| ||||||||
Hanoinet - Tiền bạc cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình. Phổ biến nhất là tình trạng người đi XKLĐ không tin tưởng người bạn đời của mình nên gửi tiền cho bố mẹ, họ hàng quản lý.
Trung tâm Nghiên cứu về Phụ nữ (TƯ Hội LHPN Việt Nam) và HealthBride đã kết hợp nghiên cứu về những tác động của XKLĐ đến gia đình tại Thái Bình, một tỉnh có lượng lao động xuất khẩu lớn nhất cả nước… Vật chất giầu lên Từ năm 2002 đến 2005 trung bình mỗi năm tỉnh Thái Bình đã có 2.900 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Thu nhập của các hộ gia đình đã thay đổi rõ rệt sau khi đi XKLĐ. Trước khi đi XKLĐ, 30% các hộ dân chỉ có thu nhập 5 đến 10 triệu đồng mỗi năm. Không có hộ nào thu nhập đạt 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên sau khi XKLĐ có tới 40% số hộ dân có thu nhập từ 50 triệu đến 100 triệu đồng mỗi năm. Trong số những người đi XKLĐ phần lớn là những người có kinh tế gia đình khó khăn, 91,2% số người được hỏi đã trả lời họ và gia đình phải vay tiền trước khi làm thủ tục xuất ngoại. Tuy nhiên cũng có tới 82,1% số những người được hỏi này trả lời đã trả hết toàn bộ số nợ. XKLĐ là con đường xoá đói giảm nghèo nhanh. Có tới 65,5% những người đi XKLĐ gửi tiền về để gia đình trả nợ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ này họ mới bắt đầu tính đến những khoản chi khác: Mua sắm đồ đạc, sửa chữa xây nhà, đầu tư chăn nuôi khám chữa bệnh, đầu tư cho con học hành… Gần 70% hộ gia đình có người đi XKLĐ xây được nhà mái bằng, tỷ lệ nhà tầng cũng tăng từ 3,8 lên 28,6%. Chị Nguyễn Thị Thanh, 18 tuổi ở xã Hồng Châu, huyện Tiền Hải cho biết: “Từ khi mẹ em đi XKLĐ thì đời sống vật chất của gia đình được cải thiện, trước vất vả. Mẹ em đi thì đã xây được nhà, làm sân, ao, mua xe máy, mua ti vi và đủ các thứ đồ dùng trong gia đình, gần như sắm mới lại hết. Nhà em xây cách đây 3 năm là do mẹ em đi XKLĐ rồi mang tiền về xây”. Hạnh phúc giảm đi Thử thách lớn của những gia đình có người đi XKLĐ đó là quãng thời gian sống xa nhau. Anh Nguyễn Văn Minh ở xã Đông Tân, huyện Đông Hưng kể: “Khổ nhất là nhớ nhung thiếu vắng về tinh thần. Ban ngày việc nọ việc kia quên đi nhưng đêm đến thấy cô đơn trống trải không ngủ được…” Lo lắng và sau đó là nghĩ quẩn, nghĩ dại. Thống kê cho thấy có tới 64,7% những người có chồng hoặc vợ đi XKLĐ lo lắng bạn đời của mình bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp. 40,2% lo vợ hoặc chồng của mình có quan hệ ngoài hôn nhân. 16,3% còn hơn lo lắng người bạn đời của mình có thể có HIV. Ngoài ra, những nỗi lo về cờ bạc rượu chè, sử dụng ma tuý… Nhìn chung tâm lý của những người có vợ chồng đi XKLĐ bị ảnh hưởng rất lớn. Tuyệt đại đa số những người được hỏi đều trả lời khi có vợ hoặc chồng đi LĐXK gia đình sẽ rơi vào tình trạng thiếu thốn tình cảm, thiếu người chia sẻ. Thú vị là tỷ lệ những người chồng thừa nhận điều này cao hơn những người vợ, 87,3% so với 80,2%. Có lẽ chỉ những lúc xa nhau các đức ông chồng mới thấm thía hết nỗi khổ và hiểu hết “tầm quan trọng” của vợ đối với mình. Nam giới có vẻ “hiểu” nhau rõ hơn, một người nam ở xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải cho rằng: “Thực ra hỏng hết hệ thống đàn ông, vợ đi Đài Loan gửi về là chơi bời, trai gái, nhậu nhẹt…” Một nam giới ở xã Đông Tân, huyện Đông Hưng cũng đồng tình: “Nếu hỏi mười ông thì bốn ông không muốn cho vợ đi XKLĐ và nếu hỏi mười ông thì chín ông rượu chè, cờ bạc, gái gú trên thành phố Thái Bình” Tiền bạc cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình. Phổ biến nhất là tình trạng người đi XKLĐ không tin tưởng người bạn đời của mình nên gửi tiền cho bố mẹ, họ hàng quản lý. Một người chồng ở xã Vũ Chinh, TP Thái Bình, có vợ đi XKLĐ phân trần: “Thì vợ có mấy chục triệu gửi về thì lại gửi về bên ngoại chứ không gửi cho chồng, không cho chồng biết. Cũng chẳng bảo là đưa cho ông giữ hộ chẳng hạn, khi ông chồng điều tra ra nó biết thì cãi chửi nhau vì chứng tỏ vợ không tin chồng…”
Theo Lê Hoàng Long/NNVN | ||||||||
▪ Mẹo trả lời phỏng vấn qua điện thoại (16/09/2008)
▪ Bí quyết quản lý thời hạn công việc hiệu quả (16/09/2008)
▪ Bạn có sẵn sàng thay đổi công việc? (15/09/2008)
▪ Công nhân lao động chưa qua đào tạo chiếm 67% (15/09/2008)
▪ Trường TCN KTNV Tôn Đức Thắng 80% học viên tốt nghiệp có việc làm (15/09/2008)
▪ Xóm lồng đèn Phú Bình (13/09/2008)
▪ Chính phủ Úc tăng 30% chỉ tiêu nhập khẩu lao động nước ngoài (13/09/2008)
▪ Không thoải mái trong công việc, làm sao đây? (13/09/2008)
▪ Hơn 1.000 công nhân đình công (13/09/2008)
▪ Không đào tạo, làm sao có nguồn ? (11/09/2008)