Thêm một loại “ma túy” xâm hại giới trẻ
Báo Tiếng chuông - 23/09/2016
Bóng cười- funkyball- chứa loại khí N2O đang được giới trẻ thi nhau sử dụng để có cảm giác bay bổng mà nó mang lại.

Giới trẻ sử dụng bóng cười tại các quán bar để tạo cảm giác hưng phấn khi nghe nhạc
 
 

Thời gian gần đây, tại một số quán bar, karaoke, vũ trường của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang công khai bán và sử dụng một loại bong bóng làm cho người dùng vui vẻ, phấn khích và cười trong nhiều giờ. Giới trẻ gọi đó là “bóng cười”. Tuy nhiên, đằng sau thú vui tiêu khiển này còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường.

22 giờ, trong tiếng nhạc chát chúa, khói thuốc quện đặc là lờ mờ những gương mặt của các cậu ấm, cô chiêu lắc cười điên đảo. Họ nhìn nhau, ôm nhau, rồi cười theo nền nhạc. Không còn tự chủ, mỗi người mỗi vẻ không còn bình thường trong cư xử. Đó chính là cảm giác khi hít vào khí của “Bóng cười” hay còn gọi là funkyball.

 Một loại khí có tên khoa học là nitrous oxide (N2O), tác động trực tiếp đến hệ thần kinh vỏ não được bơm vào các quả bóng bay, loại bóng cười mới lên ngôi được giới trẻ thi nhau sử dụng để có cảm giác bay bổng mà nó mang lại.

Tại thành phố Hạ Long thời gian gần đây, bóng cười đã trở thành thứ “mê hồn hương” không thể thiếu trong các cuộc vui của giới trẻ, đương nhiên là cả trong các vũ trường, bar và các cuộc sinh nhật.

Vừa hít xong, một bạn trẻ cho tôi biết cảm giác thế này: “Cảm giác như kiểu say rượu vậy, nó tê tê, lâng lâng và nhẹ hơn so với những loại khác như cỏ, đá, ke. Chơi nó cảm thấy rất dễ chịu, dễ chịu hơn rất nhiều. Em cũng biết nó có tác hại nhưng mà chỉ khi mình dùng quá liều hoặc những người có thâm niên bị bệnh tim hoặc một số bệnh gì đấy thì nó mới ảnh hưởng nặng nề chứ còn dùng bình thường như em thì không ảnh hưởng gì lắm”. 

Người chơi “bóng cười” chỉ cần dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng, hít ngược khí trong bóng vào phổi rồi lại thổi ngược lại cho đến khi quả bóng bị xẹp hoặc đến khi cảm thấy đủ phê. Loại khí trong quả bóng sẽ tạo cho người chơi một cảm giác lâng lâng, phấn khích. Giá cho mỗi quả bóng cười là 30.000 đồng, với mức giá bình dân như vậy thì bất cứ ai cũng có thể chơi loại “ bóng cười” này. 

Một dân chơi vẫn thường sử dụng “bóng cười” cùng với bạn bè trong những dịp sinh nhật và hội họp, chia sẻ với chúng tôi rằng: "Cảm giác chơi bóng cười” rất thích, giống như là lướt trên những con sóng, một thứ cảm giác khác nhiều so với các chất kích thích khác, không nhức đầu, không quá căng thẳng mà có thể cười sảng khoái, xả stress rất tốt". 

 “Em sử dụng được 2 tháng rồi, em thấy bạn bè dùng nhiều nên cũng tò mò về loại bóng cười này là gì. Những thứ như là shisha, cỏ, đá thì em cũng đã từng thử qua rồi nên em muốn thử xem cái này nó có khác gì so với những cái kia không”.

Đương nhiên những người kinh doanh “bóng cười” quảng cáo rằng thú chơi này không ảnh hưởng sức khỏe, và họ chứng minh bằng việc tự mình sử dụng trong các cuộc vui với bạn bè. Loại hình dịch vụ này đang trở nên vô cùng phổ biến, được rao bán rộng rãi, công khai và không hề có sự kiểm duyệt nào của các cơ quan chức năng. 

Một nhân viên phục vụ của một quán karaoke trên địa bàn thành phố chia sẻ: “Thi thoảng bọn em cũng có chơi, nhiều lúc khách họ hỏi thì mình phải dùng trước thì mình mới biết để nói với họ, nói chung là chơi bóng này nhẹ hơn shisha, mà chơi bóng xong thì nghe nhạc cũng thích hơn.”

Vì khí cười N2O tác động trực tiếp lên hệ thần kinh nên nhiều chuyên gia đã có những cảnh báo nhất định đối với thú chơi này, nhất là việc lạm dụng quá đà. 

Thạc sỹ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh cảnh báo: “Bóng cười sử dụng khí công thức hóa học N2O. Đây là một loại khí mà khi người sử dụng hít vào thì sẽ tác động lên hệ thống thần kinh trung ương và sẽ gây ra những cảm giác đê mê, nâng nâng, khoái cảm, gây hưng phấn cho người xử dụng. Đối tượng sử dụng do tò mò hoặc do bạn bè rủ rê. Tuy nhiên hiện nay giới trẻ lạm dụng những chất này, có thể tác động đến hệ thống não và gây những tổn thương về não và gây ra những ảo giác cùng những rối loạn tâm thần kèm theo”.

Liên lạc với lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh mới hay, cơ quan này chưa nhận được thông tin gì về mặt hàng gây nghiện này và nếu có lại cũng không thuộc diện quản lý của Chi cục.

Như vậy đã rõ, lại thêm một mặt hàng gây tổn hại đến sức khỏe cộng đồng, nhất là giới trẻ tiếp tục bị bỏ ngỏ. Điều nguy hại không ai có thể làm ngơ nhưng phía các cơ quan quản lý lại bỏ ngỏ. Câu trả lời xin dành lại cho các cơ quan quản lý tỉnh Quảng Ninh.