Trao đổi về công phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bình Định, phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông – Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Bình Định.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Bình Định - Ảnh: Thùy Chi |
Xin ông cho biết tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Nguyễn Thanh Truyền: Bình Định phát hiện 03 ca nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 9/1993. Tính cho đến nay, số trường hợp nhiễm HIV đã phát hiện lũy tích là 686, trong đó số bệnh nhân AIDS lũy tích là 618 và 404 trường hợp đã tử vong do AIDS. Tỷ lệ lây nhiễm HIV trên 100.000 dân của tỉnh là 46.
Trong số người nhiễm HIV, nam giới chiếm 71,82 %, nữ chiếm 28,18%. Đối tượng nhiễm HIV ngoài đối tượng ma túy, mại dâm có nhiều đối tượng khác nhau trong cộng đồng bị nhiễm HIV với tỷ lệ khác nhau, bao gồm: ma túy 28,77%, mại dâm 3,61%, người cho máu 2,23%, bệnh nhân lao 8,77%, bệnh nhân nghi AIDS 28,39%, đối tượng khác 28,23%.
Theo tỷ lệ, số người nhiễm HIV trong độ tuổi 20 - 39 cao nhất, chiếm 67,8%. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường máu chiếm 40,6% và lây nhiễm qua quan hệ tình dục chiếm 53,55%.
Các trường hợp nhiễm HIV, bệnh nhân mắc AIDS và tử vong do HIV/AIDS giảm qua từng năm. Cụ thể, năm 2013, phát hiện 39 trường hợp nhiễm mới HIV, 35 bệnh nhân AIDS, 16 trường hợp tử vong do AIDS. Năm 2014, phát hiện 34 trường hợp nhiễm HIV, 31 bệnh nhân AIDS, 12 trường hợp tử vong do AIDS. Năm 2015, phát hiện 22 trường hợp nhiễm HIV, 14 bệnh nhân AIDS, 08 trường hợp tử vong do AIDS.
Một nghiên cứu trên 248 người nhiễm HIV/AIDS của tỉnh trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2012, tìm hiểu một số đặc điểm người nhiễm HIV/AIDS tại Bình Định cho thấy: Tuổi trung bình khi phát hiện nhiễm HIV 32,22 ± 10,41 tuổi; Người nhiễm HIV/AIDS có vợ/có chồng chiếm 75,8%; Gần như tất cả các nghề nghiệp trong xã hội đều có người nhiễm (nông nghiệp 25,9%; buôn bán 22,8%; nghề khác: thợ may, hớt tóc, sửa xe, đạp xích lô, bốc vác, nội trợ .... 21,3%; đánh bắt cá 8,6%; công nhân 7,6%; cán bộ viên chức 3,6%...) .
Trên cơ sở số liệu về HIV/AIDS, tôi xin đưa ra một số nhận định cơ bản về tình hình dịch HIV/AIDS của tỉnh: Dịch HIV/AIDS có xu hướng giảm, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng thấp 0,046% so với chỉ số chung của cả nước, đã có nhiều đối tượng trong cộng đồng bị lây nhiễm HIV và nguy cơ lây nhiễm HIV, hiện nay chủ yếu là do quan hệ tình dục.
Hiện tỉnh đang gặp những khó khăn, hạn chế gì trong công tác phòng, chống HIV/AIDS? Theo ông, cần phải có những giải pháp gì để giải quyết những khó khăn, hạn chế trên?
Ông Nguyễn Thanh Truyền: Về khó khăn, do nguồn kinh phí Trung ương cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 đến nay chưa có, nên việc triển khai các hoạt động hạn chế. Kinh phí địa phương thì đã được cấp, tuy nhiên vì hướng dẫn chi hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo Thông tư 163 không áp dụng được.
Từ trước đến nay hàng năm nguồn bao cao su để triển khai chương trình bao cao su được mua từ nguồn kinh phí trung ương, tuy nhiên do năm nay nguồn hạn chế, không có nên sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới, nếu không có sẽ không triển khai được, kể cả hoạt động can thiệp giảm tác hại của nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng.
Một khó khăn nữa là, phòng xét nghiệm của trung tâm đã được trang bị dàn xét nghiệm PCR, tuy nhiên hiện nay trung tâm đang gặp khó khăn về con người và kỹ thuật để triển khai hoạt động xét nghiệm chẩn đoán sớm PCR và đo tải lượng virus HIV. Đây là hoạt động rất cần thiết trong thời gian tới.
Để giải quyết những khó khăn, hạn chế, trung tâm kiến nghị trung ương phân bổ tăng kinh phí cho Bình Định vì tỉnh không có hỗ trợ từ các dự án quốc tế. Đối với nguồn kinh phí địa phương, trung tâm trình các cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng chi theo Thông tư 163 và mua bao cao su để tiếp tục triển khai chương trình bao cao su và can thiệp giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV.
Đối với xét nghiệm PCR, trung tâm kiến nghị cử cán bộ đi học và thực hành tại phòng xét nghiệm PCR Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa.
Hiện nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang có chiều hướng gia tăng mạnh trên địa bàn, vậy tỉnh sẽ có những giải pháp ưu tiên gì?
