Ký ức về thời kỳ đầu phòng, chống AIDS ở Việt Nam
Báo Tiếng chuông - 10/10/2016
Muốn phòng, chống AIDS thành công, chúng ta cần xây dựng hành lang pháp lý để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia; chống lại và tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị phân biệt đối xử, tôn trọng quyền con người và nêu cao vai trò của những người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong hoạt động phòng chống AIDS.

Năm 1990, chúng ta phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên tại TPHCM. Thời đó, những hiểu biết về HIV/AIDS chưa được nhiều. Người ta coi “HIV/AIDS là đại dịch thế kỷ”, là “căn bệnh vô phương cứu chữa” hay “AIDS là chết”… Sự hù dọa về HIV/AIDS quá mức trong những thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước đã dẫn đến sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS rất nặng nề.

Ở giai đoạn đó, dường như trong xã hội có một sự mặc định là những người nhiễm HIV/AIDS là những người nếu không sử dụng ma túy cũng là người liên quan đến mại dâm. Thân phận của những người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS rất bi đát. Họ bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử ngay tại gia đình mình, tại cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống, tại nơi làm việc, tại nhà trường và thậm chí trong các cơ sở y tế. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS phải rời bỏ làng xóm, quê hương đến những vùng xa xôi khác nhằm giấu đi thân phận bị nhiễm HIV của mình. Không ít những người trong số họ tìm đến cái chết.

Có thể nói, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong giai đoạn đó gặp rất nhiều khó khăn. Sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS là rào cản làm ảnh hưởng nặng nề đến công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở nước ta.

 

 

PGS. TS Chung Á và bà bà Hillery Clinton chụp năm 2001 - Ảnh: Tư liệu Nhà Trắng

Nhận thức được HIV/AIDS là mối hiểm họa to lớn của nhân loại, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của giống nòi và sự phát triển bền vững của đất nước, năm 1992, được sự đồng ý của lãnh đạo Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với tư cách là Giám đốc Trung tâm Xã hội học của Học viện, tôi làm chủ biên biên soạn giáo trình: “HIV/AIDS và lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta” để giảng dạy cho học viên các lớp cao cấp chính trị của hệ thống Học viện chính trị quốc gia.

Nhờ chương trình giảng dạy này trong hệ thống học viện, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp từ cơ sở đến Trung ương đã từng bước hiểu được về HIV/AIDS, về mối hiểm họa to lớn của đại dịch đến sự phát triển bền vững của đất nước, hiểu được đầu tư cho công tác phòng, chống AIDS là đầu tư cho sự phát triển; đồng thời hiểu giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp hiểu muốn lãnh đạo công tác phòng chống AIDS thành công thì cần phải xóa bỏ triệt để sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Trước tình hình HIV/AIDS đang gia tăng trên cả nước, năm 1994, Chính phủ đã nâng cấp Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS từ trực thuộc Bộ Y tế thành một Ủy ban trực thuộc Chính phủ do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia. Chính phủ cũng xác định được HIV/AIDS không chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề xã hội cấp bách và quan trọng.

Chính vì vậy,từ năm 1996, bên cạnh Bộ trưởng Bộ Y tế là Phó Chủ tịch Thường trực của Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ đã bổ nhiệm thêm tôi với tư cách là một nhà xã hội học làm Phó Chủ tịch chuyên trách kiêm Chánh văn phòng của Ủy ban quốc gia.

Nhận nhiệm vụ mới ở Ủy ban, có nhiều công việc phải làm, nhưng tôi luôn ý thức được rằng, trong lúc chưa tìm ra được vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS thì việc trang bị kiến thức đầy đủ cho các tầng lớp nhân dân về HIV/AIDS, về cách thức phòng ngừa và truyền thông thay đổi hành vi, thực hiện các hành vi an toàn được coi như là loại “vắc xin” hữu hiệu nhất ngăn ngừa sự lan nhiễm HIV. Bên cạnh đó, cần thiết phải tăng cường sự cam kết chính trị và hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống HIV/AIDS, từng bước xóa bỏ sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, hoàn thiện và xây dựng bộ máy phòng, chống AIDS cũng như tăng cường nguồn lực cho phòng, chống AIDS . Đó là những vấn đề có ý nghĩa quyết định sự thành bại của công cuộc phòng, chống AIDS ở nước ta.

Để từng bước xóa bỏ sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, điều quan trọng lúc bấy giờ là việc thay đổi các thông điệp truyền thông, thay các thông điệp mang tính hù dọa sang các thông điệp mang tính cảnh báo, hướng dẫn, đùm bọc, giúp đỡ, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ. Các nhóm bạn giúp bạn, các nhóm giáo dục đồng đẳng đã được ra đời và mạng lưới các nhóm này ngày càng được mở rộng chẳng những ở các thành phố như Hà Nội, TPHCM mà còn ở hầu khắp các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn,Thái Bình, Cần Thơ, An Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, Thanh Hóa…

Trong phòng, chống AIDS yếu tố nguồn lực tài chính gĩư một vai trò quan trọng. Sở dĩ công cuộc phòng chống AIDS trên toàn cầu thu được những kết quả to lớn trong thời gian qua, bên cạnh sự cam kết mạnh mẽ về chính trị của các quốc gia còn do nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu đã tăng từ 3 tỷ USD năm 2001 lên 15 tỷ USD năm 2015; và dự kiến 25 tỷ USD cho đến năm 2025 để kết thúc đại dịch vào năm 2030.

