Nghề... “đi sớm, về khuya”
Các Website khác - 17/09/2008

 

 

Hanoinet - Hiện nay, số lượng người sống bằng nghề nhặt ve chai ở Sài Gòn khá đông, họ làm công việc “vệ sinh giai đoạn 1” đường phố, trước những người lao công. Những rác thải như chai nhựa, giấy cạc tông, bao ni lông, bọc xốp… họ là người thu dọn đầu tiên.

Cứ khoảng 4, 5 giờ sáng, trên các con đường của Sài Gòn đã có bóng dáng những người phụ nữ tất bật cho cuộc sống của mình. Họ đi làm thật sớm và về rất muộn. Họ len lỏi vào từng con hẻm, rảo dọc các bờ kênh đến các con đường lộ để làm công việc của mình. Chiếc xe đạp, cái cân, những cái bao thật to, dụng cụ móc rác và hai cái giỏ xách “cổ xưa” là những vật dụng quen thuộc, là “bạn đồng hành” cùng họ trong những ngày tháng rong ruổi mưu sinh bằng nghề này: Nghề nhặt ve chai.

“Công nhân vệ sinh giai đoạn 1”

Hiện nay, số lượng người sống bằng nghề nhặt ve chai ở Sài Gòn khá đông, họ làm công việc “vệ sinh giai đoạn 1” đường phố, trước những người lao công. Những rác thải như chai nhựa, giấy cạc tông, bao ni lông, bọc xốp… họ là người thu dọn đầu tiên.

Với chiếc xe đạp cà tàng, 2, 3 bao tời bự treo bên hông xe, chiếc cân buộc ở dưới để nếu có ai đó bán cái gì thì mua luôn. Trước cổ xe đèo thêm 2 cái giỏ “cổ xưa” để đựng lon, chai. Chân chống xe thì lúc nào cũng ở vị trí “sẵn sàng chiến đấu” khi phát hiện đống rác. Khi thấy nhặt được hơi nhiều nhiều thì họ tới ngay nơi thu mua ve chai để “xuất hàng”, rồi tiếp tục đi nhặt. Cứ như thế cho đến hết ngày, hết tháng và hết năm…

Mỗi người “hành nghề” phải tự trang bị cho mình khẩu trang, đôi găng tay để khỏi dơ và tránh mùi hôi từ các đống rác bốc lên. “Nhiều chị đi lần đầu không quen về bị sổ mũi liên tục”, chị Nguyễn Thị Hoa, quê ở Quảng Nam vào Sài Gòn nhặt ve chai từ năm 2004 nói.

Để kiếm được nhiều ve chai, các chị phải đi nhiều nơi, thời gian nghỉ ngơi rất ít. Nhiều lúc đôi chân như muốn rời ra từng khúc, cả người mỏi nhừ. Nhưng để có tiền gửi về nhà hàng tháng, các chị phải lặn lội, ngày mưa cũng như ngày nắng. Những thứ ve chai bỏ đi ấy, nhìn không có giá trị gì nhưng đó là cả “gia sản” đối với những người sống bằng nghề ve chai. Một ngày may mắn nếu gom được vài chục ký sắt hay vài ký nhựa coi như là “trúng mánh”. Chị Hoa nói: “Nhìn thì đơn giản vậy thôi nhưng những thứ ấy là tiền cả đấy và có thể nuôi sống cả nhà”.

 “Nhiều chị sau khi vào Sài Gòn sống bằng nghề này đã thuê nhà trọ ở trong này luôn. Năm về nhà có một lần vào dịp tết. Nhớ gia đình đến mấy thì cũng ráng mà chịu chứ biết sao giờ, quan trọng nhất là mỗi tháng có tiền gửi về nhà”, chị Cúc trả lời khi tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình. Hầu hết các chị ở trọ cùng chị Cúc cũng nói như vậy, nếu nhớ nhà quá thì tranh thủ về hai, ba  ngày rồi vô đi làm lại.

“Xây” ước mơ từ… phế liệu

Nghề nào cũng có cái khổ riêng của nghề ấy. Nhặt ve chai không đơn giản là thấy đống rác nào cũng tấp vào nhặt là xong, nhiều khi bị nghe chửi xối xả. “Mình nhặt đàng hoàng đâu có làm gì mà nhiều chủ nhà chửi nghe tức tức trong người nhưng riết rồi cũng thành quen”, chị Nga kể tôi nghe.

Đó chỉ là những chuyện vặt, giới nhặt ve chai còn gặp nhiều tình huống khóc không ra nước mắt. Nhiều chị mới vào nghề nên dễ bị mấy đối tượng côn đồ lừa lấy tiền. Chị Thu ấm ức kể lại lần khi đang đi trên đường Kha Vạn Cân ở quận Thủ Đức thì thấy cái gì sáng sáng bên đường, chị dừng xe lại nhặt lên sợi dây chuyền vàng. Đang mừng thầm thì có cặp nam nữ đi xe máy trờ tới nói là nhìn thấy trước, rồi “thương lượng” chị đưa 500.000đ cho họ còn dây chuyền thì chị giữ. Khi đem ra tiệm bán thì chị hoảng hồn vì là hàng giả. Thế là số tiền chị dành dụm trong tuần đầu vỗ cánh bay.

Nghề nhặt ve chai là đi suốt. Từ 4, 5 giờ sáng đã tranh thủ dậy sớm để đi rồi, không đi sớm thì sẽ không còn gì để mà nhặt. Những ngày mưa thì càng cực khổ hơn, vừa lạnh cóng người, vừa phải đạp cái xe nặng trịch. “Phải chuẩn bị một cái bao ni lông lớn để trùm lại, nếu không hàng ướt hết vựa ve chai sẽ  có cớ mà ép giá”, chị Hoa nói. Còn khi về nhà thì trời đã khuya, các chị thường bị các đối tượng nghiện ma túy chặn đường “xin đểu”, dọa không cho thì sẽ lấy kim chích vào người.

 Chị Hoa cho biết: “Nhà có hai con nhỏ đang ở với ông bà nội, chồng thì theo bồ nhí, tôi lặn lội vào Sài Gòn nhặt ve chai để có tiền nuôi hai con ăn học, mình đã không biết gì nên quyết không để con mình mù chữ được”. Còn chị Nga tâm sự: “Chồng thì ở nhà lo 2 đứa nhỏ với 2 sào ruộng, tôi vào đây kiếm được đồng nào hay đồng nấy chứ quẩn lấy mấy sào ruộng đó thì lấy gì mà sống, càng ngày càng khó sống quá”.

Rời làng quê, họ đến chốn thành đô náo nhiệt lao vào cuộc mưu sinh, đối mặt với những khó khăn, những điều phức tạp. Thật đáng quý khi bằng sức lao động chân chính, họ chắt chiu, gom góp từng đồng tiền để vun đắp cho ước mơ con cháu mình sẽ có điều kiện sống tốt hơn cha mẹ của chúng…

Theo Đại Phú/SGGP12G