Phấn đấu 3 tăng, 2 giảm trong phòng, chống mại dâm
Báo Tiếng chuông - 13/05/2016
Đó là tăng số lượng các tỉnh có kết nối với mạng lưới người bán dâm,; tăng số người được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe định kỳ; tăng số người được tiếp cận với việc học nghề, vay vốn, tạo việc làm. Giảm được số ca lây nhiễm HIV qua đường tình dục; giảm được các vụ việc liên quan đến buôn người vì mục đích mại dâm, các vụ môi giới, bạo lực đối với người bán dâm.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại Hội nghị

 

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm tại Hội nghị Triển khai chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức ngày 12/5 tại Hà Nội.

Hơn 11.000 người bán dâm có hồ sơ quản lý

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, trong đó, tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng 3.673 người; Đông Bắc 913 người; Bắc Trung bộ 887 người; Đông Nam Bộ 3.200 người; Đồng bằng Sông Cửu Long 1.374 người; các khu vực khác là 1.189 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó.

Xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook,… Tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng; đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau.

Tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Cụ thể, nguy cơ lây lan các bệnh xã hội, HIV/AIDS qua đường tình dục do quan hệ tình dục không an toàn (tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng gia tăng (45,3%) chiếm tỷ lệ cao nhất trong các đường lây truyền khác; tỷ lệ hiện nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là 3,9% (tăng gần 2 lần so với năm 2012); người hoạt động mại dâm thường bị bạo lực, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc, bóc lột tình dục; bị kỳ thị, xa lánh, khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội…

Tệ nạn mại dâm cũng làm gia tăng các băng nhóm, tổ chức tội phạm mua bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán người, tổ chức hoạt động mại dâm ở một số địa phương. Hình thành những đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm...; tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm có chiều hướng gia tăng không chỉ ở trong nước và ngoài nước.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Chưa thể coi mại dâm là một nghề

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, mại dâm là một tồn tại khách quan, đã xuất hiện từ xa xưa, khó có thể xóa bỏ được. Cho đến nay, Việt Nam luôn quán triệt chưa thể coi mại dâm là một nghề. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phải thay đổi cách tiếp cận với vấn đề này để có thể giảm hại một cách hiệu quả nhất.

“Chúng ta phải bàn cách ứng phó với thực tại mại dâm hiện nay. Việc đầu tiên cần làm là rà soát, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật sao cho phù hợp với thực tiễn. Sau đó là truyền thông nâng cao nhận thức, không chỉ đối với người bán dâm mà còn đối với chính những người làm công tác hỗ trợ, giảm hại. Làm thế nào để tiếp cận được với người bán dâm trên cơ sở tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư. Tiếp đến là đào tạo tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ làm quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nói.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng đánh giá cao những đóng góp mà mạng lưới hỗ trợ người bán dâm hiện có tại 33 tỉnh thành đã làm được trong việc hỗ trợ tiếp cận, giảm hại. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm coi mạng lưới này như là một “cánh tay nối dài” giúp địa phương quản quản lý, nắm rõ tình hình mại dâm tại địa bàn.

3 tăng, 2 giảm trong phòng, chống mại dâm

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm yêu cầu các địa phương, trong năm 2016 phải phấn đấu được 3 tăng, 2 giảm trong phòng, chống mại dâm.

Cụ thể, tăng số lượng các tỉnh có kết nối với mạng lưới người bán dâm, từ đó nắm được đúng thực trạng mại dâm hiện nay. Tăng số người được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe định kỳ. Tăng số người được tiếp cận với việc học nghề, vay vốn, tạo việc làm. Giảm được số ca lây nhiễm HIV qua đường tình dục; giảm được các vụ việc liên quan đến buôn người vì mục đích mại dâm, các vụ môi giới, bạo lực đối với người bán dâm.

Để làm được điều này, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, các địa phương cần chủ động tìm giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để việc triển khai mang lại hiệu quả tốt nhất. Cần bám chắc vào các quan điểm, giải pháp chung đã được đưa ra trong Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.