàn” bộc bạch.
Vườn cổ tích trên đảo hoang “Tui nghĩ cái chi thuộc về sinh thái, về tự nhiên và có ý nghĩa nhân văn thì mới bền vững được. Tui sẽ xây dựng khu vườn này thành một vườn cổ tích - điểm đến của những tấm lòng nhân ái. Trẻ em đến đây sẽ được nghe lại những câu chuyện cổ tích, những truyền thống dân tộc, đạo làm người, nhân nghĩa, hiếu trung” - “Trai gàn” tiết lộ ý tưởng. Để thực hiện ý tưởng hình thành một “vườn cổ tích”, một khu du lịch sinh thái trên hòn đảo nhỏ, “Trai gàn” bắt đầu đi khắp nơi để sưu tầm cây cảnh, “cây cổ tích”. Từ năm 2000, ông liên tiếp có những chuyến đi xa “vào Nam ra Bắc” để săn lùng cây cảnh về trồng vườn nhà mình tạo thành vườn cổ tích, vườn cây ba miền.
Đưa chúng tôi ra xem vườn cây, ông giới thiệu: “Trong vườn có đầy đủ các loại cây, mỗi cây sẽ được gắn với một câu chuyện cổ tích. Cây thị gắn liền với câu chuyện hai chị em Tấm và Cám, vậy nên các em nhỏ đến đây sẽ được ngồi chơi dưới cây thị và lắng nghe “tiên cô” kể chuyện Tấm cám. Hay tích Trầu cau sẽ có cây cau, dây trầu. Dưới các khóm tre, các em sẽ được thỏa thích vui đùa và nghe chuyện Cây tre trăm đốt... Rồi cây dừa, cây vú sữa, cây khế, dưa hấu... đều có lịch sử của nó”. Trong kế hoạch dựng vườn cổ tích của ông, các nữ sinh cấp ba sẽ được đào tạo để trở thành những cô tiên, người dẫn chuyện, người kể chuyện. Trong vườn cây có những sân chơi, những câu chuyện cổ tích lồng ghép vào những trò diễn dân gian. Các em có thể cùng bạn bè, gia đình ở lại qua đêm trong vườn cây, bắt cá, ngắm trăng, dạo chơi trên đầm phá. Hiện vườn cây của ông chưa mở cửa đón khách nhưng hàng ngày vẫn có hàng chục người đến tham quan, nghỉ ngơi, hít thở bầu không khí mát mẻ trong lành và xem ông tạo dáng cho cây. Nhiều người mê khung cảnh nơi đây năn nỉ xin ông cho ngủ qua đêm để được ngồi dưới bóng cây bên bờ phá nhâm nhi chén rượu, chuyện trò. |