Sự cần thiết của truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS
Báo Tiếng chuông - 20/05/2016
Việt Nam đã trải qua 25 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS. Từ chỗ cán bộ và người dân không có hiểu biết gì về HIV/AIDS thì theo một số các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, khi được hỏi có tới gần 100% người dân đã từng nghe nói về HIV/AIDS.
Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh: Kim Thoa

 

Trong những năm gần đây, các dự án quốc tế không còn tập trung vào các hoạt động truyền thông. Ba năm trở lại đây, chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cũng đã liên tục cắt giảm kinh phí dự án truyền thông. Một câu hỏi đặt ra là liệu truyền thông phòng, chống HIV/AIDS có còn thực sự cần thiết trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS?

 

Thực trạng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS

Trong những năm qua, hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng khắp, với sự tham gia của hầu hết các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và của quần chúng nhân dân. Công tác truyền thông được thực hiện dưới nhiều hình thức, đa dạng, phong phú về nội dung và kết quả đã nâng cao được hiểu biết của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các định hướng truyền thông và cách thức tổ chức thực hiện đã được các Bộ, ngành cụ thể hóa thông qua việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chương trình phối hợp.

Hằng năm, 63 tỉnh, thành đã tổ chức tốt tháng Hành động phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1/12) với sự tham gia của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân. Tổ chức nhiều sự kiện, xây dựng nhiều mô hình tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều mô hình truyền thông trực tiếp đã được triển khai tại các tỉnh, thành phố đã đóng góp lớn trong công tác thông tin, giáo dục truyền thông tới nhiều đối tượng đặc biệt là cho nhóm có hành vi nguy cơ cao, mang lại thành qủa đáng kể làm thay đổi nhận thức của người dân về HIV/AIDS.

Theo kết quả điều tra quốc gia về hành vi và kiến thức phòng, chống HIV/AIDS ở nhóm nam nữ thanh niên tuổi 15–24 cho thấy: Tỷ lệ  trả lời đúng tất cả biện pháp dự phòng lây truyền HIV và từ chối những quan điểm sai lầm về đường lây truyền HIV đã tăng lên từ 40,8% (năm 2009) lên 49,9% năm 2011. Mặc dù vậy, kết quả mong đợi về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư vẫn chưa đạt được so với mục tiêu đề ra.

Báo cáo điều tra kiến thức và hành vi về HIV/AIDS tại Hà Nội, Khánh Hòa và TPHCM năm 2014 cho thấy, nhận thức đúng về HIV thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đặt ra tới năm 2015, cụ thể tỷ lệ nhận thức đúng về HIV chỉ là 47,2%. Tỷ lệ không phân biệt đối xử và kỳ thị chỉ là 24,1%; Báo cáo MICS 2014 (Điều tra đánh giá các mục tiêu phụ nữ và trẻ em năm 2014) chỉ có 49.3% phụ nữ trẻ từ 15-24 tuổi xác định đúng cách phòng tránh lây nhiễm HIV và bác bỏ các quan niệm sai lầm về lây truyền HIV. Điều tra học sinh THCS và THPT khu vực Tây Bắc năm 2014 chỉ có 34,2% các em có kiến thức đúng về HIV.

Các chỉ số này ở vùng đồng bào dân tộc còn ở mức thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành phố lớn kể trên. Báo cáo điều tra chọn mẫu về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS của đồng bào dân tộc thiểu số tại ba tỉnh An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang của Dự án phòng, chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ thực hiện năm 2012 cho thấy sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS của đồng bào dân tộc tại các địa phương này chỉ từ 9,7 - 20,9% ở cả 2 nhóm tuổi 15-24 và 25 – 49. Báo cáo UNGASS 2011, tỷ lệ người hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cả hai nhóm tuổi trong quần thể chung đều cao hơn nhiều so với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ ở nhóm tuổi 20-24 là 47% và nhóm tuổi từ 15-19  là 40%.

Điều tra mẫu của Dự án phòng, chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ về kiến thức, thái độ và thực hành của đồng bào dân tộc thiểu số trong nhóm tuổi 15-49 tại một số tỉnh, thành phố cũng cho thấy tỷ lệ người dân tộc thiểu số có thái độ tích cực với người nhiễm HIV là rất khác nhau. Tỷ lệ này tại Cao Bằng chỉ có 8,1%, tại Nghệ An là 14,1%. Một số tỉnh tỷ lệ này cao hơn như Yên Bái và Thanh Hóa nhưng cũng chỉ đạt xấp xỉ 50%. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn tỷ lệ chung toàn quốc.

Như vậy, công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS vẫn rất cần thiết phải được tăng cường trong thời gian tới với những cách làm mới, thông điệp mới để có hiệu quả cao nhất.

 

Truyền thông vẫn là biện pháp chủ yếu

Rõ ràng, có truyền thông thì người dân mới có thể nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi an toàn về phòng, chống HIV/AIDS, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng, chống.  Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi nhằm khuyến khích cộng đồng cùng tham gia đối thoại về các yếu tố lây lan của HIV/AIDS, các hành vi nguy cơ và các yếu tố làm tăng hoặc giảm các hành vi nguy cơ. Từ đó, tạo ra nhu cầu về thông tin, dịch vụ và thúc đẩy hành động, thực hiện hành vi an toàn để làm giảm nguy cơ và làm giảm sự kỳ thị xã hội.

Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi giúp mọi người  hiểu biết đúng đắn và đầy đủ hơn về HIV/AIDS, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong cộng đồng.

Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, thu hút dư luận xã hội ủng hộ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, duy trì bền vững những thành quả đã đạt được. Đồng thời, thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi còn góp phần định hướng cho mọi người thực hiện pháp luật và các chính sách về phòng, chống HIV/AIDS, kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và các dịch vụ hỗ trợ về kinh tế xã hội khác, tạo môi trường thuận lợi cho mọi người duy trì việc thực hiện các hành vi an toàn.

 

Cần làm gì trong bối cảnh nguồn lực hạn chế?

Trong thời gian tới, nguồn lực hạn chế sẽ là thách thức và cũng là cơ hội thể hiện sự năng động, sáng tạo của địa phương đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và truyền thông phòng, chống HIV/AIDS nói riêng. Cần ưu tiên truyền thông với nhóm đối tượng đích, tác động mạnh tới tình hình dịch như nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và vợ hoặc bạn tình của họ.

Các thông điệp truyền thông ngoài các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS cần nhấn mạnh vào lợi ích của các dịch vụ can thiệp, dự phòng, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS để mọi người nhận thức đúng về dịch và người nhiễm HIV, người dễ bị lây nhiễm biết được lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm để tiếp cận sớm với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Đa dạng các kênh truyền thông, lấy truyền thông trực tiếp là chủ yếu để tạo sự thay đổi hành vi và duy trì hành vi bền vững. Lồng ghép triệt để truyền thông phòng chống HIV/AIDS vào các hoạt động chung của ngành y tế và các ban ngành đoàn thể để tăng hiệu quả của thông tin, truyền thông. Kết hợp truyền thông thay đổi hành vi và vận động xã hội nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.