Hiểu được tầm quan trọng của việc đầu tư nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ đã tăng đầu tư từ 15 tỷ đồng năm 1993 lên 50 tỷ đồng, rồi 150 tỷ đồng vào những năm đầu năm 2000.

Bên cạnh việc tăng cường đầu tư bằng nguồn kinh phí trong nước, chúng ta đã kêu gọi viện trợ và hỗ trợ quốc tế. Nhớ những ngày đầu phòng, chống AIDS ở Việt Nam, Tiến sỹ Stive Kraus, thời đó là cố vấn kỹ thuật của UNAIDS bên cạnh Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS Việt Nam, nay là Giám đốc UNAIDS khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc, đã cùng tôi đi đến nhiều sứ quán của các nước Đức, Mỹ, Úc, Anh, Pháp… xin hợp tác và viện trợ cho Việt Nam phòng, chống AIDS. Lần lượt các dự án với CDC, với FHI, Ford Foundation (Hoa Kỳ), GTZ , KFW (Đức), DFID (Vương quốc Anh), ADB… ra đời, đã tăng thêm nguồn lực cho công cuộc phòng, chống AIDS ở nước ta.

Tôi còn nhớ năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao và ngày 9/5/1997, ông Pete Peterson được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm là Đại sứ Hoa kỳ đầu tiên tại CHXHCN Việt Nam. Ông Peterson từng là cựu phi công Mỹ bị bắn rơi máy bay tại Hải Dương khi ném bom cầu Phú Lương vào năm 1966 và bị bắt làm tù binh giam tại Hỏa Lò cho đến năm 1973, được ta trao trả cho Hoa Kỳ. Ông Pete Peterson sang Việt Nam với nhiều nỗi niềm. Tôi được gặp ông và thân với ông trong nỗ lực phòng, chống AIDS tại Việt Nam. Ông Pete coi hỗ trợ cho Việt Nam trong phòng, chống AIDS không những là vấn đề nhân đạo mà còn là giúp nhịp cầu cho quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển hơn.

Ông Pete Peterson tạo điều kiện cho tôi và nhiều đoàn Việt Nam đến Hoa kỳ để làm việc với các cơ quan phòng, chống AIDS của Mỹ như CDC Atlanta, NIH, USAID, Đại học Harvard, Đại học John Hopkin… Đó là bước đi ban đầu mở ra sự hợp tác to lớn trong những năm sau trên lĩnh vực phòng, chống AIDS. Những dự án như Life Gap, CDC, FHI, Ford Foundation, PEPFAR đã tạo tiền đề về nguồn lực kinh phí và năng lực chuyên môn cho Việt Nam trong phòng, chống AIDS… Tôi cũng đã từng gặp, tiếp xúc với bà bà Hillery Clinton để bàn những vấn đề mà Hoa Kỳ tài trợ cho Việt Nam trong công tác phòng, chống AIDS.

Ngày nay, khi chúng ta đã đạt được nhiều thành quả trong phòng, chống HIV/AIDS, nhớ lại thời buổi ban đầu đầy cam go và khó khăn, chúng ta có thể rút ra những bài học vô cùng quan trọng. Đó là, muốn phòng, chống AIDS thành công, dù ở cấp độ nào (toàn cầu, khu vực, quốc gia hay ở cộng đồng) thì nhân tố quan trọng hàng đầu là sự cam kết chính trị mạnh mẽ, là sự nhập cuộc vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của các nhà lãnh đạo, những người có uy tín trong cộng đồng, những người nắm giữ vai trò quyết định của sự tồn tại và phát triển.

Đồng thời với sự cam kết chính trị là phải xây dựng cho được Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS với các mục tiêu và chương trình phòng chống AIDS phù hợp, coi trọng các biện pháp dự phòng và chăm sóc điều trị, trong đó truyền thông bao giờ cũng giữ vị trí tiên quyết.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hành lang pháp lý đủ sức để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia; chống lại và tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị phân biệt đối xử, tôn trọng quyền con người và nêu cao vai trò của những người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong hoạt động phòng chống AIDS.

Một nhân tố mang tính quyết định cho sự thành bại của công cuộc phòng, chống AIDS nữa là không bao giờ vì một khó khăn nào đó mà cắt giảm nguồn lực đầu tư cho phòng, chống AIDS. Vì nếu cắt giảm nguồn lực cho phòng chống AIDS thì chắc chắn một làn sóng lây nhiễm HIV/AIDS mới sẽ lại bắt đầu tàn phá sự tồn tại và phát triển của các quốc gia…