Toàn cầu đang chống AIDS ra sao?
Các Website khác - 17/07/2004

Chăm sóc trẻ bị nhiễm ADIS tại trung tâm nuôi dạy trẻ Tam Bình TPHCM - Ảnh: T.T.D.
TTCN - Hai năm một lần, các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà hoạt động y tế và nhân đạo lại họp để tổng kết và bàn bạc kế sách chống đại dịch AIDS. Năm nay, có khoảng 17.000 người đến Bangkok (từ 11 đến 16-7) để dự hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 15.

Đã có thêm một số tiến bộ trong nghiên cứu khoa học điều trị HIV - AIDS, nghĩa là có thêm những hi vọng mới. Thế nhưng, điều đó sẽ chỉ có ý nghĩa khi sự tiếp cận của người bệnh với thuốc men dễ dàng hơn, rẻ tiền hơn. Vấn đề là không phải ai cũng có tiền để chi trả tiền thuốc, nước nào cũng có đủ ngân sách chữa chạy cho những người dân vướng bệnh, trong khi các nước tài trợ lại chưa chung sức với nhau. Có trường hợp nước cần tài trợ e ngại nước tài trợ...

Mặt khác, tuy vẫn biết bệnh AIDS lây lan qua nhiều ngả khác nhau, song hơn bao giờ hết tại Bangkok, một thông điệp đạo đức được đưa ra - cái bao cao su chưa đủ để phòng ngừa AIDS mà còn cần đến lòng chung thủy để người ta bớt sống lang chạ. Một nét chính nữa: phụ nữ vẫn là nạn nhân hàng đầu. Và thanh niên ngày càng nhiễm HIV/AIDS sớm hơn, chủ yếu do yêu đương sớm và bừa bãi. Một thông tin khác: châu Á sẽ gặp khó khăn nếu không rút kinh nghiệm của châu Phi. Còn rất nhiều chủ đề khác ở hội nghị khổng lồ này.

Hội nghị càng đáng để người Việt chúng ta quan tâm trong bối cảnh có những thông tin về việc VN được Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách 15 nước được hưởng chương trình viện trợ chống AIDS.

Một góc hội nghị được phản ánh qua Sổ tay Bangkok (Bangkok notebook) hằng ngày của hội nghị, một bàn tròn thảo luận quanh nhà báo - khách mời của WHO là Jon Cohen (Mỹ) của tờ Science Magazine, tạp chí khoa học uy tín hàng đầu của Mỹ và thế giới. Qua bàn tròn này có thể thấy được nhiều vấn đề phức tạp tại một hội nghị toàn cầu chống đại dịch AIDS. TTCN trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Sổ tay Bangkok ngày 12-7

Jon Cohen: Tôi đã chứng kiến chín lễ khai mạc hội nghị trước và đặc biệt để ý đến số người ở lại đến cuối. Lần này có khoảng 11.000 người dự lễ khai mạc, tương đương các lần trước, song đến hết buổi chỉ còn vài trăm trong hội trường khổng lồ này. Các nhà lãnh đạo đăng đàn diễn thuyết đều đã ra về giữa chừng. Mọi người bỏ ngang, kể cả diễn viên Richard Gere và cô hoa hậu hoàn vũ mà khi bước vào đã thu hút biết bao dưới ánh đèn! Tôi xót xa cho các diễn giả và những ai đã mất hai năm trời để lo việc tổ chức.

(...) Tôi nghĩ rằng hội nghị này không chỉ để các nhà khoa học gặp nhau trao đổi thông tin, mà là toàn thể cộng đồng những ai quan tâm đến HIV/AIDS, kể cả những nhà lãnh đạo thế giới. Do lẽ để thật sự ngăn chặn HIV cần phải có giới lãnh đạo cấp cao nhất. Cho nên tôi thấy đây thật sự là chuyện nghiêm trọng.

(...) Thách thức hiện nay trên toàn thế giới là phải dấn thân hành động, dấn thân lâu dài cho HIV - AIDS. Chữa trị cho người dân mới chỉ là bước khởi đầu, tiếp tục chữa trị mới là thách thức thật sự. Vấn đề không chỉ là cung cấp thuốc cho người dân trong một năm mà là cả đời. Việc các nhà lãnh đạo không buồn ngồi lại cho đến cuối và việc thiên hạ bắt chước họ bỏ về như là biểu tượng cho sự bỏ dở những cam kết.

(...) Phái đoàn Mỹ không đến dự hội nghị chính là phái đoàn của Bộ Y tế và dịch vụ con người (NIH). Đúng ra, họ có đến song rất ít. Một lần nữa, đây là sự vắng mặt đầy tính biểu tượng. NIH tài trợ cho nghiên cứu bệnh AIDS nhiều hơn bất kỳ tổ chức nào, song đã chỉ phái một vài người đến trình bày những phát hiện hàng đầu của mình. Điều đó cho thấy thông điệp của NIH là rất rõ: hội nghị này chẳng quan trọng gì đối với họ.

Sổ tay Bangkok ngày 13-7

* Hôm nay tại hội nghị, Jim Kim của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố rằng các nỗ lực của thế giới nhằm hướng đến “một sự tiếp cận chống AIDS” cho mọi người đã là một thảm bại đáng thương. Điều đáng chú ý là ông ta nắm 3/5 chương trình chống AIDS của WHO. Tại sao ông ấy lại thành thật như vậy?

- Jon Cohen: Quả thật là lạ việc một viên tướng lại nói rằng quân địch đang tiến và quân ta đang thua... Tại hội nghị Barcelona cách đây hai năm người ta đã hi vọng to tát rằng thuốc chữa trị sẽ nhanh chóng đến tay người bệnh trên thế giới. Nay điều đó vẫn chưa xảy ra. Dù đã có thuốc rẻ, đã có tiền song thuốc vẫn không đến tay người bệnh. Thế cho nên tôi hiểu tại sao ông Kim lại phẫn nộ. Tôi nghĩ rằng ông ta thật sự muốn nói rằng: “Chính các chương trình do tôi chủ trì đang đứng trước nguy cơ sụp đổ chứ không phải của ai khác!”. Điều đó buộc thiên hạ phải khẩn trương hơn ngay từ bây giờ, khi mà hằng ngày có đến 14.000 người chết vì AIDS. Cuộc đua giữa cái sống và cái chết không đợi ai.

* Rất nhiều phẫn nộ hướng trực tiếp về phía Mỹ. Tại sao thế?

- Jon Cohen: Thật là lạ do lẽ Hoa Kỳ chi nhiều tiền cho HIV-AIDS hơn bất cứ nước nào khác. Song cũng có thể hiểu tại sao thiên hạ lại nổi giận. Sự giận dữ đến từ việc Chính phủ Mỹ đã đóng góp vào quĩ toàn cầu này song lại thực hiện qua kênh quan hệ song phương của mình nên điều đó có nghĩa là đồng tiền viện trợ đi đến đâu và như thế nào là do Hoa Kỳ quyết định và thương thuyết với chính phủ đó theo ý mình.

* Ông đang nói đến lý do chính trị. Song ở đây lại đang là một hội nghị khoa học.

- Jon Cohen: Tin hay không tùy bạn nhưng vấn đề là như thế. Thật là kỳ lạ khi mà tại đây, khoa học xếp sau chính trị.

DU LONG