Ông Nguyễn Thanh Truyền: Nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục gia tăng, đó là điều đáng lo ngại có thể bùng phát dịch, chúng ta cần phải có những giải pháp tích cực dự phòng. Trước hết, là phải huy động tất cả các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp tham gia tích cực vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng dự phòng lây nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tăng cường đầu tư, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tại mỗi địa phương, nên xác định rõ những nhóm đối tượng dễ có hành vi nguy cơ tình dục không an toàn để có những hoạt động can thiệp sâu, trực tiếp như tư vấn cá nhân, thảo luận nhóm nhỏ, giáo dục đồng đẳng, cấp phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su, vận động xét nghiệm để phát hiện HIV sớm, giúp tiếp cận điều trị thuốc ARV.
Đồng thời, tiếp tục mở rộng triển khai chương trình bao cao su, xây dựng những điểm tuyên truyền, cấp, phát hoặc bán bao cao su, làm thế nào để mọi lúc, mọi nơi người dân đều dễ dàng có được bao cao su, giúp có hành vi an toàn tình dục.
Tỷ lệ nam giới nhiễm HIV chiếm đến gần 72%, chủ yếu tập trung vào các đối tượng di biến động. Vậy theo ông, cần phải làm gì để giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng này?
Ông Nguyễn Thanh Truyền: Các nhóm dân di biến động, bao gồm: ngư dân đánh cá xa bờ, lái xe, lao động tự do ngoại tỉnh, lao động tập trung tại khu công nghiệp… dễ có hành vi tình dục không an toàn vì xa gia đình, dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội khi có tiền. Vì vậy, để có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm đối tượng này, chúng ta cần có những hoạt động thiết thực.
Chẳng hạn, đối với nhóm ngư dân đánh bắt các xa bờ hiện nay, một số địa phương vùng biển tại Bình Định hàng tháng vào mùa trăng, các chị em phụ nữ tổ chức các chuyến xe đi thăm chồng khi tàu cập bến tại các địa phương khác để bán hải sản đánh bắt được và tiếp lương thực, xăng dầu…
Những năm qua, tỉnh cũng đã triển khai các hoạt động tuyên truyền giáo dục trực tiếp cho các đối tượng trên như: tư vấn cá nhân, thảo luận nhóm nhỏ, giáo dục đồng đẳng, cấp phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su, tổ chức nói chuyện chuyên đề phòng chống HIV/AIDS cho công nhân tại các khu công nghiệp... Tuy nhiên, các hoạt động chưa được thường xuyên vì hạn chế về kinh phí và không có hỗ trợ từ các dự án quốc tế.
Xin ông cho biết, tỉnh sẽ tập trung triển khai những hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gì trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Thanh Truyền: Trong thời gian tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động như: Đa dạng hoá các loại hình truyền thông, lồng ghép với các chương trình chăm sóc sức khoẻ, các hoạt động thể thao văn hoá, văn nghệ tại cộng đồng, tổ chức các buổi tập huấn, nói chuyện, hoạt động truyền thông trực tiếp về phòng, chống HIV/AIDS, tọa đàm, thảo luận nhóm, thăm gia đình nhiễm HIV/AIDS, tư vấn…
Bên cạnh đó, tổ chức mở rộng giám sát phát hiện HIV cho các đối tượng có nguy cơ, phát hiện sớm nhiễm HIV và điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Đồng thời, tiếp tục hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV và chương trình bao cao su, nâng cao chất lượng hoạt động nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng để thực hiện giáo dục đồng đẳng cho nhóm phụ nữ bán dâm, duy trì và bảo đảm hoạt động các điểm cung cấp tài liệu truyền thông và bao cao su tại các cơ sở giải trí, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ...
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, tăng cường quảng bá điều trị Methadone trên phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với các ban ngành, địa phương vận động đối tượng nghiện các chất dạng thuốc phiện đến điều trị Methadone.
Về điều trị thuốc ARV, tỉnh sẽ tuyên truyền, tư vấn, vận động tất cả bệnh nhân HIV/AIDS đến cơ sở điều trị ngoại trú và mua bảo hiểm y tế, triển khai kịp thời điều trị bệnh nhân HIV/AIDS bằng bảo hiểm y tế.
▪ Tăng cường năng lực phòng chống ma túy trong trường học (30/09/2016)
▪ 'Muối tắm' - ma túy đột lốt mỹ phẩm (30/09/2016)
▪ Làm việc với Giám đốc USAID mới bổ nhiệm tại Việt Nam (27/09/2016)
▪ Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV ở vùng Tây Bắc dưới 0,3% vào năm 2020 (27/09/2016)
▪ Trẻ nhiễm HIV từ mẹ gia tăng (26/09/2016)
▪ Bệnh loạn dâm phô trương (26/09/2016)
▪ Phòng, chống mại dâm trên cơ sở tôn trọng quyền con người (24/09/2016)
▪ Nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm tiêm chích ma túy giảm (24/09/2016)
▪ Hậu Giang: Cần 3 tỷ đồng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS (23/09/2016)
▪ Thêm một loại “ma túy” xâm hại giới trẻ (23/09/2016)