Nạn mại dâm và những nẻo đường... nhiễm AIDS
Nếu như năm 1996, tỷ lệ nhiễm HIV trong gái mại dâm mới có 0,73% thì đến cuối năm 2002 đã lên tới 6%. Song, nguy hiểm và báo động khẩn cấp là, hiện nay các cơ quan chức năng mới chỉ có thể kiểm soát được 1/3 số phụ nữ hành nghề mại dâm (tức là gần 17.000 người có hồ sơ quản lý trên khoảng 52.000 gái mại dâm, tính đến tháng 3-2003) còn lại, đa số là gái mại dâm trá hình trong những cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, tụ điểm vui chơi.... làm cho gái mại dâm không những bị nhiễm căn bệnh thế kỷ mà còn là nguồn lây truyền mạnh ra cộng đồng xã hội.
Phần lớn gái mại dâm và khách làng chơi đã và đang gieo rắc một cách vô ý thức, thậm chí có ý thức "trả thù đời" bằng cách đổ căn bệnh quái ác HIV/AIDS cho hết người này đến người khác (bạn tình, người yêu, vợ hoặc chồng... của họ). Lây truyền HIV/AIDS ở gái mại dâm hành nghề trong nước đã đành, một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia HIV/AIDS (Trung tâm tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS Bệnh viện Bạch Mai) đã phần nào chứng minh: HIV/AIDS còn có dấu hiệu lây truyền qua biên giới. Cụ thể là sự lưu chuyển từ những cô gái "bán hoa" tại các vùng biên giới giáp ranh giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc (điển hình như: Cửa khẩu Tân Thanh của Lạng Sơn, Hà Khẩu của Lào Cai...) việc mua bán "tình" diễn ra một cách công khai (phía bên Trung Quốc) và lén lút ở biên giới nước ta, và rồi những con vi rút vô cùng nguy hiểm kia đã len lỏi và lây lan từ chính những "ổ chứa" nhớp nháp, bẩn thỉu, hôi hám và thiếu điều kiện vệ sinh đó.
Qua chuyến "công du" viếng thăm những "đại gia" ma túy và các cô gái làng chơi ở Trung tâm 05 - 06 Đác Lắc (tỉnh Đác Lắc), các "nhà HIV học" còn chứng kiến những cảnh ngộ éo le nhưng cũng rất cảm động, đó là cảnh những "con nghiện" ở Trung tâm 06 leo qua tường rào Trung tâm 05 (hai trung tâm chỉ cách nhau một bức tường rào) để "tình tự" với các nữ học viên. Được biết, trong số đối tượng này, không ít kẻ đã mắc phải căn bệnh HIV/AIDS.
Một nghịch lý cũng đau lòng không kém, đó là hiện nay phần lớn gái mại dâm cũng đồng thời "ghiền" luôn cả ma túy, trong đó có một tỷ lệ lớn gái mại dâm thường xuyên sử dụng chung bơm, kim tiêm. Điều đó nói lên tính nguy cơ "kép" đối với gái mại dâm. Chính việc đó vừa làm cho họ có nguy cơ nhiễm HIV từ khách mua dâm, vừa khiến cho họ có thể bị dính AIDS từ việc tiêm chích.
Cần một hành lang pháp lý hoàn hảo hơn
Trước thực trạng lây nhiễm HIV ngày càng gia tăng trong gái mại dâm, thời gian qua đã có rất nhiều dự án, chương trình, mô hình can thiệp... của cộng đồng vào nhóm đối tượng mại dâm để giảm tác hại và hạn chế nguy cơ lây nhiễm của căn bệnh này. Trong đó, có giải pháp phân phát bao cao-su (BCS) cho gái mại dâm. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng và có tính khả thi cao. Nhưng, thực tế hiệu quả của chương trình này thật quá xa vời. Mặc dù có tới 99% số người nhận thức được khả năng phòng chống HIV/AIDS của BCS nhưng chỉ có 78% đối tượng muốn sử dụng BCS khi có quan hệ tình dục với khách và chỉ có 38% sử dụng ở mức độ thường xuyên; 42,7% thỉnh thoảng mới sử dụng và 19,3% thú nhận: chưa bao giờ dùng BCS khi... "đi khách".
Nghiêm trọng hơn, PGS, TS Nguyễn Chí Phi (Giám đốc Trung tâm tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS - Bệnh viện Bạch Mai) cũng thông báo, trong số đối tượng sử dụng BCS khi quan hệ mại dâm, chỉ có 10 - 20% sử dụng đúng cách. Và, sau khi kết thúc một loạt nghiên cứu về vấn đề này, bác sĩ Phi đã rút ra kết luận: nhận thức của gái mại dâm về việc giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS đã được "cải thiện" nhưng hành vi an toàn lại chưa được "cải thiện" mấy.
Ngoài ra, trong hoạt động phổ biến BCS trong phòng chống HIV/AIDS còn gặp phải "rào cản" về mặt pháp lý. Thí dụ như những nhà hàng, khách sạn có sẵn BCS cho khách có thể bị coi là chứa chấp mại dâm. Đối với một số đối tượng hành nghề mại dâm thì việc mang BCS trong người được coi là bằng chứng hoạt động mại dâm. Điều này gây trở ngại cho việc phổ biến và cung ứng BCS cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao và nhóm những người vì công việc mà hay phải đi lại... Trong khi đó, dưới giác độ pháp lý và thực tiễn, việc tiến hành biện pháp can thiệp này là hoàn toàn hợp pháp và là yêu cầu thực tế đang đặt ra có tính bức xúc...
Chính vì lẽ đó ông Đặng Thanh Sơn (Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Bộ Tư pháp) đã đưa ra kiến nghị: Đề nghị các bộ, ngành liên quan (Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an...) nên tính đến việc xây dựng và ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện biện pháp can thiệp giảm tác hại bằng cách sử dụng BCS trong phòng chống HIV/AIDS; xây dựng mô hình giáo dục đồng đẳng, tiếp thị BCS phòng chống HIV/AIDS, tạo cơ sở cho sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và nhận thức thống nhất, thông suốt vấn đề này.