Về xã "Hàn Quốc"
Các Website khác - 19/09/2008

 

 
Trò truyện với phóng viên, anh Bình chị Thanh vui sướng vì đã xây được một ngôi nhà mơ ước của mình.

Hanoinet - Ông Nguyễn Tiến Hải, cán bộ văn hóa xã, nhẩm tính: "Mỗi tháng số tiền mà số người đi LĐ gửi về nhà cũng phải lên tới gần 2 tỉ đồng".

 

Về huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), chúng tôi được nghe nhiều người dân và cán bộ ở đây nói về xã "Hàn Quốc". Đó là xã Phương Xá, nơi có nhiều gia đình có con em đi lao động Hàn Quốc (HQ). Chính nhờ điều này, bộ mặt làng quê ở Phương Xácó nhiều thay đổi tích cực.

Trên nền ngôi nhà cũ rộng hơn 200m2 của anh Bình - chị Thanh đang dần thành hình một ngôi nhà mới kiên cố, khang trang và bề thế vào loại nhất khu 2. Vợ chồng anh cùng ngồi trò chuyện với người chủ thầu bàn việc xây nhà. Anh chị đã bày tỏ niềm vui khi sắp có nhà mới, niềm mơ ước mà kể cả trong giấc mơ, anh chị không dám nghĩ tới.

Toàn bộ số tiền xây nhà lên tới gần 700 triệu đồng đều nhờ vào tiền mà 3 con trai của anh chị đang đi XKLĐ HQ gửi về. Cách đây 4 năm, cô em gái đang làm ở HQ gợi ý cho con trai cả của chị sang đó làm việc.

Thấy công việc ổn, anh cả gửi tiền về lo cho 2 em cùng sang HQ. Chi phí cho cả 3 anh em khoảng 600 triệu đồng, một số tiền không nhỏ. Lúc đầu có dì cho vay, sau đó cứ người anh sang thì "cõng" cho em nên bố mẹ cũng chỉ phải vay họ hàng, xóm giềng thêm chút ít.

Công việc ở HQ đòi hỏi phải có trình độ. Ba người con của anh chị đều làm việc ở những nhà máy làm nhựa hoặc nhôm kính. Chỉ cần chăm chỉ và trung thực là có tiền gửi về nhà. Con trai cả sau 3 năm làm việc, hết hạn hợp đồng, chủ thấy làm tốt nên khi cậu đề nghị được gia hạn thêm thì được chấp nhận ngay.

Ngập ngừng một lát, anh chị mới đưa ra số tiền mà hàng tháng các con mình đều đặn gửi về, trung bình mỗi đứa gần 1.000USD/tháng. Sau 4 năm ki cóp, vừa trả hết tiền nợ nần lo cho các con đi, đến giờ 2 anh chị đã có thể tính tới một ngôi nhà khang trang và một vài mảnh đất cho các con trai. Anh chị nói, nếu bám lấy mấy sào ruộng như bố mẹ chúng nó thì không biết đến đời nào mới có thể xây được một ngôi nhà to như thế này.

Hàng loạt những ngôi nhà mới xây trong xã Phương Xá, hầu hết đều là của những gia đình có con đi XKLĐ tại HQ.

Chị Nguyễn Thị Dung (khu 3) có con trai đang đi LĐ tại HQ. Vợ chồng chia tay, chị một thân một mình nuôi 2 đứa con nhỏ. Khi chúng lớn lên cũng là lúc phong trào đi XKLĐ ở xã phát triển mạnh, nhất là thị trường HQ.

Chị lo cho đứa út đi trước. Thằng anh nó cũng muốn đi nhưng chưa được vì tiền em gửi về đang để xây một ngôi nhà 3 tầng khang trang ngay phía mặt đường 32C. Con chị làm việc ở thành phố Seoul, công việc đơn giản với mức lương trên 1000USD/tháng. Sau 3 năm, tiền gửi về đã đủ trang trải nợ nần và giúp mẹ xây nhà.

Chị Hải, có 2 con trai cũng đi XKLĐ tâm sự: "Cho chúng nó đi XKLĐ, nhà vừa có thêm thu nhập, lại vừa tránh cho nó sa vào tệ nạn xã hội đang ngày càng phổ biến đối với thanh niên nông thôn".

Theo UBND xã Phương Xá, toàn xã hiện có khoảng 150 người trong độ tuổi LĐ đi XKLĐ, trong đó, thị trường đông nhất vẫn là HQ (chiếm tới 50%), và các thị trường khác như CH Séc, Đài Loan, Malaisia, Nga, Đức, Nhật Bản. Số người đi chủ yếu là nam giới (chiếm tới 80%).

Ông Nguyễn Tiến Hải, cán bộ văn hóa xã, nhẩm tính: "Mỗi tháng số tiền mà số người đi LĐ gửi về nhà cũng phải lên tới gần 2 tỉ đồng". Ông cho biết: "Kể từ khi có đề án đưa con em ở các vùng thôn quê đi XKLĐ xóa đói giảm nghèo của Bộ LĐTBXH năm 1998, phong trào XKLĐ ở xã phát triển mạnh. Đầu tiền là thị trường Malaysia, bây giờ lại nổi lên là HQ...".

 

Tôi thầm chia vui với bà con Phương Xá vì cũng hiếm có nơi nào người dân xác định được phải thoát nghèo từ XKLĐ. Đi XKLĐ đã làm thay đổi bộ mặt thôn quê ở Phương Xá, giúp nhiều gia đình cải thiện điều kiện sống, và quan trọng là giảm bớt các tệ nạn xã hội.

Theo Hải Phong/LĐ