18/10 dự kiến khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 11
Các Website khác - 22/08/2005
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7. Ảnh: Anh Tuấn

Phiên họp dự kiến kéo dài 39 ngày. Việc thông qua luật cải tiến theo hình thức đại biểu được chia làm 2, thảo luận ở 2 hội trường. Quốc hội sẽ dành 5 ngày để nghe báo cáo giám sát, chất vấn trực tiếp tại hội trường. Lần đầu tiên các văn kiện trình đại hội Đảng sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội.

Đó là những nội dung đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An chốt lại trong buổi thảo luận chiều 22/8 về nội dung kỳ họp thứ 8.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu bàn thảo liên quan đến 4 văn kiện Đảng được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Trước đó, Văn phòng Quốc hội đề nghị chỉ thảo luận Đề cương báo cáo chính trị và Đề cương báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010). 2 văn kiện còn lại (báo cáo công tác xây dựng Đảng và báo cáo bổ sung, sửa đổi điều lệ Đảng) thuộc về nội bộ Đảng.

Không đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Nguyễn Văn An cho rằng: "Đảng dựa vào nhân dân để xây dựng lực lượng. Quốc hội lại là cơ quan đại diện của nhân dân. Với tinh thần ấy, tôi thấy cần thiết để Quốc hội thảo luận cả 4 văn kiện".

Cải tiến cách thức thông qua luật

Kỳ họp thứ 8 dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 9 dự luật đã được cho ý kiến ở kỳ họp trước và 1 nghị quyết; xem xét thông qua 5 dự luật; cho ý kiến về 9 dự luật khác. Để giải quyết mâu thuẫn thời gian kỳ họp có hạn, trong khi khối lượng công việc lớn, Văn phòng Quốc hội đã xin phép thực hiện cải tiến cách thức thảo luận. Theo đó, đại biểu Quốc hội sẽ chia làm 2, thảo luận tại 2 hội trường với những dự luật khác nhau. Đại biểu có thể luân phiên ngồi ở 2 hội trường, góp ý kiến cho những dự luật mà mình quan tâm.

Lý giải cho sự thay đổi trên, ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc chia 2 hội trường sẽ làm tăng thời gian thảo luận, phân tích vấn đề sâu sắc và chất lượng hơn. Ủy ban thường vụ nhất trí với phương án này, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội vẫn băn khoăn: "Thực tình tôi không hài lòng ,vì đã là kỳ họp Quốc hội thì phải thảo luận chung. Nhưng nếu không cải tiến thì thời gian kỳ họp sẽ kéo dài thêm 5 ngày (dự kiến hiện nay là 39 ngày)".

Truyền hình trực tiếp phiên thảo luận luật phòng chống tham nhũng

Ông Đỗ Duy Thường, Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị tăng thời lượng truyền hình trực tiếp kỳ họp Quốc hội. Lý do, theo ông Thường là nhiều dự luật, như luật phòng chống tham nhũng, luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí được người dân quan tâm và góp ý rất nhiều. Nếu tường thuật trực tiếp, người dân xem sẽ biết được ý kiến của mình có được tiếp thu hay không, tiếp thu đến đâu. Từ đó ý thức góp ý xây dựng luật, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân sẽ nâng cao.

Ý kiến này của ông Thường được Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình ủng hộ. "Nên cắt bớt một số buổi biểu diễn ca nhạc trên truyền hình để dành thời gian tường thuật trực tiếp kỳ họp. Ở các nước có hẳn một kênh truyền hình tường thuật các kỳ họp Quốc hội", ông Bình đề xuất. Ngay lập tức ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Nguyễn Văn An: "Càng mở rộng truyền hình trực tiếp càng tốt, vì sẽ tuyên truyền được pháp luật. Tuy nhiên, điều kiện hiện nay chưa thể có kênh truyền hình riêng, chúng ta phải làm dần dần".

Như vậy, ngoài phiên khai mạc, bế mạc, trả lời chất vấn, thì các phiên thảo luận thông qua 3 dự luật phòng chống tham nhũng, luật thực hành tiết kiệm - chống lãng phí và luật nhà ở, 2 báo cáo giám sát chuyên đề cũng được truyền hình trực tiếp.

Kỳ họp thứ 8 dự kiến khai mạc vào ngày 18/10. Đại biểu sẽ thảo luận tại 2 hội trường về 4 văn kiện: Đề cương báo cáo chính trị; Đề cương báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010); Báo cáo công tác xây dựng Đảng; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi điều lệ Đảng.

2 báo cáo giám sát về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn từ năm 2001 đến nay và việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được truyền hình trực tiếp trong 2 ngày. Kế tiếp là 3 ngày nghe kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn.

Về công tác xây dựng pháp luật, dự kiến kỳ họp thứ 8 sẽ thông qua 9 luật đã được Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ 7, gồm:

1. Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)
2. Luật hối phiếu
3. Luật sở hữu trí tuệ
4. Luật giao dịch điện tử
5. Luật nhà ở
6. Luật thanh niên
7. Luật công an nhân dân
8. Luật phòng chống tham nhũng
9. Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
10. Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006.

Dự kiến Quốc hội thảo luận tại 2 hội trường về 14 dự luật, gồm 5 dự án luật trình Quốc hội, xem xét thông qua:

1. Luật doanh nghiệp
2. Luật đầu tư
3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá
trị gia tăng và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại tố cáo
5. Luật đấu thầu

9 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến

1. Luật bảo hiểm xã hội
2. Luật kinh doanh bất động sản
3. Luật hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi)
4. Luật công nghệ thông tin
5. Bộ luật thi hành án
6. Luật điện ảnh
7. Luật đăng ký bất động sản
8. Luật về luật sư
9. Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Như Trang