Phòng, chống mại dâm trên cơ sở tôn trọng quyền con người
Báo Tiếng chuông - 24/09/2016
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều thay đổi đáng kể trong chính sách pháp luật về giải quyết tệ nạn mại dâm. Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm 2011-2015 của Chính phủ áp dụng hướng tiếp cận dựa trên quyền, thực hiện các can thiệp hỗ trợ giảm hại như là biện pháp nhằm giải quyết một số vấn đề liên quan đến mại dâm…

Giảm tác hại của hoạt động mại dâm

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm ngày 19/12/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã nhấn mạnh, phòng, chống mại dâm cần các giải pháp xã hội, tôn trọng nhân phẩm và quyền của con người.

Mới đây nhất, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 7/3/2016 phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020; bao gồm nhiều giải pháp, biện pháp và các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới, trong đó tập trung xây dựng chỉ đạo thực hiện 3 mô hình: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống, bạo lực giới.

 

Dạy cắt tóc cho phụ nữ mại dâm. Ảnh: Nhật Thy

 

Giảm tác hại bao gồm một loạt các chính sách được ban hành nhằm giảm thiểu những hậu quả có tác hại do hành vi của con người gây ra, ngay cả khi hành vi đó chứa đựng nhiều rủi ro và bất hợp pháp. Giảm tác hại trong mại dâm là các can thiệp nhằm làm cho hoạt động mại dâm được an toàn hơn bằng cách áp dụng các nguyên tắc của giảm tác hại.

Một số ý kiến nhận định rằng can thiệp giảm tác hại sẽ gửi thông điệp cho cộng đồng rằng những hành vi rủi ro hoặc bất hợp pháp là chấp nhận được. Tuy nhiên, mại dâm không thể triệt phá/ngăn cấm hết được, luôn tồn tại trong xã hội (vì luôn có nhu cầu) nên chỉ có thể giảm những tác hại của nó cho người bán dâm và cho cộng đồng, giúp cho cộng đồng an toàn. Can thiệp giảm tác hại cho người bán dâm không phải là cổ súy cho mại dâm.

Nâng cao năng lực tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm

Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Cục PCTNXH) phối hợp với Tổ chức CARE trên cơ sở thực tiễn của mô hình câu lạc bộ (CLB) "Chúng tôi là Phụ nữ" đã được triển khai tại Cần Thơ và một số mô hình can thiệp khác tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh đã xây dựng khung kỹ thuật để triển khai thử nghiệm mô hình này tại một số địa phương. Sau khi thực hiện sẽ đánh giá hiệu quả và rút ra bài học kinh nghiệm, khuyến nghị xây dựng chính sách mới cho giai đoạn tiếp theo.

Theo nội dung của Khung kỹ thuật hoạt động của mô hình can thiệp tập trung vào 2 lĩnh vực chủ yếu sau: Tăng cường năng lực cho phụ nữ bán dâm (PNBD) nhằm giúp họ tránh bị bạo lực, bị xâm phạm các quyền cơ bản của con người; người bán dâm (NBD) được tạo các cơ hội và khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ về dạy nghề, sinh kế hiện có trên địa bàn. Ngoài ra để thu hút sự tham gia và đáp ứng nhu cầu thực tế của chị em về chăm sóc sức khỏe, CLB sẽ cung cấp thông tin và kiến thức về STI, HIV/AIDS, điều trị kháng vi rút ART, điều trị thay thế bằng Methadone và giới thiệu chị em đến các cơ sở y tế.  

Mô hình can thiệp được thiết kế sẽ được triển khai trong 3 năm. Năm đầu tiên tập trung vào việc xây dựng mô hình CLB của PNBD và nâng cao năng lực cho nhóm này; kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ và huy động sự ủng hộ của các cơ quan thi hành pháp luật cho hoạt động của CLB. Năm thứ 2, 3, ngoài việc duy trì các hoạt động của CLB, các hoạt động sẽ được thiết kế nhằm vào việc thay đổi thái độ hành vi của các cơ quan thi pháp luật (công an, chính quyền, lao động - thương binh và xã hội, …) trong việc đảm bảo quyền cơ bản của PNBD và tính phù hợp, thân thiện, sẵn có của các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội (y tế, pháp lý, bảo trợ xã hội, dạy nghề, việc làm, sinh kế…).

Hỗ trợ quyền lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ (KDDV) nhạy cảm dự kiến tập trung vào 4 nhóm can thiệp.

Đối với nhóm người lao động làm việc tại các cơ sở KDDV giải trí, cần thiết lập các nhóm đồng đẳng (các CLB) của người bán dâm làm việc tại các cơ sở KDDV nhằm trở thành một điểm đến, diễn đàn đại diện trong việc tự bảo vệ quyền của họ khi làm việc.

Đồng thời tiến hành các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi trong nhóm người lao động tại các cơ sở KDDV giúp họ tự nhận thức được quyền và nghĩa vụ trong mối quan hệ với chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ. Các CLB, các nhóm đồng đẳng sẽ tiến hành hoạt động này.

Tiến hành đào tạo về kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cho các nhóm đồng đẳng viên và hỗ trợ họ làm các hoạt động tiếp cận cộng đồng, giáo dục đồng đẳng, thu thập dữ liệu ở các cơ sở KDDV.

Đối với cộng đồng và chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ, cần tiến hành các can thiệp truyền thông thay đổi hành vi để nâng cao nhận thức cộng đồng và chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng lao động. Tuyên truyền cho những sáng kiến cộng đồng để giảm thiếu kỳ thị và đối xử phân biệt cho người bán dâm trong các cơ sở KDDV.

Mỗi địa bàn thí điểm có thể lựa chọn những hình thức tuyên truyển phù hợp với điều kiện thực tiễn, văn hoá, dân cư….

Tiếp đến, với nhóm các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương (chính quyền, thanh tra lao động, đội kiểm tra liên ngành 178/CP), cần tổ chức các cuộc đối thoại về chính sách giữa nhóm người bán dâm và chính quyền địa phương nhằm tạo sự hiểu biết, đồng thuận giữa đối tượng quản lý và cơ quan quản lý.

Trong giai đoạn 2016-2018, việc thí điểm dự kiến sẽ thực hiện tại 5-10 tỉnh, thành phố được lựa chọn trên cơ sở số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn và số lượng người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ….); đồng thời cũng sẽ thí điểm tại một số tỉnh, thành phố có số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ít để làm đối chứng.

Trong giai đoạn 2018-2020, trên cơ sở kết quả thí điểm quy mô nhỏ, sẽ đánh giá, nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc.