Một lựa chọn trúng cho giao thông công cộng ở Ðà Nẵng
Các Website khác - 22/08/2005
Hiện tại Ðà Nẵng chưa phải đối mặt gay gắt với vấn đề ùn tắc giao thông. Tuy nhiên với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá cao như hiện nay của Ðà Nẵng thì đây chính là thời điểm mà vấn đề lựa chọn một phương thức phục vụ GTCC thích hợp cần được đặt ra tích cực, khẩn trương.
Phát triển một phương tiện giao thông công cộng (GTCC) thích hợp quy hoạch đô thị hiện đại đang là yêu cầu đặt ra ngày càng bức bách đối với các thành phố lớn nước ta.

Với Ðà Nẵng, đô thị loại I ở miền trung, qua thống kê mật độ giao thông trung bình trên các tuyến đường chính ở thành phố này trong ngày, dao động khoảng 2.000 xe gắn máy/giờ. Tại những nút giao thông chính (như cầu sông Hàn, ngã ba Huế, đường Hoàng Diệu...) giờ cao điểm lưu lượng có thể gấp năm lần lưu lượng trung bình. Nhìn chung, hiện tại Ðà Nẵng chưa phải đối mặt gay gắt với vấn đề ùn tắc giao thông. Tuy nhiên với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá cao như hiện nay của Ðà Nẵng thì chỉ ít năm nữa, giao thông nội thị của thành phố này cũng sẽ trở thành vấn đề bức xúc như ở một số thành phố lớn của nước ta. Kinh nghiệm phát triển GTCC tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cho thấy, cần phải quy hoạch hạ tầng phục vụ cho GTCC ngay trong quá trình phát triển đô thị. Nếu không quan tâm vấn đề này, việc khắc phục hậu quả về sau sẽ rất tốn kém, khó khăn với Ðà Nẵng - thành phố đang trong quá trình quy hoạch, chỉnh trang đô thị diễn ra mạnh mẽ thì đây chính là thời điểm mà vấn đề lựa chọn một phương thức phục vụ GTCC thích hợp cần được đặt ra tích cực, khẩn trương.

Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Ðại học Ðà Nẵng), tác giả đề án Tram way (tàu ô-tô điện) Ðà Nẵng - Nam Ô, thì việc lựa chọn phương án vận chuyển công cộng là bài toán tổng hợp tối ưu của nhiều yếu tố. Trong chiều hướng đó, sự phối hợp giữa vận chuyển khối lượng lớn bằng Tram way và xe buýt sạch nhỏ là phương án phù hợp với Ðà Nẵng. Ông lý giải: Tram way thế hệ mới là ô-tô điện chạy trên đường sắt nhẹ. Tram way không phải là tàu lửa, hoạt động của nó tuân theo luật đi đường dành cho ô-tô. Vì vậy việc đường Tram way cắt ngang qua các tuyến đường bộ khác trong thành phố không gây trở ngại giao thông, là phương tiện vận tải khách khối lượng lớn, có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, không gây ô nhiễm môi trường. Ðây là phương tiện ngày càng được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới...

Theo quy hoạch phát triển về giao thông, sau năm 2005 tuyến đường sắt bắc - nam qua nội thị Ðà Nẵng sẽ được chuyển ra ngoài thành phố (cùng với đường cao tốc Huế - Ðà Nẵng - Dung Quất). Ga xe lửa và các bến xe khách sẽ được chuyển ra khỏi khu vực nội thành. Theo đó việc cải tạo đoạn đường sắt Ðà Nẵng - Nam Ô thành đường Trạm way hai chiều sẽ nhiều thuận lợi, có tính kinh tế cao, nhờ hạn chế đến mức thấp nhất việc giải tỏa đền bù cùng với việc quy hoạch các hạt nhân lan tỏa đô thị ở các trạm dừng và giải quyết nhu cầu đi lại giữa trung tâm thành phố với khu vực phía bắc thành phố (nơi có hai khu công nghiệp lớn là Hòa Khánh và Liên Chiểu). Phương án Trạm way Ðà Nẵng - Nam Ô sẽ có những tác động rất tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. GS, TSKH Bùi Văn Ga cho biết, ở giai đoạn 1 mô hình Trạm way ở Ðà Nẵng bao gồm tám xe điện luân chuyển trên đường sắt Ðà Nẵng - Nam Ô đã được nâng cấp cải tạo, đường rộng ba mét kể cả vùng đệm (mặt đường rộng 5,5m bao gồm hành lang). Tàu điện chủ yếu chạy bằng điện, động cơ đi-ê-den chỉ dùng khi cần thiết, cho nên không gây ô nhiễm. Toàn bộ dự án khoảng 15 - 20 triệu USD...

TẠI cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề phát triển GTCC phù hợp đô thị được tổ chức mới đây tại Ðà Nẵng, nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong nước cũng như đến từ các nước phát triển như Pháp, Ðức rất quan tâm và đánh giá cao mô hình Trạm way của GS, TSKH Bùi Văn Ga và đều khẳng định đây là sự lựa chọn tốt nhất cho phương tiện GTCC ở Ðà Nẵng.

Trạm way - loại hình GTCC tàu là công trình được GS, TSKH Bùi Văn Ga trình UBND thành phố Ðà Nẵng năm 2003 hiện đang được thành phố xem xét đầu tư và sẽ đưa vào khai thác sử dụng vào đầu năm 2007. Và như vậy Ðà Nẵng sẽ là nơi đầu tiên ở nước ta áp dụng loại hình giao thông này.

Ðược biết ngoài công tác quản lý, giảng dạy, những năm gần đây GS, TSKH Bùi Văn Ga đã có nhiều đề tài khoa học được ứng dụng trong thực tế đạt hiệu quả cao, trong đó đáng chú ý là đề tài sử dụng năng lượng ga để chạy xe máy, xe mô-tô bước đầu đã được triển khai ở thành phố Ðà Nẵng.

MAI TRUNG